» » » » Cách làm lớn cho trái vải nhỏ (Kỳ III)

Chỉ còn thời gian ngắn, người nông dân sẽ thu hái những quả vải sớm đầu tiên của vụ mùa 2015. Vải của nông dân, thành quả của nông dân nhưng từ rất sớm, chính quyền và các bộ, ngành đã vào cuộc, lo đầu ra cho trái vải.

Kỳ III: Dồn sức cho mùa vải ngọt!

Nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải tại thị trường trong nước

Chủ đạo tiêu thụ trong nước

Ngay trong năm 2014, trước tình hình tiêu thụ quả vải gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương, hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước.

Ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, dự báo vải thiều sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng với khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi). Cũng theo ông Năm, năm 2015, tiếp tục xác định thị trường phía Nam là thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa. Xuất khẩu chiếm khoảng 40%. Theo ông Năm, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, rất cần các cuộc vận động như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, cần sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương trong cả nước, kết nối thị trường tiêu thụ, đa dạng các kênh phân phối để quảng bá sản phẩm.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- để giảm áp lực cho vải chính vụ, Hà Nội sẽ chỉ đạo chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, có cam kết hoặc bản ghi nhớ với các doanh nghiệp tiêu thụ vải ở Bắc Giang, trên cơ sở thống nhất về giá, tránh thiệt hại cho bà con nông dân. Ngoài ra, nếu cần thiết, Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các xe tải khoảng 5 tấn chở vải vào thẳng các chợ trung tâm thành phố để bán. Ông Trần Quốc Việt - đại diện Co.op Mart khu vực phía Bắc - nói: “Với hệ thống 80 cơ sở phân phối trong cả nước, năm 2014 đơn vị tiêu thụ khoảng 400 tấn vải thiều Lục Ngạn và năm nay sẽ tiếp tục thu mua khoảng 1.000 tấn”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Bộ Công Thương đang tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh Thuế quan… để các mặt hàng nông sản trong đó có vải thiều được hưởng mức thuế suất 0% khi thâm nhập thị trường mới.

Khơi thông thị trường xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tại thời điểm này, vải thiều chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gồm Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu.

Khẳng định về thị trường xuất khẩu vải thiều tiềm năng, bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đánh giá, nhiều thị trường khó tính rất quan tâm đến quả vải như Singapore, Australia và các nước châu Âu. Hiện tại, mặt hàng nông sản là mặt hàng chủ lực mà Bộ Công Thương sẽ tập trung đàm phán thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn. Cục Xuất nhập khẩu sẽ kết nối với các thương vụ, đại diện tham tán thương mại tại các thị trường chủ lực và truyền thống để rà soát, liên kết phát triển thị trường tìm kênh tiêu thụ ở các nước, đồng thời quảng bá cho hình ảnh trái vải Việt Nam. Được biết, trong tháng 6, Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ tổ chức giới thiệu quả vải tươi và các sản phẩm được chế biến từ quả vải tại cuộc triển lãm "Tuần lễ các sản phẩm trái cây Việt Nam”, đưa trái vải trở thành một điểm nhấn tại triển lãm..

Hy vọng cùng với sự xúc tiến, kết nối tiêu thụ vải thiều của chính quyền và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương sẽ giúp cho Bắc Giang chào đón mùa quả ngọt, đón một mùa vải “được mùa được giá”. Cách làm lớn cho trái vải nhỏ, chính là bài học kinh nghiệm quý giá không bao giờ cũ.

Bài viết liên quan:



Lan Anh/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: