Những năm gần đây, diện tích mía của tỉnh Tây Ninh liên tục giảm. Niên vụ 2014 - 2015 còn 21.000 ha mía - giảm 4.000 ha so niên vụ 2013-2014. Người trồng mía tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, giá cả xuống thấp - chi phí đầu tư cao khiến nhiều hộ trồng mía chuyển sang cây trồng khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ khảo sát cánh đồng mía của Công ty TNHH Hưng Thịnh, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.
Trăm cái khó người trồng mía phải chịu
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Ninh Long, xã Long Phước, huyện Bến Cầu có diện tích canh tác 110 ha. Lĩnh vực hoạt động chính của HTX là làm dịch vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, cây mía gặp rất nhiều khó khăn: giá mía giảm, sâu bệnh nhiều, chữ đường không cao, tạp chất nhiều, giá thành đầu tư cao khiến lợi nhuận giảm…
Ngoài ra, chính sách thu hoạch của nhà máy chậm trễ, để mía khô đến cuối vụ, làm năng suất giảm 20-30 tấn/ha, càng gây khó khăn hơn cho HTX.
Bên cạnh đó, nhà máy còn có nhiều ràng buộc trong cung cấp phân bón, cây giống và đây xem như là khoản đầu tư vụ mía mới của nhà máy cho nông dân trồng mía. Đại diện HTX Ninh Long cho biết: “Trong vốn nhà máy đầu tư cho vụ mía vừa qua là 30 triệu đồng/ha, nhà máy có đầu tư bằng phân bón, hom giống và các khoản dịch vụ khác.
Nếu mình không nhận phân bón thì phần tiền tương ứng cũng bị nhà máy cắt luôn, không đầu tư. Điều này gây khó khăn lớn cho người nông dân”. Khi được hỏi tại sao HTX không hợp đồng đầu tư với nhà máy khác, đại diện HTX này cho biết, theo quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh, vùng nguyên liệu của nhà máy nào thì phải hợp đồng với nhà máy đó. Là một tổ chức sản xuất đóng trên địa bàn tỉnh thì phải thực hiện theo quy hoạch”.
Ông Nguyễn Quang Hợp - đại diện Công ty TNHH Hưng Thịnh (có hơn 1.300 ha đất trồng mía) cho biết, với giá cả, cách thu mua như thế này, nếu trồng mía mới là lỗ, còn mía gốc may ra có lời nhưng so với một số cây khác thì không bằng.
Hiện tỉnh Tây Ninh có ba nhà máy đường, trong đó hai nhà máy Biên Hoà và Bourbon có cùng một “ông chủ” nên người nông dân trồng mía ở Tây Ninh không có quyền lựa chọn nhà máy để hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, tình trạng đường nhập lậu vẫn còn nhiều khiến giá đường trong nước giảm xuống; các nhà máy buộc phải thu mua với giá thấp hơn, từ đó trăm cái khó đổ lên đầu người trồng mía.
Cơ giới hoá trong thu hoạch mía.
Cần thay đổi trước khi bước vào hội nhập
Ông Nguyễn Quang Hợp nhấn mạnh, lâu nay ngành mía đường dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước, tức là không cho nhập đường, nghiêm cấm nhập lậu. Năm 2015, Hiệp ước thương mại tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực, sắp tới đây Việt Nam ký Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu ngành mía đường không có sự thay đổi sẽ không thể nào cạnh tranh được và sẽ “chết ngay trên sân nhà”. Để thay đổi, trước hết các nhà máy cần minh bạch trong vấn đề đo chữ đường, tạp chất.
Theo ông Hợp, giá mua mía của các nhà máy đường ở Thái Lan thấp hơn giá mua mía của các nhà máy đường Việt Nam, nhưng nông dân Thái vẫn có lãi cao, vì nhà máy họ mua với giá thực, chữ đường đo đúng với hàm lượng đường có trong cây mía.
Bên cạnh đó, các nhà máy cũng cần thay đổi cách thu mua, thu hoạch đúng thời điểm mía chín; đồng thời tăng mức hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với người trồng mía. Về lâu dài cần đẩy mạnh cơ giới hoá trong cây mía, từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hoạch, đồng thời đầu tư thuỷ lợi để nâng cao năng suất và chữ đường.
Mới đây, một vị lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho biết, trước tình hình khó khăn của ngành mía đường, các nhà máy phải cùng với nông dân vượt qua, trong đó đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp là biện pháp tốt nhất để giải quyết khó khăn cho người trồng mía…
Đình Vũ/ Báo Tây Ninh
Không có nhận xét nào: