VINAGRI News - Thị trường thế giới biết đến Việt Nam chủ yếu từ nhóm hàng nông sản và thủy sản, trong đó nông sản chiếm ngôi vị cao nhất kể cả sản lượng cũng như tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Nhưng thời gian gần đây xảy ra tình trạng trái ngược đáng lo ngại: xuất khẩu nông sản không ngừng đi xuống, trong khi một số mặt hàng nông sản nhập khẩu lại tăng mạnh. Thay vì thu mua nguồn nông sản trong nước, không ít DN chuyển sang nhập khẩu.
Ngô và đậu tương là 2 mặt hàng nông sản được nhập khẩu nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Đến hết tháng 8, ngô và đậu tương được nhập khẩu lên đến xấp xỉ 2 triệu tấn, tăng hơn 40% so cùng kì năm trước. Tính bình quân mỗi tháng, kể từ đầu 2013 đến nay, nguồn ngoại tệ phải chi ra để nhập khẩu ngô và đậu tương hơn 250 triệu USD/tháng, vượt xa chỉ số này của cùng kì năm 2012. Trong tổng số gần 2 triệu tấn nông sản được nhập khẩu (tính đến cuối quý 3/2013) riêng mặt hàng ngô chiếm gần 1,4 triệu tấn.
Về thổ nhưỡng cũng như các yếu tố khách quan, Việt Nam hội đủ điều kiện gia tăng thâm canh nông sản nói chung cũng như ngô và đậu tương nói riêng. Chỉ số nhập khẩu đậu tương và ngô tăng mạnh trong thời gian vừa qua, vừa là không bình thường nhưng lại là chuyện không lạ đối với thực tế đang diễn ra trên thị trường. Là nước nông nghiệp nhưng nhập khẩu gần 2 triệu tấn ngô và đậu tương, tăng hơn 40% so cùng kì năm trước, đó là hiện tượng không bình thường nếu thuần túy nhìn vào bề ngoài chỉ số này. Đi sâu tìm hiểu, làm rõ căn nguyên của vấn đề, sẽ có câu trả lời về nhập khẩu nông sản (nhất là ngô) tăng mạnh là chuyện không có gì lạ. Nói cách khác, với thực tế đang phát sinh trên thị trường, nhập khẩu ngô không tăng mạnh mới là chuyện lạ. Ngô nhập khẩu chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn, đó là "đáp án” cho câu trả lời vừa đơn giản vừa thể hiện đúng bản chất của vấn đề: thay vì mua ngô trong nước, các DN chuyển sang nhập khẩu ngô.
Tại thời điểm hiện thời, ngô nhập khẩu (tính hết các khoản chi phí) mức giá chỉ có 6 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, ngô sản xuất trong nước chất lượng kém hơn nhưng giá mua lên đến gần 7 ngàn đồng/kg. Chất lượng không bằng nhưng giá cả cao hơn, vì thế ngô sản xuất trong nước không thể cạnh tranh nổi so với ngô nhập khẩu. Sẽ là thiếu thực tế và không thuyết phục, nếu áp đặt DN phải mua ngô trong nước (giá cao, chất lượng thấp) thay cho ngô nhập khẩu có chất lượng cao hơn và giá rẻ hơn. Với thực tế đang diễn ra trên thị trường, để bảo đảm hiệu quả hoạt động, DN buộc phải lựa chọn chi phí đầu vào thấp hơn nhưng chất lượng hàng hóa cao hơn. Sự lựa chọn ấy vừa phù hợp cơ chế thị trường vừa đặt ra yêu cầu phải tạo ra sức cạnh tranh trong cung ứng vật tư hàng hóa.
Vì thế, để không tái diễn tình trạng thua đậm trên sân nhà, ngô và đậu tương phải tạo ra sức cạnh tranh bằng giải pháp 2 trong 1: từng bước kéo lùi giá thành và không ngừng nâng cao chất lượng.
Bá Tân/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: