Việc chuyển hướng đầu tư hay thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp để phù hợp với những biến động của nền kinh tế, hay để đón đầu cơ hội làm ăn là những chuyện bình thường. Nhưng ở Việt Nam, việc chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp là xu hướng lạ. Lạ vì đây là lĩnh vực nhiều rủi ro, trong khi lợi nhuận mang lại rất thấp. TBKTSG Online đã phỏng vấn Giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, xung quanh xu hướng này.
Giáo sư Trần Đình Long
Vài năm gần đây có một xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp lớn sang lĩnh vực nông nghiệp như trường hợp tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa TH, Công ty cổ phần Thành Thành Công, Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức... Đây là những doanh nghiệp trước đó chủ yếu kinh doanh các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Ông đánh giá gì về xu hướng dịch chuyển này?
- Xu hướng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp trong nước sang lĩnh vực nông nghiệp là thức thời, là xu thế tất yếu, nhất là với điều kiện kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp này có kết quả thành công chủ yếu là do quy mô đủ lớn (chủ động được nguồn vốn, nguồn nhân lực), chọn đúng đối tượng đầu tư, địa điểm đầu tư (ví dụ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng cao su ở Campuchia) và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ tạo vùng nguyên liệu, sản xuất đến sản phẩm cuối cùng và chủ động thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang có kế hoạch đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến cá ngừ đại dương. Vậy theo ông, điều gì hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp, mà trước đây vẫn được coi là lợi nhuận thấp, đầu tư lớn và nhiều rủi ro?
- Chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng về vùng miền, điều kiện sinh thái khác nhau, vừa có khí hậu nhiệt đới điển hình (từ Đèo Hải Vân trở vào, khí hậu á nhiệt đới; có vụ Đông điển hình (ở vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc) mà các nước khác không có; phong phú về chủng loại sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi, nông-lâm, thủy sản... Hiện ta đang có 6-7 mặt hàng nông sản đứng nhất nhì trên thế giới cả về số lượng và năng suất; gần 70% dân số sống ở nông thôn, nguồn nhân lực dồi dào.
Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta đang đứng trước các thách thức to lớn, chỉ phát triển theo hướng nặng về số lượng nhưng chất lượng sản phẩm thấp, công nghệ đa phần còn lạc hậu, tổ chức sản xuất kém, nguyên liệu đầu vào phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu (ví dụ thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... tỷ lệ nhập khẩu rất cao), vốn đầu tư cho nông nghiệp còn thấp...
Thách thức của Việt Nam sẽ là cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Và yếu tố chính trị ổn định, cơ chế thị trường ngày càng được mở rộng, đó là những lý do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hứng khởi đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam.
Theo ông đâu là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài khi đầu tư mạnh vào nông nghiệp Việt Nam?
- Trước hết Việt Nam phải xây dựng cho mình chiến lược phát triển nông nghiệp đúng đắn, phát huy được lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Phải nêu rõ nông nghiệp Việt Nam cần gì, từ đó cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết về thuận lợi và khó khăn của nông nghiệp nước ta cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất lớn là cản trở đầu tiên, là khó khăn cơ bản.
Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là quy mô sản xuất quá nhỏ, manh mún; quá nhiều chủng loại sản phẩm; lực lượng sản xuất nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu là người già và trẻ em, thiếu đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề.
Mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, người sản xuất còn lỏng lẻo: khi giá sản phẩm trên thị trường thấp thì thực hiện tốt hợp đồng với doanh nghiệp; khi giá cao, lại sẵn sàng bán sản phẩm của mình cho thương lái... Hơn nữa, trong việc phân chia lợi ích thường doanh nghiệp có lợi nhiều hơn, nông dân vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vì sao những chính sách đó không đi vào cuộc sống?
- Một số chính sách không đi vào cuộc sống, theo tôi là do cách xây dựng chính sách phần lớn xuất phát từ các cơ quan quản lý, từ trên xuống, mang tính chủ quan, áp đặt nên không sát thực tế. Ví dụ chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa chưa mang lại hiệu quả. Chính sách vốn đầu tư, tín dụng vẫn còn nhiều bất cập. Ta có Luật Doanh nghiệp, nhưng chính sách cụ thể cho doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp thì không có. Chúng ta có Luật Khoa học công nghệ, Luật Khoa học công nghệ cao, nhưng chính sách khoa học công nghệ cao cho nông nghiệp lại chưa có.
Do đó, cần có chính sách hợp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo cơ sở hạ tầng tốt để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư thuận lợi.
Cần có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp về tín dụng, hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và tiếp xúc thương mại, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng, thân thiện với môi trường.
Thùy Dung/ Thời báo kinh tế Sài Gòn (thực hiện)
Không có nhận xét nào: