Với việc xây dựng được bản đồ công nghệ, các đơn vị liên quan có thể nhận diện rõ ràng, chính xác những vấn đề của Việt Nam như đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu; khoảng cách của chúng ta so với các nước ra sao; có thể sản xuất được sản phẩm nào ở trong phân khúc thị trường nào; năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu ở Việt Nam đến đâu…
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam” do Bộ KHCN tổ chức sáng 10.6 tại Hà Nội.
Công nghệ đóng góp 35% tăng trưởng
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam có khả năng đáp ứng được 100% nhu cầu giống lúa thuần; còn với giống lúa lai chỉ đáp ứng được 33%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ với giá trị nhập khẩu xấp xỉ 35 triệu USD. Vấn đề nằm ở chỗ thực tế giống trụ lại trong sản xuất rất ít; tỷ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao vẫn còn thấp. “Yêu cầu đặt ra là phải có các giống lúa của Việt Nam tạo ra có chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu với những yếu tố bất lợi như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, virus, hạn mặn, ngập…”.
Phát biểu trong buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: "Đổi mới công nghệ trong ngành nông nghiệp đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành trong thời gian qua khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác là lực lượng lao động và quỹ đất ngày một giảm đi, đặc biệt trong ngành sản xuất lúa gạo. Những năm qua, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa lúa gạo nước ta không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn ở trong top 3 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua".
“Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ dộng lựa chọn và giao cho các đơn vị tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ liên quan từ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ, nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn – hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam” do Bộ KHCN tổ chức sáng 10.6 tại Hà Nội.
Định vị lại ngành gạo
Thứ trưởng Tùng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cần có những chiến lược đổi mới và phát triển công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nền nông nghiệp từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hàng hóa, có giá trị gia tăng cao.
Việc xây dựng bản đồ công nghệ là cách tiếp cận phù hợp trong việc đánh giá toàn diện và khách quan hiện trạng, năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cụ thể ở đây là chọn tạo và sản xuất giống lúa trong nông nghiệp. Thông qua bản đồ công nghệ, các đơn vị liên quan có thể nhận diện rõ ràng, chính xác những vấn đề của Việt Nam như đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu; khoảng cách của chúng ta so với các nước ra sao; có thể sản xuất được sản phẩm nào ở trong phân khúc thị trường nào; năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu ở Việt Nam đến đâu…
Theo ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, năm 2016, Việt Nam hoàn thành bản đồ công nghệ ngành chọn tạo giống lúa; ngành sản xuất vắc-xin; 2017-2018 hoàn thành bản đồ lĩnh vực công nghệ gen, tế bào gốc; ngành sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn; năm 2019, hoàn thành bản đồ công nghệ ngành công nghiệp cơ khí, một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tháng 5.2016 tiếp tục sụt giảm so với tháng trước đó và chỉ đạt khoảng 400.000 tấn, giảm trên 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức xuất khẩu thấp nhất từ đầu năm đến nay. Mới đây, động thái Thái Lan xả tồn kho 11,4 triệu tấn gạo trong bối cảnh hạn hán ngày càng nghiêm trọng khiến tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ lúa gạo Việt Nam bị ảnh hưởng gián tiếp.
TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực đánh giá: xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn chủ yếu trung bình và cấp thấp; theo đó, 2 nước nhập khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc 34,3% và Philippines 17,2%. Mặc dù sản lượng xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ nhưng giá trị xuất khẩu giảm từ 2,93 tỉ xuống 2,68 tỉ (2015) do giá xuất khẩu giảm.
K.Linh (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: