» » Tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL: Kỳ vọng và thách thức

VINAGRI NewsCơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng và sản lượng nông nghiệp. Trong sản xuất lúa, CGH góp phần quan trọng giảm tổn thất trong từng khâu và cả chuỗi cung ứng sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và uy tín hạt gạo trên thị trường. Dù đã được quan tâm và thực hiện nhiều năm nay, nhưng CGH phục vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi cần nhiều trợ lực để góp phần nâng cao giá trị hạt lúa ĐBSCL.

Bài 1: Nhiều lợi ích nhưng…

CGH trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng mang lại nhiều lợi ít thiết thực. Nhưng tiến trình CGH để công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất…

Lợi ích từ CGH

An Giang là một trong những địa phương trọng điểm sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL, với diện tích gieo trồng lúa mỗi năm khoảng 600.000ha. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã giúp sản lượng lúa của An Giang không ngừng gia tăng. Năm 2009, sản lượng lúa của tỉnh đạt 3,38 triệu tấn, đến nay trên dưới 3,95 triệu tấn, góp phần đáng kể cùng các địa phương trong vùng đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng xuất khẩu gạo của cả nước. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, cho biết: Những năm gần đây, chủ trương của An Giang là xuống giống tập trung né rầy nên áp lực trong khâu thu hoạch là rất lớn. Trong khi đó, lao động thủ công ngày càng khan hiếm. Do vậy, tiến trình CGH trong khâu thu hoạch là tất yếu. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh An Giang chỉ có 731 máy gặt đập liên hợp các loại, khả năng thu hoạch 33,8% diện tích canh tác lúa mỗi vụ thì đến tháng 10-2013, số lượng máy gặt đập liên hợp của tỉnh đã đạt 2.131 máy. Nếu tính bình quân thu hoạch 4ha/ngày/máy, thời gian hoạt động là 25 ngày/vụ thì khả năng thu hoạch trung bình khoảng 213.000ha/vụ, chiếm khoảng 90% diện tích canh tác vụ lúa đông xuân của An Giang (235.000ha). Lợi ích từ việc CGH trong sản xuất lúa, ông Lê Văn Chưởng, nông dân ấp Đầu Giồng A, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Chỉ ở công đoạn thu hoạch, nếu thu hoạch lúa bằng thủ công, chi phí trên dưới 3 triệu đồng/ha. Nhưng nếu sử dụng máy gặt đập liên hợp, chi phí chỉ khoảng 1,7 – 2 triệu đồng/ha. Không chỉ vậy, trước đây, nông dân vùng ĐBSCL có thói quen sạ dầy, sử dụng từ 250-300 kg lúa giống/ha rồi giảm xuống còn 120-150kg/ha. Tuy nhiên, nhiều nơi, nông dân đã mạnh dạn đưa máy sạ hàng vào sản xuất và giảm được lượng giống chỉ còn từ 80-120kg/ha. Sạ hàng còn giúp cho việc chăm sóc lúa dễ dàng hơn, thuận tiện cho máy gặt rải hàng hay gặt đập liên hợp vận hành khi đến kỳ thu hoạch.

CGH trong sản xuất lúa sẽ giảm được chi phí lao động, giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập của nông dân. Trong ảnh : Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ chuẩn bị đồng ruộng trước khi gieo sạ. Ảnh : T. Long

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tại TP Hồ Chí Minh, nhận định: Lợi ích từ CGH trong sản xuất lúa và cả nền nông nghiệp là rất lớn. CGH trong sản xuất lúa sẽ giảm được chi phí lao động, giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập của nông dân. Tăng cường CGH trong canh tác lúa sẽ giúp giải quyết các công việc đồng áng, nhất là các khâu gieo trồng, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch kịp thời và nhanh chóng. Điều này không chỉ giúp sử dụng giống, nước, phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả hơn để nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, mà còn hạn chế tác động đối với sức khỏe của nông dân và môi trường tự nhiên ở nông thôn. Ngoài ra, đẩy mạnh CGH trong sản xuất lúa ở ĐBSCL vừa là nhu cầu nhưng cũng là động lực để phát triển ngành công nghiệp chế tạo máy kéo và máy nông nghiệp. Nó cũng góp phần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển các ngành nghề phụ để chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế và hiện đại hóa nông thôn.

Kết quả thấp so với yêu cầu

Theo Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tại TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL có gần 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp nhưng số hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn khá thấp; bình quân khoảng 62 hộ mới có một máy kéo. Mức độ trang bị động máy lực cho nông nghiệp ở ĐBSCL ở mức 1,85 HP/ha, so với cả nước là 1,16 HP/ha nhưng rất thấp so với các nước trong khu vực. Con số này của Thái Lan đạt 4 HP/ha, Hàn Quốc đạt 4,2 HP/ha, Ấn Độ và Trung Quốc đạt trên 6 HP/ha. Mức độ CGH trong sản xuất lúa ở ĐBSCL cũng còn thấp và không đồng đều giữa các khâu.Khâu làm đất đạt khoảng 90% so với nhu cầu, bơm nước đạt khoảng 95-100%; gieo sạ bán cơ giới đạt khoảng 70-75%; thu hoạch đạt 60-65%, trong đó, sử dụng máy gặt đập liên hợp đạt khoảng 45-50%; sấy chỉ đạt 38,7%; bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật chỉ đạt khoảng 15%; xay xát lúa gạo đạt xấp xỉ 95%. "Các khâu như gieo sạ, cấy, làm cỏ và phun thuốc có mức độ CGH rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Việc "thắt cổ chai" tại hai khâu then chốt là sấy và bảo quản đang gây ra những tổn thất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL" – ông Phạm Văn Tấn nói.

Những năm qua, Việt Nam có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ trong đầu tư thiết bị máy móc nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo. Điển hình như: Quyết định số 63/2010-QĐ-TTg ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Kinh doanh xuất khẩu gạo ; Quyết định số 560/QĐ-BNN-CB ngày 24-3-2011 của Bộ NN&PTNT về việc Ban hành quy định tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu; Quyết định số 65/2011-QĐ-TTg ngày 2-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010-QĐ-TTg ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản…

Nhờ triển khai thực hiện các chính sách trên, TP Cần Thơ đã được những kết quả nhất định, góp phần đẩy mạnh CGH trong sản xuất lúa. Theo đó, từ 2010 đến nay, thành phố hỗ trợ lãi suất mua 200 máy gặt đập liên hợp (không ràng buộc về tỷ lệ nội địa), đạt 100% kế hoạch… Hiện toàn thành phố có 568 máy gặt đập liên hợp, tăng 465 máy so với năm 2009 và đảm bảo CGH trên 70% diện tích trồng lúa của thành phố. Hiện, thành phố có 1.255 lò sấy, tăng 769 lò so với năm 2009, đáp ứng sấy gần 70,5% sản lượng lúa vụ hè thu và khoảng 100% sản lượng lúa thu đông năm 2013…

Mặc dù vậy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho rằng vẫn còn rất khó tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ. Đặc biệt, việc đầu tư máy móc, thiết bị phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng - quá cao so với thu nhập của nhiều nông dân, làm hạn chế việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc để CGH trong sản xuất lúa. Không chỉ vậy, thực trạng sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL là kích thước lô thửa trong sản xuất lúa còn nhỏ hẹp, nền đất thường yếu, hệ thống giao thông nông thôn và giao thông nội đồng chưa được cải thiện nhiều. Tất cả làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng các loại thiết bị máy móc trong canh tác lúa, ảnh hưởng đến tiến trình CGH.

CGH mang lại nhiều lợi ích song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn sản xuất lúa đặt ra. Vô hình chung đã đẩy ngành chế tạo máy nông nghiệp "thua ngay trên sân nhà"; nguồn lực phục vụ cho CGH yếu dần, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển.

(Còn tiếp)

Bài 2: Vì đâu "thua trên sân nhà"? 

Hà Triều/ Báo Cần Thơ

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: