Hàng nghìn hộ nông dân ở Lai Châu đang rơi vào cảnh nợ nần vì thảo quả chết trong đợt mưa rét, băng tuyết hồi đầu năm.
Đợt mưa rét, băng tuyết đầu năm nay đã làm hàng nghìn ha thảo quả của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu bị thiệt hại. Thảo quả chết khô, nguồn thu nhập chính không có, chính quyền địa phương không có chính sách hỗ trợ để bà con khôi phục lại diện tích cây đã chết, do vậy, hàng nghìn hộ nông dân ở Lai Châu đang rơi vào cảnh nợ nần.
Ngồi thất thần bên nương thảo quả của gia đình trên sườn núi Hoàng Liên Sơn, chị Vàng Thị Na ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường gạt những giọt nước mắt ướt nhòe trên má khi nghe thấy tiếng chân người lại gần. Nhiều ngày nay, chị cùng chồng cõng theo đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi lên núi để dọn nương thảo quả chết khô của gia đình. Gần 2 ha bị thiệt hại, vợ chồng chị bám nương phát dọn quần quật cả tuần, song mới chỉ được phân nửa. Mong ước lớn nhất của vợ chồng lúc này là gốc thảo quả chưa thối hết.
Người nông dân xót lòng nhìn vườn thảo quả bị chết khô, đổ rạp do mưa tuyết. (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)
Chị Na tâm sự: Hai vợ chồng lấy nhau gần 10 năm, được bố mẹ cho hơn nghìn mét đất cấy lúa, nhưng chăm chỉ lao động mãi cũng chỉ đủ ăn. 5 năm trước, thấy người dân trong bản lên rừng làm thảo quả, kiếm được nhiều tiền nên chị về bàn với chồng vay mượn người thân và ngân hàng để đầu tư trồng. Sau 3 năm, thảo quả cho thu hoạch, từ đó đến nay, nhờ tiền bán thảo quả, gia đình chị đã trả hết khoản vay của anh em. Năm nay, gia đình dự tính thu hoạch thảo quả để trả nốt gần 100 triệu ngân hàng thì thiên tai ập đến. Băng tuyết đã làm thảo quả chết hết, nhiều diện tích còn thối cả gốc, nên bây giờ không biết lấy tiền đâu trả nợ cho ngân hàng.
Khu vực đèo Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận bản Chu Va 12, xã vùng cao Sơn Bình, huyện Tam Đường là nơi giáp ranh với huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Đây là nơi có diện tích thảo quả thiệt hại nặng nề nhất trong đợt siêu rét vừa qua. Quang cảnh ở đây hiện là những cánh rừng khô khốc, gãy ngọn, rụng lá; những nương thảo quả đổ rạp, trắng xóa trông thật xót xa. Càng lên cao, thiệt hại càng nặng hơn khi thảo quả thối rữa hết gốc và không một mầm xanh nào còn xót lại.
Trưởng bản Chu Va 12 Vàng A Chu tâm sự: Bản có 94 hộ dân tộc Mông, thì gần 90 hộ trồng thảo quả. Những năm qua, thời tiết thuận lợi, hàng năm mỗi hộ thu nhập trung bình cũng được khoảng 70 triệu đồng từ bán thảo quả; hộ trồng nhiều thì có vài trăm triệu đồng. Thảo quả đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp nhiều hộ dân trong bản xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Hầu hết các hộ đều vay mượn tiền mua phân bón để chăm sóc cho diện tích thảo quả của gia đình. Hiện nay thảo quả chết hàng loạt, bà con rất lo lắng vì kinh tế gia đình không biết trông chờ vào đâu.
Tỉnh Lai Châu hiện có trên 4.000ha thảo quả, chủ yếu thuộc các xã, bản nằm ở độ cao khoảng trên 1.200m, dưới tán rừng già. Đợt băng tuyết vừa qua, 3/4 diện tích thảo quả của tỉnh đã bị thiệt hại. Người dân trồng thảo quả cho biết, thảo quả là cây thân ngầm, nếu băng tuyết nhẹ có thể gây chết thân, song cây vẫn mọc lại. Tuy nhiên, nếu có mọc lại thì ít nhất cũng phải 2 - 3 năm sau bà con mới được thu hoạch. Riêng diện tích thảo quả bị thiệt hại nặng bởi băng tuyết, thối gốc thì mất trắng và phải trồng lại từ đầu.
Thảo quả chết trong rừng già làm tăng nguy cơ cháy rừng. (Ảnh minh họa: Internet)
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện nay, ngành đang phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn bà con thu dọn toàn bộ những cây đã chết, chăm bón các gốc cây thảo quả chưa thối gốc, để khi thời tiết ấm lên cây có thể sống lại. Thảo quả sinh sống chủ yếu dưới tán rừng già, vì vậy để bảo vệ các cánh rừng già, nhiều năm nay tỉnh Lai Châu không có chủ trương mở rộng diện tích và cũng không có chủ trương hỗ trợ diện tích thảo quả thiệt hại trong đợt băng tuyết vừa qua.
Việc thảo quả chết hàng loạt sau đợt băng tuyết vừa qua đang khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở vùng cao Lai Châu khốn đốn. Hiện nay, địa phương mới chỉ hỗ trợ người nông dân bị thiệt hại về gia súc và rau màu mà chưa có chủ trương hỗ trợ diện tích thảo quả thiệt hại.
Nông dân trồng thảo quả ở Lai Châu đang chán nản, bỏ mặc số diện tích thảo quả bị chết, làm tăng nguy cơ cháy rừng trên địa bàn và kéo theo hàng nghìn hộ nông dân rơi vào cảnh nợ nần./.
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Không có nhận xét nào: