» » » Tôm nước lợ 'an toàn' trong hạn, mặn

Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lo ngại hạn và xâm nhập mặn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ, thì qua các báo cáo và một số người trong cuộc cho biết, đến nay loại thủy sản này vẫn “an toàn”, thậm chí sản lượng sẽ tăng ở một vài địa phương.

Nuôi tôm vẫn an toàn trước diễn biến phức tạp của hạn và xâm nhập mặn. Trong ảnh là nông dân Trà Vinh thu hoạch tôm. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo tại hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với xâm nhập mặn" được tổ chức tại Cà Mau hôm qua, 18-3, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết tính đến hết tháng 2-2016, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng ĐBSCL đạt 368.000 héc ta, bằng hơn 80% diện tích thả nuôi của cùng kỳ năm 2015. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú đạt gần 358.000 héc ta, bằng 86,6% so với cùng kỳ và tôm thẻ chân trắng là 9.740 héc ta, bằng 72,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Diện tích nuôi tôm giảm, theo ông Cẩn, là do tình hình hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, cho nên nông dân không dám thả nuôi theo lịch quy định, mà chỉ thả thăm dò.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại hội nghị cho thấy chẳng những chưa có trường hợp nuôi tôm nào bị thiệt hại nghiêm trọng - điều trái ngược với những lo lắng trước đó của Bộ NN&PTNT - mà thậm chí lãnh đạo một số địa phương cho biết một số diện tích nuôi tôm đã thu hoạch có năng suất khá cao.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết đến nay địa phương đã thả gần xong toàn bộ diện tích nuôi trong năm 2016102.000 héc ta.

Theo ông Thao, đối với nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến đến nay đã thả được hơn 91.000 trên tổng số 102.000 héc ta kế hoạch, còn hơn 2.000 héc ta diện tích nuôi công nghiệp thì địa phương chưa thả giống. Tới thời điểm này, một số diện tích nuôi đã và đang bắt đầu cho thu hoạch.

“Nếu như mọi năm, thời điểm hiện tại, Kiên Giang có khoảng 10.000 héc ta tôm nuôi bị thiệt hại, thì năm nay tỷ lệ bị thiệt hại do nắng nóng, xâm nhập mặn hay dịch bệnh là không đáng kể”, ông Thao cho biết.

Còn đối với một số địa phương khác như Bến Tre, Bạc Liêu…, báo cáo tại hội nghị cho thấy dù tiến độ xuống giống có chậm hơn so với mọi năm do lo ngại ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn, nhưng đến nay các diện tích đã thả nuôi nhìn chung vẫn “an toàn”.

Nói về lo ngại thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu trong năm 2016 của Tổng cục Thủy sản, ông Thao của Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết nguồn nguyên liệu của địa phương sẽ không thiếu, thậm chí dự báo có khả năng sẽ tăng cao hơn so với mọi năm.

Lý giải cho điều này, ông Thao cho biết thứ nhất, giá nguyên liệu ngay đầu năm 2016 khá cao (tôm sú loại 30 con/kg có giá thị trường là 300.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng 80 con/kg100.000 đồng/kg) cho nên nó là động lực để nông dân thả nuôi tiếp; thứ hai, ngay từ đầu vụ, kể cả tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm nuôi công nghiệp chưa xảy ra dịch bệnh; thứ ba, mô hình nuôi tôm công nghiệp lót bạt thắng 100%, một ao nuôi rộng 5.000 mét vuông thu đến 15 tấn/vụ, tức bình quân 30 tấn/héc ta/vụ, “mà khi lót bạt như vậy người ta có thể thả đến hai, ba vụ/năm, cho nên năm nay sản lượng sẽ không giảm”, ông Thao cho biết.

Còn ông Lê Văn Quang, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết các số liệu được thu thập cho thấy sản lượng tôm năm 2016 sẽ ngang bằng năm 2015. “Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế dự báo sản lượng tôm năm 2016 của Việt Nam sẽ đạt 300.000 tấn, tăng 5-7% so với năm ngoái”, ông cho biết.

Trung Chánh (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: