» » » » Cách làm lớn cho trái vải nhỏ (Kỳ II)

Những ngày này, người trồng vải ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) như tất bật hơn các mùa vải trước. Vượt lên trên những vất vả ấy là niềm vui chưa từng có vì họ đang chuẩn bị cho lô hàng vải thiều đầu tiên của tỉnh xuất sang Mỹ.

Kỳ II:  Kỳ vọng quả vải sang Mỹ

Bắc Giang đang tập trung cho các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap

Nhộn nhịp với “quota” đi Mỹ

Sau khi có thông tin từ phía Mỹ quyết định mở cửa thị trường cho quả vải thiều Bắc Giang, ngành nông nghiệp tỉnh đã khẩn trương các biện pháp để chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện sớm đưa lô hàng vải thiều đầu tiên sang Mỹ trong vụ thu hoạch tới. Theo ông Trần Quang Tấn- Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn- hiện phía Mỹ đã đồng ý cấp 6 mã vùng trồng cho 109 hộ ở 3 thôn: Kép 1, Ngọt và Phương Sơn (xã Hồng Giang) với diện tích trên 100 ha.

Về thôn Kép 1 vào thời điểm này ai cũng rất hào hứng. Nhà nhà cẩn thận chăm sóc những cây vải để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu sang Mỹ- một thị trường được coi là khó tính nhưng đầy tiềm năng cho trái cây Việt Nam.

Anh Trần Văn Lưu, một trong những hộ ở thôn Kép 1 có hơn 250 gốc vải thiều được áp dụng trồng và chăm sóc theo chuẩn GlobalGAP chia sẻ:

“Thay vì trồng và chăm sóc mang tính chất tự phát như trước đây, bây giờ người trồng vải chúng tôi đã phải học sản xuất vải sạch. Theo đó, hàng ngày phải ghi chép nhật ký về chăm sóc cùng với đó là bón phân cũng phải theo hướng dẫn ngặt nghèo”.

Ông Giáp Văn Thành- Tổ trưởng phụ trách Chương trình sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ của thôn Kép 1- cho biết, các hộ trồng phải ký cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa 5 hoạt chất bị Mỹ cấm đối với vải thiều để chất lượng quả vải tốt hơn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang Mỹ, mỗi tuần Ban chỉ đạo họp một lần để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh.

Bộ NN&PTNT dự kiến xây dựng một trung tâm chiếu xạ mới ở phía Bắc, nếu đề xuất này thực hiện được trong năm nay, sẽ là cơ hội tốt cho các mặt hàng cần chiếu xạ.

Cánh cửa mở, nỗi lo hiện hữu

Theo ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN &PTNT), qua khảo sát thị hiếu tiêu dùng của người dân Mỹ, thì hương vị và chất lượng vải thiều nước ta được người Mỹ rất thích, nhưng cái khó của Việt Nam là việc bảo quản sau thu hoạch. Theo bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tại thị trường Mỹ có những yêu cầu bắt buộc như doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký với phía Mỹ, hàng xuất vào nước này phải được chiếu xạ. Dây chuyền chiếu xạ đạt yêu cầu, phải được phía Mỹ sang kiểm tra, cấp phép. Theo tính toán, thời gian từ khi thu hoạch vải đến khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng của Mỹ mất khoảng 15 ngày, với biện pháp bảo quản như hiện nay của Việt Nam rất khó có thể làm được điều này, nếu không áp dụng phương pháp chiếu xạ.

Điều đáng nói, theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện cả miền Bắc hiện chỉ có một hệ thống chiếu xạ của một đơn vị ở Hà Nội, nhưng không đáp ứng được yêu cầu chiếu xạ phục vụ cho xuất khẩu thương mại, cũng như không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ; phía Nam có 2 đơn vị có hệ thống chiếu xạ đạt yêu cầu của Mỹ, nhưng muốn xuất khẩu vải sang Mỹ chỉ còn cách vận chuyển vải vào miền Nam, thực hiện chiếu xạ rồi mới xuất khẩu. Điều này gây tốn kém trong vận chuyển và khó khăn cho việc bảo quản.

Kỳ III: Dồn sức cho mùa vải ngọt! 

Bài viết liên quan:


Lan Anh/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: