» » » Thị trường vải thiều năm 2016: 'Đầu đã xuôi, đuôi sẽ lọt'?

Những thông tin về xuất khẩu đang khiến người trồng vải đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng những viễn cảnh tươi đẹp vẫn chỉ ở “thì tương lai”, còn hiện tại, gần 50% sản lượng vải thiều vẫn phải phụ thuộc vào thương lái và thị trường Trung Quốc đầy rủi ro, phần còn lại phụ thuộc vào sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam.

Năm 2015, các thông tin về xuất khẩu cũng khiến người trồng vải đặt nhiều hy vọng. Tuy nhiên, do vấp phải sự cạnh tranh (về giá) của vải Trung Quốc và Thái Lan, khối lượng vải thiều Việt Nam “cập bến” Australia chỉ vọn vẹn 32 tấn, giá bán dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Tại thị trường Mỹ, số lượng cũng chỉ khoảng trên dưới 30 tấn, với giá bán từ 160.000 - 200.000 đồng/kg.

“Le lói” tín hiệu vui

Đến vụ mùa năm 2016, các thông tin về xuất khẩu đang có nhiều tín hiệu được dự đoán khởi sắc hơn so với năm 2015. Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vải thiều năm 2016 được các ban ngành quan tâm. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 300 ha vải thiều (chủ yếu tại Bắc Giang) được cấp 29 mã số tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU...

Sản lượng hơn 1.000 tấn vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap (theo tiêu chuẩn cao) đã sẵn sàng “vượt biển”. Hơn 12.500 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, với sản lượng khoảng 53.000 tấn cũng đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

Các yếu tố cần đã sẵn sàng, nhưng đến thời điểm hiện tại, khi vải thiều đã khai vụ, thì những kế hoạch vẫn hết sức mù mờ và cũng chưa có một con số cụ thể nào có thể giúp cho người trồng vải, đặc biệt là những người trồng vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu (VietGap, GlobalGap) có thể yên tâm.

Ông Vũ Văn Tuấn (xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ: “Vườn nhà tôi nằm trong vùng gắn mã số tiêu chuẩn GlobalGap. Qua hai vụ, đến nay vẫn chưa có một cam kết rõ ràng nào để bảo đảm quyền lợi cho chúng tôi. Không sang được Mỹ, Australia thì đành bán cho Trung Quốc. Đúng chuẩn nên vải đẹp, giá cao hơn, nhưng trừ chi phí đầu tư thì cũng chẳng hơn gì vải thường”.

Bên cạnh những dự đoán khởi sắc về xuất khẩu, một yếu tố khác là giá cả của vải thiều trong vụ 2016 cũng được dự đoán cao hơn năm trước. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, rất nhiều người trồng vải Lục Ngạn “bán tín, bán nghi” và tỏ ra băn khoăn.

Người trồng vải vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi vụ vải tới

Khó khăn vẫn hiện hữu

“Năm nào thì đầu vụ giá cũng đắt, 25.000 - 30.000 đồng/kg, thậm chí 40.000 đồng/kg đều có. Nhưng vấn đề là đến cao điểm chính vụ sẽ ra sao. Nếu cứ nhìn vào giá đầu vụ để dự đoán cả mùa, thì các vụ trước đã không có cảnh khốn khổ xếp hàng chờ được trả giá. Nay giá vải đã khả quan hơn trước, không còn cảnh đổ vải đi vì giá quá thấp, nhưng bảo không lo về giá nữa thì còn lâu”, anh Nguyễn Hữu Tuấn (thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn), chia sẻ.

Những thông tin về xuất khẩu giá cao đang vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp cho người trồng vải tại Bắc Giang, Hải Dương. Nhưng nhìn vào thực tế hiện tại, tất cả còn rất gian nan. Không chỉ những người trồng vải theo tiêu chuẩn cao chưa được bảo đảm tương lai, mà chính khâu xuất khẩu cũng chưa “trơn”.

Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp phải không ít khó khăn, như chi phí chiếu xạ cao đẩy giá vải lên cao khiến sức cạnh tranh tại thị trường quốc tế kém hơn so với vải Trung Quốc và Thái Lan. Các thủ tục xuất khẩu cũng đang còn nhiều vướng víu. Chi phí vận tải cao, chiếm gần 2/3 giá thành quả vải...

Một khó khăn “cố hữu” khác chưa có lối thoát là sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Năm 2015, hơn 93% (khoảng 91.000 tấn) tổng sản lượng vải xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đến năm 2016, tiếp tục sẽ là một năm người trồng vải phải phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Ở thế “cửa dưới”, người trồng vải phải chịu rất nhiều rủi ro, từ giá bán đến cách thức cân đo, vận chuyển.

Anh Hà Văn Đức (xã Biên Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang), chia sẻ: “Bán cho Trung Quốc thì chấp nhận “lùi đầu, lùi đuôi” khi cân (hụt từ 10 - 20 kg/sọt), giá cả thì bấp bênh. Nhưng nói thật, nếu không có thương lái Trung Quốc, thì dân vải chúng tôi còn khổ hơn. Họ mua nhiều, giá cả cũng cao hơn so với trong nước. Như năm ngoái, những nhà giữ vải đến cuối cùng nhằm được giá cao, cuối cùng thương lái Trung Quốc về hết, phải bán rẻ”.

Cuối cùng là những khó khăn tồn tại ở chính thị trường nội địa Việt Nam. Rất nhiều người dân Việt Nam vẫn có tâm lý “sính” hoa quả ngoại thay vì hoa quả nội. Một thực tế là hơn 50% sản lượng vải thiều phụ thuộc vào thị trường nội địa, vì vậy, sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng trong nước có vai trò quan trọng.

“Sự quan tâm của cơ quan quản lý trong công tác xúc tiến xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc Trung Quốc, cùng cái tâm của người trồng vải (cần làm ra những sản phẩm chất lượng) và lòng tin, sự ủng hộ của người tiêu dùng là những yếu tố quyết định, giúp đời sống của người dân trồng vải thiều ngày càng tốt hơn”, ông Chu Văn Báo - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, nhấn mạnh.

Hiến Nguyễn (Thời báo kinh doanh)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: