Trong những ngày gần đây Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) bức xúc trước bài viết của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đăng trên website Bộ Công thương (ngày 27/2/2015) với tiêu đề “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam”.
Bài viết phân tích khá sâu về thực trạng ngành mía đường Việt Nam do chính sách bảo hộ quá lâu, nên VSSA và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành, dẫn đến sức cạnh tranh yếu kém, người dân sống bằng nghề trồng mía bỏ nghề, chuyển đổi cây trồng. Hệ quả là chất lượng đường kém, giá thành đắt so với mặt bằng chung trên thế giới từ 30- 40%.
Thu hoạch mía hoàn toàn bằng cơ giới hóa tại cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào)
Với sự chênh lệch này, theo tính toán của TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ), nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 12.000 đồng/kg, đứng ở hàng cao nhất thế giới, trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường còn cao hơn, người dùng trong nước luôn phải mua đường với giá đắt hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức tiêu thụ năm 2014 khoảng 1,3 triệu tấn đường, người tiêu dùng nội địa bỗng dưng phải trả thêm cho khoản chênh lệch giá này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng. Với người tiêu dùng nhỏ lẻ, sự chênh lệch này có thể không không mang tới thiệt hại to lớn, tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nước giải khát có sử dụng nguyên liệu đường, mức chênh lệch này đã dẫn đến việc giá thành sản phẩm của họ khó cạnh tranh ngay trên sân nhà.
VSSA có nhìn thấy vấn đề?
Cụm từ “bảo hộ” đối với các ngành nghề trong nước đã có trong mấy chục năm qua. Chính sách “bảo hộ” cũng vì mục tiêu để phát triển khi ngành nghề đó mới sinh trưởng và “bảo hộ” đã được nới lỏng dần khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên cũng không ít ngành nghề tự mình “thoát” ra khỏi “vỏ bọc” này để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI trong nước và vươn mình ra thế giới.
Chẳng hạn như các ngành lúa gạo, cà phê, tiêu điều, dệt may… đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu thu về mỗi năm hàng tỉ USD, giải quyết công việc làm cho hàng ngàn lao động trong mỗi xí nghiệp, nhà máy… Trong khi đó, ngành mía đường - một trong những ngành nghề được sự “bảo hộ” của nhà nước lại không thể vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Cũng chính vì những lý do này mà ngành mía đường tiếp tục được nhà nước “bảo hộ” khá lâu. Ngay cả khi trên bàn đàm phám WTO, Việt Nam vẫn kiên quyết “bảo hộ” ngành mía đường đến cùng…
Thế nhưng đến thời điểm này chính sách “bảo hộ” đối với ngành mía đường có còn tác dụng không, khi mà các Hiệp định thương mại đã cận kề. Theo lộ trình, Hiệp định thương mại hàng hóa các nước Đông Nam Á (ATIGA) trong năm 2015, có đến 93% trên tổng danh mục hàng hóa nhập khẩu giữa các nước Đông Nam Á với nhau sẽ có thuế nhập khẩu là 0% trong đó có ngành mía đường. Mục đích của ATIGA là giúp các nhà máy đường chuẩn bị tốt hơn để cạnh tranh với đường từ các nước trong khu vực. Còn lại 7% hàng hóa cũng sẽ áp dụng thuế suất 0% vào năm 2018. Nước đến chân rồi mà VSSA vẫn không thỏa mãn “cơn khát” bảo hộ, đã có kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ tài Chính đẩy lùi thời hạn giảm áp dụng thuế nhập khẩu đường 0% đến năm 2018 thay vì vào năm 2015 như kế hoạch. Theo lý giải của VSSA, nếu trong năm nay giảm thuế nhập khẩu đường bằng 0% theo Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN thì nhiều nhà máy đường trong nước khó có thể “sống sót”.
Đâu là hệ lụy…?
Các chuyên gia cho rằng, chiếu theo các Hiệp định thương mại, các nhà máy không “sống sót” là lẽ đương nhiên, bởi chính sách bảo hộ quá lâu đã khiến các doanh nghiệp ngành này thụ động. Tuy nhiên cũng không thể “đổ tội”cho chính sách bảo hộ bởi bản chất của chính sách bảo hộ ngành mía đường là đảm bảo có lợi cho người trồng mía, người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích của nền kinh tế. Thế nhưng hàng chục năm nay ngành sản xuất mía đường và sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Tính đến thời điểm này, đối tượng chính trong chính sách bảo hộ bị thiệt thòi là nông dân và người tiêu dùng. Nông dân trồng mía vẫn khổ sở vì thường xuyên bị ép giá, giá mía luôn thấp, bỏ mía…, đồng thời họ cũng là nạn nhân phải mua đường với giá cao – điều này đồng nghĩa với việc ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà.
Vậy ai được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ này? Trao đổi với Báo DĐDN, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thẳng thắn chỉ trích: “Giá đường Việt Nam cao chót vót chỉ vì lợi ích nhóm. Cụ thể đối với các vị trong VSSA, họ là những con buôn lớn, họ lên tiếng phản đối nhập đường để mục đích bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Đất nước chúng ta đang mở cửa hội nhập mà giá đường trong nước lại cao hơn thế giới thì chuyện cấm nhập đường sẽ ngược với quy luật kinh tế thị trường. Vấn đề này không chấp nhận được, người tiêu dùng có quyền được mua đường giá rẻ. Hơn nữa, vì sao phải cấp nhập đường từ Lào khi mà đường lậu ở các nước lân cận (Thái lan, Camphuchia…) vẫn tuồn vào nước ta hàng ngày. Đầu năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã cho phép HAGL Attpeu (Lào) tạm nhập 30.000 tấn đường thô về Việt Nam, sau đó xuất Trung Quốc. Nhưng cho đến giờ này chúng tôi chưa đưa kg đường nào về Việt Nam cả, mà các vị trong VSSA đã lên tiếng cho rằng cần phải bảo vệ ngành mía đường sản xuất trong nước. Nói một cách sòng phẳng, Hoàng Anh Attpeu (Lào) cũng là một doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, chỉ khác cây mía được trồng trên đất Lào. Vốn vay của chúng tôi cũng từ các ngân hàng ngân hàng đầu tư BIDV Bank, quản lý, điều hành Tập đoàn HAGL… Vậy, tại sao lại cấm cản?”.
Vì lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và trên hết vì lợi ích của quốc gia, thiết nghĩ nhà nước ta nên mạnh dạn cho đường ngoại hội nhập, chấp nhận cuộc cạnh tranh sòng phẳng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào) được khởi công xây dựng vào cuối năm 2011 với tổng đầu tư gần 90 triệu USD và dự án đã được khánh thành và đưa vào hoạt động đầu năm 2013. Chỉ tính năm đầu tiên đã cho sản lượng khai thác đạt 590.193 tấn, trữ lượng đường đạt 11 CCS. Sản lượng đường sản xuất là 65.577 tấn đã tiêu thụ 60.472 tấn, mang lại doanh thu 838 tỷ đồng, cho tỷ suất lợi nhuận gộp của mía đường là 66% (tức 1 đồng chi phí thu về 2 đồng lãi. Giá thành khoảng 4.000đồng/kg, trong khi đó tại Việt Nam giá thành bán sỉ từ 16,000 đồng đến 17.000 đồng/kg, nếu người tiêu dùng mua lẻ trên 20.000 đồng/kg.
Minh Hương/ Diễn đàn doanh nghiệp
Không có nhận xét nào: