VINAGRI News - So với thời điểm 2006, năng lực xuất khẩu gạo của Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều. Bởi tại thời điểm đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 4,69 triệu tấn gạo, trị giá 1,195 tỷ USD. Đến năm 2012, ngành gạo đã đạt con số kỷ lục về lượng với trên 8,1 triệu tấn gạo xuất khẩu, trị giá gần 3 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên đứng trong top đầu các nước xuất khẩu gạo mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được đặt ra.
Ảnh: Minh Đức
Xuất khẩu sụt giảm
Bước sang năm 2013, xuất khẩu gạo có chiều hướng đi xuống. Theo Hiệp hội Lương thực VIệt Nam (VFA), trong tháng 8, xuất khẩu gạo đã hụt đi so với dự kiến tới 130 ngàn tấn. Giá gạo xuất khẩu cũng giảm đáng kể. Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đã giảm 15,7% về khối lượng và giảm 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá xuất khẩu gạo bình quân 7 tháng đầu năm chỉ là 438,49 USD/tấn, giảm 3,2 % so với cùng kỳ năm 2012. Sụt giảm về cả lượng và giá, một phần nguyên nhân cũng bởi các hợp đồng xuất khẩu gạo bị đối tác đơn phương chấm dứt. Song, nguyên nhân cốt lõi của sự sụt giảm này, có lẽ đã được cảnh báo từ lâu, và đến giờ vẫn đang là bài toán khó cho các nhà làm quản lý. Đó là những bất cập liên quan đến chất lượng hạt gạo Việt Nam cũng như việc khẳng định thương hiệu của hạt gạo Việt Nam.
Tại một cuộc hội thảo bàn giải pháp nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam được tổ chức cuối tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập: chất lượng gạo xuất khẩu chưa được đánh giá cao trên thị trường, giá gạo thiếu ổn định. Cùng với những lý do trên, ngành gạo cũng đang rất nan giải về môi trường kinh doanh hiện nay, khi mà trên thị trường này có rất nhiều DN, thương nhân cùng tham gia việc xuất khẩu gạo song không có chiến lược lâu dài, thiếu việc định hướng mở rộng thị trường… dẫn tới thị trường luôn trong tình trạng bất ổn.
Xuất khẩu gạo, cần tìm được sự thăng bằng giữa số lượng và giá trị gia tăng - Ảnh: Minh Giang
Không thể để nông dân tự bơi
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sở dĩ cùng ở một thị trường, như Mỹ chẳng hạn, nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn tìm đến gạo Thái Lan trước khi tìm đến gạo Việt Nam, là bởi chất lượng của họ vẫn hơn ta một bậc. Đây là một thực tế chúng ta phải nhìn nhận lại và cần phải đặt câu hỏi: Tại sao cùng là nước có ngành mũi nhọn là xuất khẩu lúa gạo, có nhiều lợi thế để cạnh tranh, nhưng chúng ta vẫn đang đi sau Thái Lan? Nguyên nhân chính là do chúng ta đang mải miết chạy theo sản lượng mà thiếu sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng hạt gạo.
Vì thế, việc cần làm hiện nay là thay vì cứ chạy theo sản lượng như trước đây, ngành lúa gạo cần tìm cách nâng cao chất lượng hạt gạo, đây là điều kiện cần thiết để gạo xuất khẩu có thể trụ vững trên thị trường quốc tế. Và để nâng cao được chất lượng lúa gạo, chắc chắn phải cần đến sự vào cuộc sát sao của nhà quản lý. Cụ thể, nhà quản lý phải có giải pháp, nghiên cứu ra giống tốt, có quy trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch để giữ cho hạt gạo xuất khẩu cạnh tranh được với giá cao. Không thể để tình trạng nông dân "tự bơi” trên ruộng lúa của mình như thời gian qua. Dẫn đến kết quả, họ thích trồng giống lúa gì thì trồng, rồi đến khi thương lái thu mua, các loại gạo được thương lái trộn đều rồi giao cho DN xuất khẩu. Chính cách làm "nghiệp dư” này đã dẫn đến tình trạng chất lượng gạo không đồng đều, và hậu quả tất yếu là dù chúng ta mạnh về sản lượng, nhưng chúng ta không thể thắng nổi Thái Lan về chất lượng.
Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng hạt gạo, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng để nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu, đó là bản thân các DN cũng cần phải tìm hiểu kỹ thị trường hướng đến. Nghĩa là, phải cung cấp thứ mà thị trường thế giới cần chứ không phải cung cấp những gì chúng ta sẵn có. Hiện các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn đang còn rất lúng túng trong vấn đề này. Và theo giới chuyên gia, không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, mà hầu hết ở mọi lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, chúng ta đang bị vấp phải cách tư duy đó.
Đưa ra những giải pháp để "cải thiện” năng lực xuất khẩu gạo cũng như nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, tới đây, ngành lúa gạo cần tập trung triển khai công tác xây dựng thương hiệu gạo để gạo Việt Nam có cơ sở khẳng định vị trí, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường phù hợp.
Mới đây, Bộ Công thương đã quyết định thành lập tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, nhiệm vụ của Tổ công tác là tư vấn về các vấn đề liên quan đến điều hành xuất khẩu gạo; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất biện pháp, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hoặc tham gia với các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Duy Phương/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: