VINAGRI News - Tiến trình cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất lúa đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ, rộng khắp ở ĐBSCL. Đây là cơ hội để phát triển ngành cơ khí, chế tạo máy phục vụ sản xuất lúa trong thời gian tới. Biến cơ hội thành thế mạnh, không gì khác hơn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần nâng cao hơn nữa giá trị hạt lúa, tăng thêm lợi nhuận cho người nông dân như kỳ vọng.
Bài cuối: Làm gì để đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa?
Lấy lại lợi thế sân nhà: cách nào?
Hơn 2 năm qua, máy kéo, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) sản xuất ở ĐBSCL và cả nước gần như không cạnh tranh nổi với các dòng máy của Nhật, hay một số nước khác. Nhưng nhiều cơ sở, doanh nghiệp… sản xuất máy GĐLH ở ĐBSCL còn bám trụ được trên thị trường. Trong số đó có Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng (TP Cần Thơ), Cơ khí Phan Tấn ở huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang… Theo ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng, sản phẩm của công ty (máy sạ hàng, xe phun xịt dung dịch, máy GĐLH) có tiếng trên thị trường nhờ thích hợp với đồng đất và giá bán phù hợp với vùng ĐBSCL. Điển hình như GĐLH do công ty sản xuất có thể cắt được ruộng lúa nghiêng ngả, ít bị ngập lún, tỷ lệ hạt hư hỏng sau khi thu hoạch thấp và hạt lúa sạch nhưng giá thành bằng một nửa so với các loại máy có công suất tương tự nhập khẩu từ nước ngoài… Về khả năng trụ trên sân nhà, ông Phan Tấn Bện, Chủ cơ sở Cơ khí Phan Tấn, cho rằng: "Cần có những đánh giá đúng vai trò của máy GĐLH sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất đừng vì những yếu điểm thời gian qua mà quay lưng với máy GĐLH sản xuất trong nước. Cần không ngừng nghiên cứu, cải tiến để máy GĐLH trong nước lấy lại thị phần. Đây sẽ là đối trọng quan trọng để máy GĐLH ngoại không còn độc tôn như hiện nay". Theo ông Bện, gần 5 năm qua, trên cơ sở nghiên cứu, tìm tòi và đúc kết kinh nghiệm từ những dòng máy đã có sẵn đến nay, cơ sở đã sản xuất trên 600 máy cung cấp cho thị trường ĐBSCL và Quảng Bình, Huế, Thanh Hóa… Đặc biệt, Cơ khí Phan Tấn đã xuất khẩu được 4 máy GĐLH sang thị trường Tanzania (Châu Phi)…
Khách tham quan khu trưng bày thiết bị, máy nông nghiệp tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2013 tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: Thu Hoài
Tận dụng cơ hội, lấy lại thế trên sân nhà, đối với ngành cơ khí chế tạo, ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí-Đúc-Luyện kim TP Cần Thơ, cho rằng: Các nhà sản xuất ngành cơ khí chế tạo phải nghiên cứu, phải nhắm vào điểm yếu của các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Ví dụ đối với các loại máy GĐLH ngoại nhập, các cơ sở, doanh nghiệp ngành cơ khí cần có đánh giá tuổi thọ của từng chi tiết máy, hay bộ phận nào, chi tiết nào của máy dễ hư hỏng trong quá trình hoạt động. Trên cơ sở đó có những nghiên cứu, chế tạo ra những chi tiết, bộ phận… thay thế với chất lượng đảm bảo, giá bán cạnh tranh. Bởi theo với cách làm này, hoạt động từ năm 1991 đến nay, các sản phẩm sơ mi – xi lanh của Cơ khí Sông Hậu luôn được khách hàng trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng phụ tùng của các loại máy nông nghiệp, giao thông vận tải thủy, bộ, đánh bắt thủy, hải sản... tin dùng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, so với các khâu khác trong canh tác lúa, mức độ CGH của các khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc trừ sâu, sấy và bảo quản hiện còn thấp. Vì vậy, trước mắt cần tập trung nghiên cứu để thiết kế, chế tạo và ứng dụng rộng rãi các thiết bị này vào sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL. Việc nghiên cứu, chế tạo máy nông nghiệp cần lưu ý đặc điểm khí hậu ĐBSCL là mưa nhiều, không khí nóng và ẩm, nền ruộng yếu, thường ngập nước và kênh rạch chằng chịt; quy mô và kích thước lô thửa trong sản xuất lúa còn nhỏ hẹp…
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Đẩy nhanh tiến trình CGH trong sản xuất lúa và cả ngành nông nghiệp vấn đề quan trọng hàng đầu là nguồn nhân lực, đặc biệt là đối với nông dân. Bởi lẽ, như ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ: 100% khâu làm đất và thu hoạch lúa ở hợp tác xã đã thực hiện bằng máy. Vì vậy hợp tác xã đáp ứng tốt nhu cầu GGH trong sản xuất lúa của xã viên, đảm bảo đúng lịch thời vụ từ khâu gieo sạ đến thu hoạch cho xã viên. Tuy nhiên, từ chủ cho đến người phụ trách lái máy nông nghiệp gần như chưa được đào tạo một cách bài bản. Chính vì thế việc bảo quản, vận hành, sửa chữa đúng kỹ thuật… gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là thực trạng chung đối với các địa phương vùng ĐBSCL. Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành hữu quan cần tăng cường tập huấn sử dụng, bảo trì và sửa chữa máy móc nông nghiệp cho nông dân và các nhóm dịch vụ cơ giới nông nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác khuyến nông và ứng dụng thiết bị máy móc vào sản xuất nông nghiệp…
Không thể phủ nhận, thời gian qua, hệ thống các trường dạy nghề đã có nhiều nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, doanh nghiệp. Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường chỉ đào tạo những gì "nhà trường có", chưa thật sự đào tạo những gì "doanh nghiệp cần". Vì vậy, sinh viên ra trường rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với thực tế. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, đề xuất: Cần có sự gắn kết giữa nhà trường và nhà sản xuất (doanh nghiệp). Nhà trường nên đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình đào tạo bằng cách đóng góp ý kiến cho nhà trường trong xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy; hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm thực hành và cả kinh phí đào tạo. Có như vậy, việc đào tạo mới mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi chính doanh nghiệp sẽ là nơi sử dụng, phát huy trí tuệ, tài năng của sinh viên sau khi rời ghế nhà trường. Mặt khác, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng giảm bớt áp lực của nhà trường phải bỏ vốn đầu tư thiết bị, vật tư để cho sinh viên thực hành trong quá trình đào tạo.
Về mối liên kết, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng: Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa viện, trường và doanh nghiệp. Các viện trường đóng vai trò như là một phân khúc trong việc đưa máy nông nghiệp vào đồng ruộng. Nghĩa là các viện, trường chỉ nghiên cứu những vấn đề rất cơ bản về mẫu máy nông nghiệp mới. Trên cơ sở này, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sàn giao dịch để các doanh nghiệp tìm hiểu. Nếu mẫu máy nào phù hợp yêu cầu, doanh nghiệp sẽ đặt hàng và đầu tư để các viện, trường tiếp tục hoàn thiện sản phẩm phù hợp với thực tiễn sản xuất. Thời gian qua, Đại học Nông nghiệp Hà Nội chế tạo được 11 mẫu máy nông nghiệp. Nhưng cũng như phần lớn các viện, trường đại học khác, trường phải thực hiện từ A đến Z để cho ra mẫu máy mới. Nghĩa là phải thực hiện nghiên cứu, phác thảo, đưa đi thử nghiệm rồi hoàn chỉnh. Vấn đề này quá khó. Bởi các nhà khoa học không phải là nhà tiếp thị, không thể tự lo vốn, lo thị trường tiêu thụ.
Trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật phát triển nhanh chóng, để thúc đẩy tiến trình CGH trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng, Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho rằng: Nên đưa hàm lượng chất xám vào thiết bị, máy móc bằng cách ứng dụng công nghệ tự động hóa vào chế tạo, nhằm tăng giá trị sản phẩm, ổn định chất lượng hàng hóa, đồng thời chú trọng đến các dây chuyền, thiết bị tạo ra sản phẩm hàng hóa sau cùng, giảm bớt tỷ lệ sản xuất dạng sơ chế, tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, cơ khí các địa phương tham gia chế tạo thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức, có phân công và hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí trong và ngoài địa phương trên cơ sở tổ chức của nhà nước. Vấn đề này có thể giao Sở Công thương làm đầu mối! Để đẩy mạnh tiến trình CGH trong sản xuất lúa, theo bà Phạm Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cần có nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ trên từng cánh đồng, từng vùng từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cơ cấu mùa vụ, mặt bằng đồng ruộng, cách làm đất, kỹ thuật canh tác, hệ thống tưới tiêu... Trong sản xuất, cần thực hiện tốt "1 phải- 5 giảm", đáp ứng yêu cầu của thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của lúa gạo và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tiến trình CGH sản xuất lúa ở ĐBSCL chỉ có thể thúc đẩy nhanh nếu nó giúp tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện được thu nhập của nông dân. Chính vì vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, kiến thiến đồng ruộng… đến cả việc phát triển cơ khí chế tạo trên nền tảng ứng dụng công nghệ tự động hóa, thúc đẩy hoạt động sản xuất. Có như vậy, tiến trình CGH mới đạt như kỳ vọng.
Ngày 14 -11 -2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân để mua 7 loại máy, thiết bị (theo danh mục) nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp. Mức vay tối đa bằng 70% giá trị của dự án. Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014. Quyết định này thay thế Quyết định số 63/2010-QĐ-TTg ngày 15-10-2010 và Quyết định số 65/2011-QĐ-TTg ngày 2-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010-QĐ-TTg ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Hà Triều/ Báo Cần Thơ
Xem thêm:
Không có nhận xét nào: