» » » Lục Ngạn: Các dịch vụ... 'ấm' dần

Cứ vào mùa thu hoạch vải thiều, nhiều hộ dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại cho thuê điểm cân, sấy, làm đại diện thu mua giúp thương nhân hoặc kinh doanh nhà trọ... cho thu nhập cao.

Điểm thu mua vải thiều tại phố Kim, xã Phượng Sơn.

Giá thuê mặt bằng tăng

Từ đầu tháng 6, điểm cân vải thiều tại phố Kim, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) của bà Nguyễn Thị Ngọc đã đi vào hoạt động. Được biết, điểm cân này đã gắn bó với bà gần 20 năm nay. Bà Ngọc cho biết: "Vụ trước vẫn lô đất này tôi thuê với giá 1,2 triệu đồng/ngày, năm nay tăng 200 nghìn đồng/ngày; dịp chính vụ giá thuê lên tới hơn 2 triệu đồng/ngày". Ngoài ra, để gom đủ hàng tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, bà Ngọc cũng thuê mặt bằng nhưng chủ nhà là người đứng ra cân nên giá thuê tính theo kg vải thu được mỗi ngày với mức 300 đồng/cân, tăng 100 đồng so với năm trước. Các điểm thu mua vải của bà Ngọc có 20 nhân công làm việc liên tục từ sớm đến khuya. Một nửa lượng lao động được bố trí nghỉ tại chỗ, số còn lại phải thuê trọ. 

Nhiều hộ dân ở huyện Lục Ngạn không có đất mặt đường cho thuê làm điểm cân vải lại kiếm tiền bằng cách tận dụng phòng ở cho lao động thuê trọ. Điển hình như gia đình anh Phạm Văn Oanh, khu phố cổ thị trấn Chũ. Các con lập gia đình ra ở riêng nên nhà có 3 phòng để không nhiều năm nay. Mùa vải đến, anh cho thuê để có thêm thu nhập. Phòng đẹp, rộng rãi giá 300 nghìn đồng/người/tháng. Trong khu phố cổ, nhiều gia đình cũng tận dụng phòng khách cho lao động thuê qua đêm.

Các hộ sấy vải hoặc cho thuê điểm sấy cũng bắt đầu khởi động. Nhiều nhà xây mới, tu sửa lại lò để sử dụng hoặc cho thuê. Giá thuê dịch vụ cân, điểm sấy năm nay được dự báo tương đối ổn định so với năm trước. Hộ trong các thôn, bản có địa điểm thuận lợi, giá cao hơn. Anh Nguyễn Văn Tùng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đến thuê điểm sấy vải tại làng Chũ, thị trấn Chũ cho biết: “Năm nay, tôi cùng mấy anh em trong nhà chung vốn lên đây sấy vải. Ngoài điểm cân, lò sấy vẫn thuê để sử dụng từ những năm trước, tôi thuê thêm 2 điểm để cân vải tại xã Quý Sơn, Tân Mộc. Giao thông, điện nước thuận lợi nên giá thuê tăng một chút, tôi phải trả chủ nhà mỗi tấn thu mua được là 3 kg vải. Thường đặt cọc là vậy nhưng nếu làm ăn kém, cuối vụ có hộ cũng sẽ giảm giá”. 

Khảo sát cho thấy, hầu hết gia đình cho thuê điểm cân, sấy vải ở các xã Phượng Sơn, Hồng Giang, thị trấn Chũ… dịp này cũng đã thu dọn gọn gàng cho thương lái đến thuê tiêu thụ vải thiều. Theo ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang, trên địa bàn xã có vài trăm điểm cân vải lớn nhỏ. Hầu hết chủ nhà cho thuê mặt bằng làm đại diện, đảm nhận các khâu từ chọn vải, cân đến trả tiền. 

Nhiều dịch vụ hút khách 

Năm nay, sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn ước đạt 70 nghìn tấn, giảm khoảng 10% so với năm trước. Ngay từ đầu tháng 5, nhiều thương nhân trong, ngoài nước đã đến đặt điểm cân thu mua vải. Toàn huyện có khoảng 3 nghìn điểm cân lớn nhỏ, 300 lò sấy với gần 1.500 thương nhân đến tiêu thụ vải.

Vải thu hoạch đúng thời gian nghỉ hè nên nhiều học sinh, sinh viên tranh thủ làm thêm. Các em thường nhận làm người gọi vải, thông tin giá cả, báo số lượng cân..., tiền công dao động từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Cùng đó, do thời tiết nắng nóng, làm việc nặng nhọc, nhiều lao động tập trung về Lục Ngạn trong một thời điểm nên nhu cầu sử dụng đồ uống, thức ăn tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu, hàng loạt hàng nước, dịch vụ bán đồ ăn sẵn, chăn bông ủ vải di động đã xuất hiện và rất hút khách, nhất là ở những khu vực tập trung nhiều điểm cân vải như: Phố Kim, xã Phượng Sơn; thị trấn Chũ; phố Kép, xã Hồng Giang; xã Giáp Sơn.... Chưa đến vụ gặt lúa, chị Lê Thị Quyên, xã Cẩm Đàn (Sơn Động) tranh thủ kiếm thêm ít tiền bằng việc hàng ngày kéo xe bán nước, bánh kẹo... cho người làm thuê ở quanh khu vực phố Kim. Mỗi ngày chị thu lãi vài trăm nghìn đồng.

Vải thiều chuẩn bị thu hoạch rộ nên thu hút nhiều lao động, thương nhân, phương tiện vận tải dồn về Lục Ngạn. Để hoạt động tiêu thụ vải thiều trên địa bàn diễn ra thuận lợi, an toàn, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn quan tâm giải tỏa hành lang giao thông, tạo sự thông thoáng cho các tuyến đường chính; quan tâm công tác quản lý đăng ký tạm trú cho thương nhân, lao động, đồng thời tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, không để mất điện, thiếu nước. Lực lượng chức năng chú trọng kiểm soát các dịch vụ trong mùa vải, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Hoàng Phương (Báo Bắc Giang)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: