» » » Vụ lúa đông xuân ở Bạc Liêu: Năng suất giảm do thiếu nước và xâm nhập mặn

Việc thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn đã làm giảm năng suất lúa vụ đông xuân. Tại huyện Giá Rai, một số diện tích giảm năng suất từ 30 - 70%. Đây là vấn đề để ngành chức năng nghiên cứu bố trí lại lịch thời vụ, đồng thời cũng là một bài học kinh nghiệm cho nông dân trong việc tuân thủ lịch thời vụ mà ngành chức năng khuyến cáo.

Lúa giảm năng suất

Đến thời điểm này, huyện Vĩnh Lợi đã thu hoạch 1.200/8.155ha lúa đông xuân, năng suất đạt 6 tấn/ha. Còn 1.700ha lúa đang làm đòng và hơn 5.200ha đang trỗ và bắt đầu chín. Hơn 5.200ha lúa bắt đầu chín thì thiệt hại không đáng kể, nhưng 1.700ha lúa đang làm đòng có khả năng giảm năng suất khoảng 20%. Ông Nguyễn Mạnh Niêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Huyện chỉ đạo các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Long Thạnh vận động nhân dân sên vét các kênh nội đồng và đắp đập bơm chuyền nước vào và hỗ trợ tiền bơm chuyền cho nông dân. Vận động nông dân khi có nước là bơm trữ nước trên ruộng. Ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân phải tuân thủ xuống giống đúng lịch thời vụ để tránh thiệt hại…”.

Nông dân huyện Giá Rai bơm nước mặn xâm nhập ở các kênh nội đồng ra nhằm tránh thiệt hại cho sản xuất lúa. Ảnh: M.Đ

Ở huyện Hòa Bình, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch hơn 1.000/10.500ha lúa đông xuân, năng suất đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha. Theo ông Mã Thanh Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình: “Huyện có khoảng 100ha lúa bị xâm nhập mặn, năng suất giảm từ 15 - 20%, tập trung ở xã Vĩnh Mỹ B”.

Còn tại huyện Giá Rai, do nằm ở điểm cuối của nguồn nước ngọt nên thiệt hại là khá nặng. Đến thời điểm này, bà con bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân. Trong đó, có khoảng 415ha ở xã Phong Tân giảm năng suất rất nặng do thiếu nước. Ông Trương Hữu Mến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Giá Rai, chia sẻ: “Huyện đang làm tờ trình xin UBND tỉnh hỗ trợ những hộ có diện tích lúa bị giảm năng suất nặng”.

Những công trình chống hạn

Từ việc khô hạn dẫn đến thiếu nước ngọt mới thấy được giá trị của các ô thủy lợi khép kín và các trạm bơm nước. Địa phương nào thực hiện tốt các công trình ô thủy lợi khép kín và các trạm bơm nước hoạt động tốt thì nơi đó đảm bảo được nguồn nước phục vụ sản xuất.

Tỉnh đã chi 2 tỷ đồng cho các huyện hỗ trợ nông dân đắp các đập đầu kênh để bơm chuyền nước từ kênh chính vào kênh nội đồng phục vụ sản xuất. Đồng thời đầu tư hơn 20 tỷ đồng để thi công nạo vét các kênh thủy lợi và duy tu, sửa chữa các cống, bờ bao. Trong đó, giao 13 công trình cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, tổng trị giá hơn 9,3 tỷ đồng; giao 24 công trình cho các huyện, thành phố làm chủ đầu tư với tổng số vốn gần 10,7 tỷ đồng.

Để chống hạn, ngoài việc nạo vét các kênh, tỉnh cũng đã đầu tư duy tu các cống chống xâm nhập mặn vào vùng ngọt. Song song đó, giải quyết kinh phí cấp bù miễn thu thủy lợi phí năm 2014 (đợt 2) hơn 66,3 tỷ đồng cho các đơn vị. Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ cấp 270 tỷ đồng cho công tác chống khô hạn và xâm nhập mặn ở địa phương.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: “Các công trình khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang triển khai thực hiện đồng loạt. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2015”.

Minh Đạt/ Báo Bạc Liêu

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: