Cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, chứ đừng để xuất khẩu tiểu ngạch mãi qua Trung Quốc và bị họ chi phối...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, ĐH Cần Thơ cho biết khi trao đổi với báo Đất Việt.
Hàng loạt doanh nghiệp bị mất quyền xuất khẩu gạo do vướng phải nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011). Theo Nghị định này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc (lúa) và một cơ sở xay xát thóc công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.
Xét về lý, đó là một yêu cầu hợp lý để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu có số lượng và chất lượng ổn định. Tuy nhiên, chiếu theo thực tế hiện nay ở Việt Nam thì quy định trên sẽ chặn đường xuất khẩu của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Điều này có công bằng không khi chúng ta có hai tổng công ty lương thực được ưu đãi nhiều mặt?
- Theo tôi, chủ trương này phải mềm dẻo, uyển chuyển một chút vì những loại gạo đặc sản, đặc thù mới chỉ giới thiệu ra ngoài với số lượng không lớn làm sao đáp ứng đủ điều kiện có diện tích kho bãi, nhà máy xay xát lớn được?
Đó là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, chứ đừng để xuất khẩu tiểu ngạch mãi qua Trung Quốc và bị họ chi phối.
Mục tiêu ban đầu của Nghị định 109 là để hạn chế việc nở rộ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như việc cạnh tranh không lành mạnh thi nhau bán gạo giá thấp ra thế giới. Thế nhưng, nhìn lại những hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam (mà cụ thể là hai tổng công ty lương thực) giành được trong thời gian qua mà điển hình là vụ Việt Nam trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines nhờ bỏ giá thấp hơn các nhà thầu khác 28-32 USD/tấn, rõ ràng hai tổng công ty lương thực đã rơi vào điều tối kỵ mà Nghị định 109 muốn tránh.
Ông bình luận như thế nào về thực tế này? Phải lý giải thế nào về sự bất hợp lý tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được tháo gỡ khiến cho việc xuất khẩu gạo trở thành "sân chơi" của 2 tổng công ty lương thực và các công ty sân sau của họ, rồi phần thiệt người nông dân phải chịu?
- Theo tôi, cần chia làm 2 loại: một loại đại trà Việt Nam thường xuất khẩu theo thị trường tập trung và thị trường thương mại như hiện nay thì áp dụng nghị định này. Còn những loại đặc sản, quý hiếm thì cho ưu đãi đặc biệt vì thị trường hẹp, đòi hỏi phải có vùng nguyên liệu, nhà kho, nhà máy xay xát lớn như vậy làm sao họ làm được?
Trong phân khúc thị trường lúa gạo hiện nay có 3 dạng: gạo đặc sản, gạo chất lượng cao hạt dài không bạc bụng và thị trường gạo cấp thấp. Đó là 3 thị trường lớn, trong đó thị trường gạo đặc sản hiện chiếm khoảng trên dưới 10% tổng sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Ngoài loại gạo Jasmine có diện tích khá lớn, mấy thị trường như gạo nàng Thơm Chợ Đào diện tích không đáng kể.
Thu hoạch lúa đông xuân ở Nông trường Cờ Đỏ, Cần Thơ. Ảnh: Tuổi trẻ
Về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh đã có Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp làm trọng tài nên không sợ các doanh nghiệp ép nhau. Hàng vụ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn nắm quyền ra mức giá sàn, tức là không được đấu thầu thấp hơn mức đó. Đây là chủ trương tốt, vấn đề là quyết định giá sàn ở mức nào thì cần phải có một hệ thống số liệu để phân tích các thông tin từ đó đưa ra mức giá sàn cho phù hợp. Nếu hạ giá quá thấp dưới mức giá sàn thì không cấp quota cho doanh nghiệp xuất khẩu. Như vậy sẽ hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Về việc Vinafood 2 bỏ giá thầu thấp, theo tôi, còn phải tùy thuộc tình hình biến động thị trường thời điểm họ đàm phán. Phải phân tích sự việc trong thời điểm Vinafood 2 đàm phán, giá gạo thế giới cỡ nào thì bỏ cỡ đó, có phá giá hay không, còn giờ mới đem ra nói thì tình hình đã thay đổi.
Hơn nữa, tôi có tìm hiểu và biết chủ trương của Vinafood 2 khi đi đàm phám với Philippines cũng muốn vực dậy uy tín của gạo Việt Nam nên không muốn bỏ giá quá thấp.
Trong khi đó, mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất và được chấp thuận bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc vào danh sách đầu mối xuất khẩu gạo. Bản thân tổng công ty này cũng vừa được tăng thêm vốn tới vài ngàn tỷ. Ông đánh giá như thế nào về việc thêm quyền và lực cho hai tổng công ty lương thực nói trên? Hệ quả của nó sẽ là gì, thưa ông?
- Vinafood 2 ở địa bàn phía Nam có tiềm lực hơn Vinafood 1. Tôi không hiểu tại sao Bộ Công thương lại đề xuất Vinafood 1 vào danh sách đầu mối xuất khẩu gạo. Không lẽ đề xuất như vậy để nuôi "con"?
Khi thành lập Vinafood 1 và Vinafood 2 đã ghi rất rõ Vinafood 1 là Tổng công ty lương thực miền Bắc, còn Vinafood 2 là Tổng công ty lương thực miền Nam, nhưng ở miền Bắc Vinafood 1 có làm ăn được gì đâu mà cho phép vào miền Nam làm lộn xộn thị trường trong này?
Theo tôi, nếu chỉ cho Vinafood 1 vào danh sách đầu mối xuất khẩu gạo thì không thay đổi được gì. Vinafood 1 không có chân đứng, toàn vay mượn của người khác, giờ cho họ vào cạnh tranh với Vinafood 2. Trong khi đó, Vinafood 2 có mạng lưới các công ty lương thực ở ĐBSCL, nơi chiếm trên 95% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam rồi, vậy Vinafood 1 chiếm 5% còn lại thì ăn thua gì?
Tôi từng trao đổi với một lãnh đạo VFA, ông ấy nói chủ trương của Bộ Công thương là đưa Vinafood 1 vào để cạnh tranh với Vinafood 2. Theo ông này, làm như vậy không ổn lắm vì cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước, nếu thêm Vinafood 1 vào sẽ rất khó thống nhất về mặt chủ trương khi đi đàm phán với đối tác.
Tôi cho rằng, muốn đi đấu giá gạo hãy để bổ sung những doanh nghiệp mạnh trong thị trường thương mại tham gia. Họ không được nhà nước hỗ trợ gì mà phải tự chủ, họ sẽ năng động và có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn những doanh nghiệp được cho sẵn quota. Để các doanh nghiệp này đi đàm phán còn hơn là để Vinafood 1.
Chiêu bài "mua rẻ bán rẻ" đã nhận phải trái đắng khi mới đây, Việt Nam đã giành quyền cung cấp 200.000 tấn gạo cho Philippines sau khi đồng ý giảm 4 USD/tấn theo đề nghị của cơ quan lương thực quốc gia Philippines. Trước đó, có thông tin dù đã bỏ thầu thấp nhất ở mức 460 USD/tấn, mức thấp nhất trong các nước dự thầu nhưng vẫn không trúng thầu do cao hơn mức giá trần Philippines đưa ra 456,6 USD/tấn.
Một điểm đáng chú ý khác là Thái Lan đã nhận được hợp đồng 300.000 tấn gạo, cao hơn Việt Nam cũng với mức giá như vậy.
Qua đó, có thể thấy Philippines đã nắm thóp được chiêu bài mua rẻ bán rẻ của Việt Nam nên đã dìm được giá gạo Việt Nam. Ngoài ra, cũng có thể thấy, Thái Lan cũng chứng tỏ sẽ bán gạo giá rẻ, cạnh tranh với Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính (châu Âu, Mỹ, Nga) với giá cao thì bị vướng Nghị định 109, phải nhờ cậy hai tổng công ty lương thực với chi phí cao nên đang khó trăm đường.
Nhìn vào những thực tế trên, liệu có thể hiểu, xuất khẩu gạo Việt Nam đang tự dùng hai tổng công ty lương thực để bó chân mình hay không và vì sao? Để tháo gỡ những khó khăn này, chúng ta cần phải làm gì?
- Việc Thái Lan trúng thầu cung cấp 300.000 tấn gạo, cao hơn Việt Nam cũng với mức giá kia tôi thấy hơi lạ. Ấn Độ thì còn e ngại chứ còn Thái Lan họ mua gạo trong nội địa cao hơn giá gạo xuất khẩu, hẳn họ có bù lỗ nhất định cho ngành xuất khẩu lúa gạo. Thái Lan đang khủng hoảng chính trị, muốn thu hút thành phần nông dân nên tôi nghĩ Thái Lan bỏ giá như thế chẳng qua có sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu đưa ra thị trường tự do, tôi không nghĩ gạo Thái Lan có thể rẻ hơn Việt Nam.
Còn so với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khó tính, đây là 2 khúc thị trường khác nhau. Philippines là thị trường phổ thông, còn thị trường cao cấp hơn thì giá phải khác, không thể căn cứ theo giá đó mà so sánh được. Gạo xuất khẩu của Việt Nam có 3 cấp nên nếu muốn so sánh thì phải so sánh cùng một cấp.
Với tư cách Bộ chủ quản, Bộ Công thương không đề xuất điều chỉnh những điểm bất hợp lý mà chỉ xin thêm quyền lợi cho hai tổng công ty lương thực, như vậy, họ đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Có thể đặt vấn đề "nhóm lợi ích" ở đây không và vì sao, thưa ông?
- Câu hỏi thẳng quá nên tôi không dám kết luận về chuyện có lợi ích nhóm ở đây hay không. Tôi chỉ không thể hiểu được tại sao Bộ Công thương lại đề xuất cho Vinafood 1 làm đầu mối xuất khẩu gạo.
Thành Luân/ Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào: