» » Tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL: Kỳ vọng và thách thức (Bài 2)

VINAGRI NewsĐBSCL là vựa lúa lớn nhất, chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa và đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Với diện tích canh tác lớn, nếu áp dụng cơ giới hóa (CGH) sẽ là thị trường lớn cho ngành chế tạo máy phục vụ sản xuất. Nhưng có một thực tế là đến kỳ thu hoạch, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) nhãn hiệu Kubota của Nhật Bản chạy dập dìu trên đồng ruộng. Không chỉ vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành cơ khí nông nghiệp đã và đang bị "mai một" ở ĐBSCL… Đây là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách… trong việc thúc đẩy tiến trình CGH trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng.

Bài 2: Vì đâu "thua trên sân nhà"?

Sức cạnh tranh kém: Do đâu?

Máy GĐLH Kubota của Nhật Bản đã và đang chiếm “thế thượng phong” trên đồng lúa ở vùng ĐBSCL mỗi kỳ thu hoạch. Ảnh: Thanh Long

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), tâm tư: Gắn bó với ngành nông nghiệp lâu năm mới có thể thấy và cảm nhận hết sự chua xót khi sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam thua ngay trên sân nhà so với các quốc gia, các đối thủ hay trực tiếp trên một mặt hàng cụ thể. Từ đó mới có thể hiểu rằng, chúng ta có nhiều cái chưa hay từ phương thức sản xuất kinh doanh, đến hợp tác và đặc biệt là khoa học và công nghệ. Đừng nói đến hàm lượng chất xám trong đó ít, hay nhiều mà phải nhìn nhận rằng thua đối thủ cạnh tranh là do mình chưa đầu tư thỏa đáng cho khoa học và công nghệ. Câu chuyện của chiếc máy GĐLH Kubota đang chiếm thế thượng phong ở ĐBSCL là một điển hình.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, nông dân ở ấp Đông Hòa, xã Đông Phước, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: Máy GĐLH của Việt Nam sản xuất thời gian đầu chạy rất tốt. Nhưng, xuống đồng không bao lâu, máy trục trặc, tốn nhiều chi phí sửa chữa, bảo trì. Chưa kể đến việc phải vận chuyển máy đi xa để sửa chữa nếu bị hư hỏng, hoặc rất khó khăn tìm chi tiết lắp ghép vào máy cho phù hợp… Nếu tình trạng này rơi đúng vào thời điểm mùa vụ căng thẳng, chủ máy khó có thể làm ăn được. Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Không phải ở vùng ĐBSCL và nước ta không có nhà chế tạo. Không phải không có doanh nghiệp đầu tư công sức, tiền của cho máy móc phục vụ sản xuất lúa; không phải chúng ta không có những mẫu máy tốt… Vấn đề là ta không có ngành công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim để chế tạo ra những chi tiết máy, có mắt ghép phù hợp, đảm bảo độ bền của các chi tiết máy... Máy GĐLH Kubota của Nhật Bản hay các thương hiệu khác của Hàn Quốc, Trung Quốc... có ưu thế vượt trội về công nghệ chế tạo, độ tin cậy trong sử dụng và dịch vụ hậu mãi đang chiếm ưu thế hơn so máy sản xuất trong nước ở vùng ĐBSCL.

ĐBSCL đã và đang thiếu những kỹ sư cơ khí lành nghề để chế tạo, sửa chữa... máy nông nghiệp phục vụ tiến trình CGH nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Ảnh: T. Long

Theo Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tại TP Hồ Chí Minh, nếu so với quá trình phát triển CGH nông nghiệp của thế giới, thì trình độ ở Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng còn thấp, mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Ngành chế tạo máy động lực trong nước chỉ có công ty chế tạo cơ khí có quy mô công nghiệp là Vikyno-Vinapro (thuộc Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam- VEAM). Nhưng công ty này chỉ mới chế tạo được các loại động cơ nổ, máy phát điện và máy kéo nhỏ 2 bánh có công suất đến 16,5 HP; máy kéo 4 bánh có công suất 25HP. Các loại máy kéo 4 bánh, từ 30 HP trở lên hiện nay vẫn phải nhập ngoại. Đối với ngành chế tạo máy móc thiết bị nông nghiệp, ở ĐBSCL có các công ty chế tạo cơ khí có quy mô sản xuất công nghiệp, như: Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang, Công ty TNHH Cơ khí Công Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Long An, Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An (Lamico),… Nhưng các công ty này chế tạo chủ yếu các loại máy bơm nước, máy GĐLH, máy sấy và các thiết bị xay xát lúa gạo. Các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa như máy cày, xới, san phẳng đồng ruộng, gieo hàng, máy gặt rải hàng, máy đập lúa… được sản xuất từ các cơ xưởng nhỏ ở địa phương. Các xưởng cơ khí này thường có trình độ công nghệ chế tạo chưa cao, các chi tiết máy chưa được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng thấp. Vì vậy, mặc dù các thiết bị máy móc từ các cơ xưởng này có giá bán thấp nhưng chất lượng, hiệu quả và độ tin cậy chưa cao, chưa được nông dân tin dùng… Thêm vào đó, các nhà chế tạo và phân phối máy móc nông nghiệp của Việt Nam chưa chuyên nghiệp; dịch vụ hậu mãi chưa phát triển rộng khắp và tiện lợi… Những hạn chế này làm giảm hiệu suất sử dụng, làm tăng chi phí sửa chữa thiết bị và chi phí sản xuất nông nghiệp, hạn chế sự phát triển CGH trong sản xuất lúa của vùng ĐBSCL.

Chưa tạo động lực phát huy nguồn lực

Bức xúc từ thực tiễn sản xuất, thời gian qua nhiều nông dân, doanh nghiệp… ở ĐBSCL tự chế tạo máy móc phục vụ CGH trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Điển hình như: Anh Trần Văn Tuấn, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chế tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa. Nông dân Trần Văn Dũng, ở ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) chế tạo thành công máy hút bùn. Hay gần đây nhất là ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng TP Cần Thơ đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế năm 2013 với sáng chế "Máy gặt đập lúa"… Tuy nhiên, để những sáng chế của nông dân hay doanh nghiệp có thể ứng dụng rộng rãi trong sản xuất là vấn đề không đơn giản. Ông Phan Tấn Bện, Chủ cơ sở Cơ khí Phan Tấn, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Cơ khí Phan Tấn nghiên cứu và bắt đầu sản xuất máy GĐLH từ năm 2009. Tuy nhiên mẫu máy thiết kế của cơ sở phải phụ thuộc vào một số thiết bị phụ tùng trên thị trường, nhưng các thiết bị phụ tùng này không đạt độ bền theo yêu cầu hoặc độ ổn định không hợp lý… Nếu cơ sở đặt hàng để có thiết kế phù hợp thì không thể tìm được nhà sản xuất vì số lượng đặt hàng còn ít. Còn nếu tự đầu tư sản xuất tất cả các thiết bị phù tùng theo nhu cầu thì ngoài khả năng của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do khó tạo được động lực để những nhà sáng chế nông dân, hay doanh nghiệp tìm chỗ đứng sản phẩm trên thị trường.

Nguồn nhân lực phục vụ CGH trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng ở ĐBSCL và cả nước đang là vấn đề khá nan giải. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (nguyên Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ), thẳng thắn nhìn nhận: Nhiều trường đại học (trong đó có Trường Đại học Cần Thơ), cao đẳng và trung học chuyên nghiệp về nông nghiệp hiện nay không còn đào tạo kỹ sư và cán bộ cơ khí nông nghiệp. Lực lượng cán bộ nghiên cứu, phát triển, khảo nghiệm và huấn luyện sử dụng máy móc thiết bị nông nghiệp hiện nay rất thiếu và ngày càng khan hiếm. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, từ năm 2000-2005 là thời kỳ "chạm đáy" đối với đào tạo ngành cơ khí của Việt Nam. Bởi không riêng gì Đại học Nông nghiệp Hà Nội mà nhiều trường đại học khác trong cả nước, có năm học chỉ tuyển sinh được 30-40 sinh viên. Vì sao lại như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên, sinh viên ngành cơ khí nông nghiệp ra trường không có việc làm vì các chương trình đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu của nhà máy, doanh nghiệp. Mặt khác, từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có công trình nghiên cứu về thực lực nghiên cứu trong các trường đại học. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học nói chung và trong việc thúc đẩy CGH nông nghiệp nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhà sản xuất còn "tự bơi", dẫn đến đầu tư sản xuất kém hiệu quả và doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất chế tạo máy nông nghiệp. "Mối liên kết giữa "4 nhà" chưa thật chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Nhà khoa học và nhà sản xuất, nhà kinh doanh chưa chủ động tìm đến với nhau, thiếu thông tin giữa 2 bên về những thành quả nghiên cứu mà nhà sản xuất cần để ứng dụng triển khai dẫn đến tình trạng nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị của nhà khoa học phải xếp trong ngăn tủ" – Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, nhìn nhận.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Viên cho rằng: Hiện nay, các trường đang đào tạo theo kiểu "Muốn tìm hiểu những gì tiên tiến nhất thì ra thực tiễn sản xuất. Muốn tìm cái gì lạc hậu nhất vào trường đại học". Đây là một quy trình ngược. Bởi công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ phải tiên phong và được kiểm chứng, kiểm nghiệm từ thực tiễn. Nguyên nhân duy nhất của tình trạng này là do các trường không có nguồn kinh phí (cần hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn, hàng triệu USD/máy) để làm dụng cụ giảng dạy cho sinh viên. Việc đào tạo trong trường không theo kịp với thực tiễn, trong khi các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp, chủ yếu là các xưởng chế tạo cơ khí nhỏ lẻ, kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo còn lạc hậu, chưa chuyên nghiệp, chưa tiêu chuẩn hóa, độ bền và tính ổn định chưa cao. Tất cả là lực cản lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp chế tạo máy và CGH nông nghiệp của ĐBSCL và cả nước; đòi hỏi phải sớm có giải phải pháp thúc đẩy tiến trình CGH trong sản xuất lúa, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Làm gì để đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa?

Hà Triều/ Báo Cần Thơ

Xem thêm:

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: