» » Những 'góc tối' nông nghiệp

Nhìn vào các con số báo cáo năm thì thấy ngành nông nghiệp đạt những kết quả khá ấn tượng. Thế nhưng vẫn còn những “góc tối” chưa được nêu ra như những vấn đề cần phải mổ xẻ…

Cá tra, một trong những mặt hàng còn tiềm ẩn rủi ro khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh

Những “điểm sáng” báo cáo…

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị trực tuyến “Tổng kết ngành năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019” diễn ra hôm 3-1 cho thấy giá trị sản xuất toàn ngành năm 2018 tăng 3,86% so với năm 2017; GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong bảy năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỉ đô la Mỹ (mục tiêu đề ra là 40 tỉ đô la).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, kết quả nêu trên cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, và ông có nhấn mạnh đến việc cơ cấu sản xuất đã được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn khi gắn với nhu cầu thị trường.

Cụ thể, về trồng trọt, trong năm 2018, cả nước đã chuyển đổi 105.000 héc ta lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái và rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. “Cùng với đó là việc ứng dụng các giải pháp nâng cao chất lượng, năng suất nên dù diện tích lúa giảm mà sản lượng vẫn tăng 1,26 triệu tấn”. Ông cũng cho biết sản lượng rau màu, cây ăn trái tăng 300.000 tấn, “giúp giá trị trồng trọt tăng 2,52% so với mục tiêu là 2,5%”.

Ở lĩnh vục chăn nuôi, nhờ có sự chuyển biến rõ nét theo hướng sản xuất công nghiệp và bán công nghiệp nên tổng sản lượng thịt hơi đạt 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% và đưa giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98% so với mục tiêu là 2,1%.

Còn về thủy sản, tổng sản lượng đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1% (trong đó, khai thác đạt 3,6 triệu tấn, tăng 5,3%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%). “Tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao như tôm các loại đạt 804.000 tấn, tăng 8%; cá tra đạt 1,4 triệu tấn, tăng 10,3%”. Ông Cường cho biết giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,5% so với mục tiêu là 5,29%.

Cũng theo ông Cường, việc đầu tư vào lĩnh vực chế biến cũng như công tác phát triển thị trường đã giúp đạt những kết quả rất tích cực. Trong năm 2018 đã có 16 nhà máy chế biến rau quả, gia cầm, thủy sản… với tổng mức đầu tư 8.700 tỉ đồng được khởi công và khánh thành. “Có 15 hội chợ triển lãm về nông nghiệp đã được tổ chức, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thị trường, nhất là các thị trường lớn”. Sản lượng nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá có lợi cho nông dân.

“Điều này, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,6% so với năm 2017. Thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt 8,72 tỉ đô la Mỹ”, ông thông báo.

Những “góc tối” chưa được nói đến

Tuy vậy, nhiều mặt tồn tại của ngành nông nghiệp đã không được đề cập đến. Ở đây chỉ xin nêu một số điểm cần lưu ý với sự kỳ vọng các nhà quản lý sẽ dành thêm thời gian để bàn bạc và đưa ra những hướng giải quyết cụ thể giúp ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển và người nông dân thật sự “ăn nên làm ra”.

Đối với thủy sản mà cụ thể là cá tra và hải sản từ biển, những mặt hàng này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như trong việc giải quyết “thẻ vàng” ở châu Âu. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết ngành cá tra hiện phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi quốc gia này đang thúc đẩy các kế hoạch nuôi trong nước họ. Điều đó rất có thể khiến ngành cá tra “vỡ trận”. Bên cạnh đó, việc “mất kiểm soát” đối với tình trạng đào ao ương nuôi cá tra không theo quy hoạch của nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở Long An, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho ngành mà còn phá hủy sự bền vững của môi trường tự nhiên.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), đánh giá việc khắc phục “thẻ vàng” thời gian qua có sự tích cực từ thái độ của Chính phủ, chứ “hệ thống thực thi còn rất nhiều khiếm khuyết”, mà Ủy ban châu Âu (EC) thì chỉ xem xét kết quả thực tế. Theo ông Dũng, hệ thống kiểm soát tàu chưa được lắp cho từng tàu; việc kiểm soát sản lượng khai thác và đối tượng khai thác ở từng bến cá cũng chưa làm hết.

Đối với ngành lúa gạo, sau khi Trung Quốc gia tăng kiểm soát nhập khẩu mà cụ thể đã có ba trong số 22 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch bị “tuýt còi” vì sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thì vụ việc dường như cũng đang bị rơi vào “quên lãng”. Trong khi đây là vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ trọng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang chiếm tới 30% toàn ngành xuất khẩu gạo.

Rõ ràng, đây là những mối nguy cần được tiếp tục mổ xẻ và được quan tâm “hiến kế” để có hướng xử lý.

Cũng xin nói thêm về ngành mía đường. Ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - thủ phủ mía miền Tây, cho biết năm 2018 ngành mía đường đã thất bại “toàn tập”, một phần do đường nhập lậu giá rẻ, một phần do áp lực hội nhập. Hiệp hội Mía đường đã “kêu cứu” tới Chính phủ, đề nghị kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Thế nhưng cho đến nay việc này cũng chưa thấy có giải pháp căn cơ nào.

Và vẫn còn đó những khó khăn trong ngành hồ tiêu, cao su hay sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm, cả việc trái cây bị “kẹt” đường vào Trung Quốc do chưa được phép xuất khẩu chính ngạch… Tất cả đang cần những giải pháp cho hướng đi sắp tới nhưng có vẻ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, ít ra là tại hội nghị tổng kết quan trọng vừa qua.

Trung Chánh (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: