VINAGRI News - Ngược với những dấu hiệu khởi sắc của ngành tôm, ngành cá tra đang đi xuống. Nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ khiến nhiều DN xuất khẩu cá tra có thể phải rút khỏi thị trường này. Trong nước, người ta đang chứng kiến sự "ra đi” của nhiều DN sản xuất cá tra khi mà nguồn nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng.
Người nông dân vẫn phải "gồng mình” với con cá tra - Ảnh: Minh Đức
Cung không đủ cầu
Thông tin vừa được lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố mới nhất khiến dư luận bất ngờ. Đó là trong tổng số 70 DN chế biến cá tra hiện nay, chỉ có khoảng 30 DN có vùng nuôi cá riêng, nhưng sản lượng cá chỉ đủ đáp ứng cho sản xuất trong vòng 10-15 ngày. Dự kiến từ đầu tháng 10 tới sẽ có hàng loạt DN phải đóng cửa, kéo theo hàng chục vạn công nhân đứng trước nguy cơ mất việc. VASEP cũng đưa ra nhận định, 4 tháng cuối năm 2013, nếu tính cả sản lượng cá của các DN tự nuôi khoảng 40.000 tấn, cá trong dân 15.000 tấn thì tổng cộng nguyên liệu còn lại trong quý IV chỉ còn khoảng tối đa 50.000 tấn. Tuy nhiên, lượng cá này phải đến 2 tháng nữa mới được thu hoạch, trong khi nhu cầu mà các nhà máy cần là trên 300.000 tấn.
Những con số công bố của VASEP nói trên cho thấy, sự thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng đang là vấn đề nan giải nhất hiện nay của ngành cá tra khi mà, nguồn nguyên liệu có thể cung ứng tối đa chỉ bằng 1/6 nhu cầu sản xuất thực của các nhà máy.
Tuy nhiên, có lẽ, dư luận chỉ bất ngờ về con số nguyên liệu bị thiếu hụt (vì quá lớn mà theo đánh giá của lãnh đạo VASEP, sự thiếu hụt này không chỉ trong thời gian ngắn mà còn có thể kéo dài đến hết vụ mùa năm 2014), chứ không hề bất ngờ về một kết cục như hiện nay của các DN sản xuất và kinh doanh trong ngành cá tra. Đó dường như đã là "những cái chết được báo trước”.
Nhiều năm qua, con cá tra vẫn "chưa bình yên” - Ảnh: Hoàng Long
Hậu quả của tư duy manh mún
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng, các DN không có nguyên liệu để sản xuất, bởi vậy sẽ có hàng loạt DN chế biến và xuất khẩu cá tra phải đóng cửa.
Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản tỉnh Đồng Tháp, lâu nay, các DN chế biến và xuất khẩu cá tra vẫn rất bị động trong vấn đề nguồn nguyên liệu. Họ không chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, chỉ phó mặc cho người dân. Trong khi người nuôi cá cũng không được hưởng lợi nhiều từ việc này do giá cá tra trên thị trường rất bấp bênh, lúc lên lúc xuống. Hậu quả là, nhiều hộ nuôi cá phải treo ao. Từ đó mới dẫn đến kết cục, nguồn cung thiếu trầm trọng, trong khi cầu ngày một tăng.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, cá tra cũng đang phải đối diện với "án thuế cao” do các DN xuất khẩu bị Hoa Kỳ nghi ngờ bán phá giá và cả việc được sự trợ giá từ phía Chính phủ Việt Nam. Dù chưa có quyết định cuối cùng, kết quả ra sao vẫn còn phụ thuộc thời gian tới, các DN ứng phó thế nào với sự việc này. Song, hàng loạt các vấn đề đã và đang xảy ra với ngành cá tra đang khiến thị trường này rơi vào tâm trạng hoang mang và bế tắc.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng, không phải đến bây giờ, những cảnh báo về thực trạng thiếu nguồn cung trên thị trường cá tra mới được đưa ra. Cũng không phải đây là lần đầu tiên ngành thủy sản nói chung, ngành cá tra nói riêng dính vào các rào cản thương mại quốc tế. Song, trong suốt thời gian qua, các DN sản xuất và kinh doanh cá tra vẫn không thay đổi phương thức làm ăn, vẫn hoạt động với tư duy manh mún, "lấy ngắn nuôi dài”, thậm chí có thể nói là "chụp giật”; bởi vậy, những biến cố gần đây của ngành cá tra cũng chỉ là một kết quả tất yếu. Và "thủ phạm” chính không phải ai khác, chính là các DN với cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp.
Và nếu thực trạng này không được cải thiện hay nói cách khác, không mạnh tay hơn nữa trong việc tái cơ cấu DN, thì nguy cơ các DN phá hỏng thị trường cá tra, một trong những ngành sản xuất và xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, dường như đã hiện hữu.
Minh Phương/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: