Là nông sản chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ hai thế giới (sau Brazil) về XK với kim ngạch đạt 3,6 tỷ USD, tương đương chiếm 30% trong tổng kim ngạch XK cà phê thế giới (12 tỷ USD), song lại chiếm chưa đầy 1% tỷ trọng trong tổng số 400 tỷ USD giá trị thương phẩm cà phê toàn cầu.
Nguyên nhân chính là do lâu nay chúng ta chỉ chú trọng chế biến thô, chưa có sản phẩm tinh nên giá trị cà phê còn thấp.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo, thời gian qua thời tiết vùng Tây Nguyên bị khô hạn, lượng nước tưới chỉ đủ cho 60% diện tích trồng cà phê nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cà phê Việt Nam.
Nhiều bất ổn
Tình trạng sương muối kéo dài khiến cho sản lượng cà phê Arabica tại các tỉnh Lâm Đồng và Sơn La dự kiến giảm 30% so với vụ trước. Chính vì ảnh hưởng nhiều nguyên nhân từ thời tiết, niên vụ này được đánh giá là sản lượng cà phê sẽ giảm khoảng 20-25% so với niên vụ trước. Niên vụ tới, 2015-2016 khả năng mất mùa sẽ rất lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, hiện nay, cả nước có trên 620.000ha cà phê, với sản lượng mỗi năm trên 1,6 triệu tấn cà phê nhân, được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù Việt Nam vẫn luôn tự hào là nước XK cà phê nhất nhì thế giới với 4 năm liên tục kể từ năm 2011 kim ngạch XK cà phê luôn đạt trên 3 tỷ USD nhưng nội tại ngành cà phê còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
Nhìn vào tỷ trọng giá trị thương phẩm cà phê toàn cầu, chúng ta chiếm tỷ lệ quá thấp (chưa tới 1% trong tổng số 400 tỷ USD giá trị thương phẩm cà phê toàn cầu). Nguyên nhân chính là do những năm qua, chúng ta mới tập trung XK cà phê thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu nên chưa nâng được giá trị cà phê. Bên cạnh đó, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ còn cao. Có tới hơn 80.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi ở Tây Nguyên (chiếm khoảng 15% tổng diện tích cà phê cả nước) và khoảng 40.000 ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi cho năng suất và chất lượng thấp cần tái canh song quá trình triển khai còn chậm.
80% cà phê được chế biến tại các hộ gia đình bằng công nghệ thô sơ không đảm bảo kỹ thuật nên chất lượng còn thấp.
Bộ trưởng cho rằng, để đạt mục tiêu kim ngạch XK lên tới vài chục tỷ USD thời gian tới đòi hỏi công tác tái canh phải hiệu quả. Bên cạnh đó, phải phát triển trồng trọt bền vững hơn. Cần chú ý đến chế biến và xây dựng thương hiệu để cho sự phát triển tương xứng của cây cà phê trên thị trường quốc tế.
So với các ngành hàng nông nghiệp có trọng điểm khác như mía đường, lúa gạo, cao su… thì cà phê Việt Nam đang có những dấu hiệu bất ổn từ khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ cho đến phát triển thị trường, khiến chất lượng, năng lực cạnh tranh cũng như việc nâng cao giá trị kinh tế của ngành hàng này luôn bấp bênh, thiếu bền vững.Theo đại diện Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, công nghiệp chế biến cà phê nhân của nước ta đang hết sức phân tán, mạnh ai nấy làm. Hiện có rất ít DN có xưởng chế biến, 80% cà phê được chế biến tại các hộ gia đình bằng công nghệ thô sơ, đơn giản, xay xát bằng những máy xay không đảm bảo kỹ thuật nên chất lượng còn thấp. Chính vì vậy, cà phê Việt Nam tuy xuất đi nhiều nhưng giá trị chưa cao. Một số DN nước ngoài nhập cà phê Việt Nam nhưng họ chế biến sâu hơn tạo ra cà phê mang thương hiệu nước họ và bán cũng được giá hơn.
Làm gì để đạt mục tiêu chục tỷ đô
Bên cạnh đó, nạn trộm cắp, phá hoại cà phê tại các tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… đang ở mức báo động hiện nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, chế biến XK của hộ nông dân trồng cà phê cũng như DN.
Trong khi ngành cà phê khuyến cáo người nông dân chỉ nên thu hoạch cà phê khi tỷ lệ quả chín đạt khoảng 90% thì mới đảm bảo chất lượng thì các hộ dân ở những địa phương có nạn trộm cà phê trên đã phải ra tay thu hoạch sớm vườn cà phê của mình để tránh bị mất trộm. Nhiều vườn cà phê, tỷ lệ quả chín mới đạt 70% nhưng đã bị người thu hái dân hái hết.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc thu hái cà phê sớm như vậy để lại những hệ lụy khôn lường. Việc thu hoạch cà phê xanh vào đầu vụ và giữa vụ thì sẽ bị hao hụt khoảng 20% sản lượng và nếu tiếp tục thu hái nhiều quả cà phê xanh non diễn ra, thời vụ thu hoạch cà phê sẽ chuyển dịch dần vào cuối mùa mưa, gây nhiều bất lợi cho việc thu hoạch và chế biến. Đáng chú ý hơn là chất lượng cà phê XK giảm, từ đó giảm giá trị lẫn uy tín của ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng, với định hướng phát triển cà phê bền vững trong tổng diện tích giữ ở mức 600.000 ha, năng suất trung bình 2,6 tấn/ha, sản lượng ổn định 1,6 triệu tấn thì việc đạt mục tiêu XK lên tới hàng chục tỷ USD thông qua tăng tỷ lệ chế biến gia tăng giá trị sản phẩm rất cần có sự nỗ lực rất lớn từ phía DN, người nông dân, chính quyền địa phương trong đó đặc biệt cần cái bắt tay liên kết giữa 4 nhà để cà phê Việt phát triển xứng tầm hơn trên thị trường thế giới.
Thu Hường/ Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào: