Thị trường cà phê đang diễn biến khó lường, nhịp độ lên xuống thất thường và phức tạp. Đôi khi chỉ vì do dự chờ đợi giá tăng thêm đôi chút, nhiều nhà vườn và chủ vựa có thể mất cơ hội bán hay phải “ngậm hàng” cà phê.
Nguồn: investing.com
Giá nhảy nhót trên sàn
“Đang chờ đợi giá tăng đôi chút rồi bán, nào ngờ vừa mở cửa phiên giao dịch, giá sàn kỳ hạn mất ngay 31 đô la Mỹ/tấn trong nháy mắt”. Qua điện thoại, chị Loan, một chủ vựa thu mua cà phê tại TP. Pleiku kể với vẻ tiếc nuối vì không kịp bán theo giá niêm yết sàn London trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần qua.
Từ gần nửa tháng nay, giá sàn London từ mức thấp 1.019 đô la Mỹ/tấn đã phục hồi, tăng dần như kiểu “ru ngủ” để có lúc chạm 1.215 đô la/tấn (ngày 5-5 vừa qua).
“Giá kỳ hạn đóng cửa mỗi ngày nhích lên một chút, cứ tưởng lần này thị trường tăng bền vững, mỗi ngày tôi mua được một ít nhưng chẳng dám bán vì tin giá còn lên, nào dè…”, chị Loan cho biết.
Phiên giao dịch ngày 7-5 vừa qua, từ 1.201 đô la/tấn, giá chạy nhanh ngay đầu phiên xuống 1.170 đô la/tấn để đóng cửa còn 1.186 đô la/tấn.
Dù đã vượt đáy sâu nhất tính từ năm 2006 đến nay, mức 1.186 đô la/tấn vẫn còn nằm trong khu vực thấp vì đồ thị cho thấy đỉnh sau thấp hơn đỉnh lập trước đó.
Những vấn đề của chuỗi cung ứng
Dịch bệnh Covid-19 tại Brazil đang hoành hành dữ dội với gần 147 ngàn người lây nhiễm và hơn 10 ngàn ca tử vong, chủ yếu tập trung ở Sao Paolo, là thành phố cảng giao hàng cà phê chính của nước này và cũng là nơi xuất khẩu số 1 thế giới. Tuy nhiên, mới đây, nhiều hãng môi giới cà phê cho biết các nhà nhập khẩu tại châu Âu đã đề nghị dời lui 90 ngày giao hàng cho các hợp đồng đã mua vì các kho bãi tại vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới này hiện đã ứ hàng.
Riêng trong năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu chừng 56,6 triệu bao cà phê (1 bao 60 kg), được ghi nhận là năm nhập khẩu cà phê cao kỷ lục từ mọi nguồn của EU.
Tại Việt Nam, thông tin thị trường cho biết nhiều hãng môi giới kinh doanh cà phê nước ngoài phải tìm cách bán lại hàng đã mua ngay tại kho trên lãnh thổ Việt Nam vì đầu nhập khẩu chưa mặn mà nhận hàng. Như vậy, tại 2 nước xuất khẩu hàng đầu, do bên nhận chưa muốn giao hàng, trong những ngày tới khó có hợp đồng lớn và mới như ở những thời kỳ bình thường trước khi xảy ra dịch bệnh.
Chính vì vậy, một nhà phân tích thị trường cho rằng nếu nói đến “bền vững”, hướng giảm có vẻ lấn lướt hướng tăng. Các hoạt động trên sàn cà phê phái sinh London dù biến động mạnh, thời gian vừa qua không xuất phát từ nhu cầu mà do các tác động khác, mang tính kỹ thuật và đầu cơ tài chính nhiều hơn.
Nên tập trung theo dõi yếu tố tiền tệ
Từ đầu năm đến nay, nhất là từ khi bùng phát dịch Covid-19, giá trị đồng nội tệ Real Brazil (Brl) giảm liên tục. Trong cặp tỷ giá USD/Brl, cứ ngày qua ngày, đồng Brl rớt xuống mức kỷ lục mới.
Ngày 7-5, giá hai sàn cà phê robusta London và arabica New York có phiên giảm cực mạnh khi Brl chạm mức sâu kỷ lục lịch sử 5,87 Brl ăn 1 đô la Mỹ. Tuy nhiên, giá arabica đã lấy lại được khi lên đỉnh 113.15 xu/cân Anh (cts/lb) để đóng cửa tại 111.65 cts/lb ngay trong ngày 8-5 khi London nghỉ bù lễ Quốc tế Lao động.
Một số nhà phân tích tài chính cho rằng giá trị đồng Brl trong cặp tỷ giá USD/Brl chưa chắc đã ngừng giảm. Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa thương phẩm lớn nhất Nam Mỹ, đồng nội tệ nước này còn bị chi phối rất mạnh vì các nước/vùng nhập khẩu như Mỹ, EU in tiền quá nhiều để kích thích nền kinh tế trong và sau đại dịch.
Brazil và hiểm họa lạm phát được nhiều người dự đoán sẽ xảy ra trong một tương lai có thể thấy trước.
Một đồng tiền Brl ngày càng rẻ là điều đáng ngại nhất cho giá cà phê trong những ngày sắp tới vì nông dân sẽ bán mạnh, nhất là gặp lúc sản lượng cà phê niên vụ 2020-2021 đang thu hoạch được mùa lớn. Nhiều dự báo cho rằng cà phê Brazil năm nay có thể đạt đến 65 triệu bao.
Do nhiều nhà vườn và chủ vựa thu mua trong nước có thể không bắt kịp thông tin, nhất là thị trường hối đoái quốc tế mà chỉ theo giá trên sàn, nên chỉ cần một biến động nhỏ trong cặp tỷ giá USD/Brl, họ có thể mất cơ hội bán và phải “ngậm” hàng giá cao.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/303384/tu-thi-truong-hoi-doai-ngam-nghi-chuyen-ton-kho-ca-phe.html.
Không có nhận xét nào: