» » » Hồ tiêu: cố tạo thời, càng mất thế!

Dọc suốt quốc lộ 14, đi qua đoạn đường chừng 400 ki lô mét từ tỉnh Gia Lai về đến Bình Phước, cách đây vài ba năm người ta vẫn còn thấy những vườn hồ tiêu xanh um. Nếu đi vào thời điểm trước Tết Nguyên đán chưa tới một tháng, bấy giờ vẫn còn nghe tiếng nói cười rộn rã của nhà vườn hồ tiêu vào mùa thu hái.

Khách qua đường chứng kiến nhiều vườn tiêu hoang tàn, kể cả khu nằm phía sâu bên trong hút tầm mắt chừng một vài cây số. Nhiều cọc tiêu trơ khô do cây chết vì ốm bệnh, bị bỏ bê không chăm sóc, chỏng chơ như đưa những cánh tay đầu hàng.

Nay, khung cảnh phản ánh cuộc sống trù phú ấy đã có nhiều thay đổi, khách qua đường chứng kiến nhiều vườn tiêu hoang tàn, kể cả khu nằm phía sâu bên trong hút tầm mắt chừng một vài cây số. Nhiều cọc tiêu trơ khô do cây chết vì ốm bệnh, bị bỏ bê không chăm sóc, chỏng chơ như đưa những cánh tay đầu hàng.

Quá dư thừa

Hồ tiêu chỉ là một trong nhiều loại gia vị, có xứ hợp có xứ không thích, và cũng không được dùng thường xuyên trong ăn uống hàng ngày. Thế nhưng, trong năm bảy năm trở lại đây, lượng tiêu thụ toàn cầu mặt hàng này tăng bình quân 2% mỗi năm(1).

Với đặc điểm sử dụng hạn chế ấy, hàng năm cả thế giới tiêu thụ chừng 370.000-388.000 tấn(2), trong đó các nước tiêu thụ vùng hàn đới và ôn đới chiếm khoảng 60%, các nước còn lại khoảng 40%.

Trong mức tiêu thụ như trên, lượng dư thừa của hồ tiêu thế giới trở nên rất lớn qua các năm. Năm 2018, sản lượng hồ tiêu theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) ước chừng 510.000 tấn. Còn năm 2017, theo báo cáo nghiên cứu thị trường của một hãng gia vị lớn trên thế giới có trụ sở tại Hà Lan, sản lượng hồ tiêu đạt 523.000 tấn(3). Tính chung số liệu từ cả hai nguồn này, ước tồn kho hồ tiêu đầu kỳ năm 2019 của thế giới có thể lên đến 150.000 tấn.

Theo “Tài liệu Triển vọng ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam 2018’’ dẫn nguồn của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có hơn 152.000 héc ta hồ tiêu. Chỉ cần lấy năng suất bình quân 2,5 tấn mỗi héc ta, Việt Nam có thể thỏa mãn tất cả nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu. Hiệp hội Hồ tiêu Việt nam (VPA) ước báo thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam hàng năm chiếm từ 50-60% trên thế giới, như vậy khi tồn kho đầu kỳ của thế giới dồn ứ thì có thể thấy trong đó phần lớn thuộc về Việt Nam.

Giá hồ tiêu trong vòng chục năm qua khá hấp dẫn đối với người trồng, khiến nông dân nhiều nước tranh thủ tăng diện tích và sản lượng. Điều này dẫn đến cung vượt cầu, và hệ quả là giá tiêu giảm dần. Giá tiêu đen xuất khẩu đầu năm 2016 có lúc trên 9.000 đô la Mỹ/tấn và hồ tiêu trắng trên 13.000 đô la/tấn, nhưng do sản lượng theo từng năm tăng mạnh nên giá của năm sau đó chỉ còn một nửa. Năm 2018, giá tiêu đen tiếp tục đi xuống, từ 4.500 đô la/tấn còn 3.000 đô la và rồi đến cuối năm chỉ còn chừng 2.300 đô la.

Anh Võ Duy Tường, chủ một doanh nghiệp thu mua hồ tiêu tại xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, cho biết giá hồ tiêu xuất khẩu trong những ngày đầu năm 2019, khi nông dân bắt đầu thu hái, chỉ còn quanh 2.200 đô la mỗi tấn và giá tận vườn chỉ còn 48 triệu đồng. “E giá sẽ còn rớt nữa, như mức 45 hoặc 43 triệu đồng mỗi tấn là thấy trước mắt khi nhà vườn hái xong đợt một. Đà tuột giá chưa chắc đã dừng. Đó là mức thấp nhất tính ra từ trên dưới chục năm nay”, anh Tường nói về chiều hướng rơi của giá tiêu với vẻ lo lắng.

Còn anh Thuận, chủ một vườn tiêu chừng nửa héc ta được trồng cách nay bốn năm, chỉ vào thửa vườn của mình đang héo vàng nói “cứ để vậy, tới đâu thì tới”. Với mức giá hiện nay, đầu tư thua lỗ, anh Thuận không còn khả năng để chữa chạy cho đám cây tiêu ỉu xìu kia.

Khách qua đường chứng kiến nhiều vườn tiêu hoang tàn, kể cả khu nằm phía sâu bên trong hút tầm mắt chừng một vài cây số. Nhiều cọc tiêu trơ khô do cây chết vì ốm bệnh, bị bỏ bê không chăm sóc, chỏng chơ như đưa những cánh tay đầu hàng.

Tìm lại thế cân bằng

Hiện nay cán cân cung cầu ngành hồ tiêu trong nước và cả thế giới mất cân bằng trầm trọng. Giá rớt mạnh và nhanh là hệ lụy đương nhiên. Chỉ trong vòng 5 năm tính từ 2013, bấy giờ Việt Nam chỉ có 53.000 héc ta hồ tiêu thì đến cuối năm 2018 diện tích đã tăng gấp 3 lần. Như vậy hết hai phần ba diện tích hồ tiêu được đầu tư thêm khi giá thị trường thế giới và trong nước ở đỉnh điểm.

Nhiều người trách do nông dân “trồng vô tội vạ” nên mới ra cơ sự này. Đúng là nhà vườn thấy cây nào, con nào có lợi lớn là dồn hết nguồn lực vào sản xuất. Nhưng với một đất nước có nền nông nghiệp sản xuất nhỏ và manh mún, quy trách nhiệm chuyện vỡ quy hoạch cho họ là không đáng. Nếu như khi thấy nông dân phát triển ồ ạt cây hồ tiêu, giá thị trường sẽ giảm mạnh vì cung lớn hơn cầu, ngành nông nghiệp, các địa phương và hiệp hội hồ tiêu nên lên tiếng đề nghị ngay với ngân hàng ngừng cho vay đầu tư vào cây hồ tiêu thêm nữa, thì tình hình không đến nỗi mất cân đối như hiện nay. Người cung cấp tín dụng đầu tư, mặt khác, rất cần ý kiến tham mưu chuẩn xác của ngành, đơn vị liên quan để có những định mức cho vay phù hợp với thị trường và cán cân cung cầu thế giới. Do ngân hàng không được tham mưu cặn kẽ, nông dân không tiếp nhận được đầy đủ thông tin thị trường, khiến hồ tiêu đi vào cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá như hiện nay.

Tính từ 2013, bấy giờ Việt Nam chỉ có 53.000 héc ta hồ tiêu thì đến cuối năm 2018 diện tích đã tăng gấp 3 lần.

Những biện pháp như quy hoạch lại ngành, giảm diện tích hồ tiêu xuống còn chừng 100.000 héc ta như ý kiến của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của ông chủ tịch VPA đã phát biểu trong hội nghị hồ tiêu ở Đắk Nông cuối năm 2018, chẳng qua là để cân đối lại cung cầu.

Chuyện mất bền vững lớn nhất chưa phải là sản xuất liên quan tới tài nguyên mà chính là tập trung thái quá nguồn lực tài chính ở các địa phương vào cây hồ tiêu khi giá ở đỉnh điểm, dẫn đến nhiều nông dân mở rộng diện tích nên nay phải thua lỗ và nợ ngân hàng.

Nhiều nhà vườn nghĩ rằng thời cơ đang được tạo ra, phải tranh thủ để làm giàu, đó không phải là cái lỗi. Nhưng đáng tiếc chỉ trật một nhịp, nhìn vào giá cao, hàng xóm trồng thì mình cũng đi vay tiền để trồng, nay phải ôm nợ. Lẽ ra phải chọn thời điểm khi giá thấp nhất, đầu tư thận trọng để chờ thời, chứ không nên bỏ vốn ra khi giá đã được dự báo là đạt mức đỉnh.

Tìm biện pháp để giảm diện tích cây hồ tiêu một cách tích cực thiết nghĩ vẫn chưa đủ để tạo cho bản thân ngành hồ tiêu bền vững, mà đó chỉ là một hình thức tạo cân đối cung cầu.

Thay vì đổ hết nguồn lực vào sản xuất, thì nên để phần tín dụng còn lại cho vay kinh doanh hồ tiêu, mở rộng thị trường xuất khẩu, yêu cầu nhà kinh doanh xoay vòng vốn nhanh để giảm hiện tượng ghim hàng đầu cơ giá lên, bấy giờ tồn kho có cơ hội giảm nhanh mà vẫn giữ được thị trường liên tục, hạn chế nước cạnh tranh nhảy ngang vào giành thị phần.

Tài liệu tham khảo:

(1) (2) Nguyễn Mai Oanh, Vấn đề thị trường tiêu thụ hồ tiêu hiện nay. Tài liệu tham khảo tại hội nghị hồ tiêu Đắk Nông tháng 11-2018.
(3) Alfons van Gulick, Nedspice Pepper Report 2017.

Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: