Là một tỉnh nông nghiệp nhưng từ lâu, cánh cửa đầu ra hàng nông sản Bạc Liêu vẫn còn khá hẹp và hạt muối cũng chịu chung số phận. Giá muối rẻ, nhiều diêm dân không còn tha thiết với nghề và diện tích sản xuất cứ thu hẹp dần…
Niềm vui chưa trọn
Những ngày này, diêm dân ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải đã bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch muối. Theo bà con diêm dân, chưa có năm nào muối trúng mùa như năm nay. Thời tiết nắng nóng kéo dài muối nhanh kết tinh nên việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Sản lượng muối ở thời điểm hiện tại của Hợp tác xã (HTX) Diêm nghiệp Trường Sơn (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) đã đạt hơn 30 tấn/ha. Nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi thì năng suất cuối vụ của HTX ước đạt từ 60 - 70 tấn/ha, cao hơn những năm trước từ 10 - 20 tấn/ha.
Tuy nhiên, bên cạnh việc trúng vụ muối thì niềm vui của diêm dân vẫn chưa trọn vẹn bởi giá muối liên tục giảm. Ở thời điểm cuối tháng 3/2015 giá muối dao động từ 1.300 - 1.400 đồng/kg muối trắng và từ 800 - 1.000 đồng/kg muối đen, nhưng nay giá muối thu mua tại ruộng của thương lái chỉ còn từ 900 - 1.000 đồng/kg muối trắng và từ 500 - 700 đồng/kg muối đen. Hiện giờ là giữa vụ thu hoạch muối nhưng phần lớn diêm dân đều trữ lại để chờ giá. Ông Lê Minh Vĩnh ở HTX muối Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) than thở: “Mấy năm nay, những người làm muối chỉ vì thương cái nghề cha ông để lại nên cố đeo bám, chứ thật ra làm muối bây giờ không có lời nhiều. Năm nào muối trúng thì mừng vì được lấy năng suất bù vô giá cả. Giá muối thấp quá nên anh em trong HTX phải tự vần công cho nhau để giảm chi phí”. Theo ngành Nông nghiệp, đến nay diêm dân đã thu hoạch được hơn 30.000 tấn muối. Tuy nhiên, sản lượng muối thu mua vào chế biến chỉ 5.000 tấn và muối bán ra thị trường hơn 4.500 tấn.
Diêm dân ấp Bờ Cảng (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) thu hoạch muối. Ảnh: P.Đ
Diêm dân chẳng “mặn” với nghề
Trên thực tế, không ít diêm dân của những làng muối truyền thống đã không còn tha thiết với nghề. “Nhà tôi làm muối nhiều đời và có 18 công đất chuyên làm muối. Tuy nhiên, những năm gần đây không sống được với nghề vì giá muối thấp quá nên gia đình tôi chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Tuy biết việc chuyển đổi sản xuất này có khả năng gặp rủi ro cao nhưng còn hơn là phải sống với nghề muối vất vả mà thu nhập chẳng là bao”, anh Trần Thanh Quang (ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chia sẻ.
Bên cạnh những người bỏ nghề làm muối cha truyền con nối để chuyển đổi sản xuất thì hiện vẫn còn không ít những diêm dân chỉ làm muối nửa mùa. Ông Trịnh Văn Thanh ở ấp Bình Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) cho biết: “Hơn 50 năm gắn bó với nghề muối nên tôi không còn lạ với chuyện được mùa - mất giá. Giờ bà con ở đây vẫn lấy nước, vẫn phơi sân… nhưng không để hạt muối kết tinh mà đợi đủ độ mặn rồi bán cho doanh nghiệp ương tôm. Nghề muối là nghề cha ông truyền lại bao đời nay, bỏ thì thương lắm, nhưng nếu tiếp tục bám nghề mà sản xuất không có lãi thì khó mà trách sao diêm dân không còn tha thiết, mặn mà với nghề...”. Theo ngành Nông nghiệp, khoảng 5 năm trở lại đây diện tích sản xuất muối ở Bạc Liêu liên tục giảm. Cụ thể như: Năm 2010, diện tích muối là 3.487ha, đến năm 2014 giảm còn 2.663,01ha và năm 2015 này, toàn tỉnh chỉ còn 2.587ha đất sản xuất muối.
Đừng để diêm dân “tự bơi”
Có một nghịch lý là hạt muối của Bạc Liêu không chỉ chiếm ưu thế ở thị trường trong nước mà còn có tiếng ở các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc…, vậy mà người làm muối vẫn lao đao. Nguyên nhân phải chăng là do mối liên kết giữa doanh nghiệp và diêm dân còn khá lỏng lẻo. “Trông trời, trông đất, trông mây”, rồi phơi - cán đất, lấy nước…, biết bao công sức của diêm dân bỏ ra, đến cuối mùa vụ thì lại thấp thỏm “trông giá”.
Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc HTX Diêm nghiệp Trường Sơn (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “Chúng tôi rất cần được liên kết với doanh nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi tìm đến với doanh nghiệp, song các vấn đề về giá cả, thu gom, vận chuyển… lại gây khó khăn cho liên kết. Nếu liên kết với doanh nghiệp mà diêm dân không có lãi thì liên kết làm gì? Thay vì để muối bán tại ruộng vẫn hơn. Thực tế thị trường cho thấy, giá muối thấp không phải vì chất lượng kém mà do thu mua manh mún để cuối cùng bị thương lái ép giá”.
Bạc Liêu hiện đang tiếp tục hoàn chỉnh Đề án xây dựng cánh đồng muối chất lượng cao của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Với công nghệ muối trải bạt, diêm dân sẽ ngày càng cho ra đời loại muối có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, khi nào diêm dân còn phải “tự bơi” trong việc tìm kiếm đầu ra thì dù hạt muối có chất lượng đến cỡ nào đi chăng nữa thì người làm muối vẫn nghèo, cuộc sống vẫn bấp bênh, trôi nổi trên dòng chảy thị trường…
Phạm Đoàn/ Báo Bạc Liêu
Không có nhận xét nào: