Do tính thúc bách của thời vụ nên nhu cầu về cây giống tập trung rất lớn vào cùng một thời điểm nhưng khâu quản lý chưa chặt nên vẫn còn đại lý bán giống không rõ nguồn gốc, cũng không loại trừ người dân ham rẻ nên tình trạng giống không đảm bảo chất lượng vẫn còn đất sống.
Ảnh minh họa
Không chỉ các vựa, đại lý bán giống kém chất lượng mà ngay tại một số đơn vị kinh doanh giống cây cũng từng xảy ra tình trạng này. Nhưng nguy cơ cao nhất rơi vào trường hợp các “điểm” bán giống lưu động trên những chiếc xe với lời hứa suông. Nếu mua giống ngắn ngày như lúa, đậu… kém chất lượng, giống không nảy mầm hay nảy mầm yếu hoặc cây kết trái không đều như vụ bắp năm 2013 ở Đồng Nai, mặc dù có sự hỗ trợ từ các đơn vị kinh doanh, nhưng số tiền đó nếu có cũng chỉ bằng với chi phí bỏ ra, còn công lao động cả vụ hay lợi nhuận coi như mất trắng. Nhưng như vậy vẫn còn an ủi.
Với các loại giống cây trồng dài ngày mà kém chất lượng như cây ăn trái, các loại cây công nghiệp (cao su…) thê thảm hơn nhiều. Bởi cả một thời gian dài chờ đợi, hàng năm phải đầu tư vào việc chăm sóc, khi gặp giống kiểu này người nông dân chẳng biết thưa kiện ai. Điển hình là các trường hợp người dân tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Lâm Đồng... bị thiệt hại do mua nhầm giống cao su kém chất lượng, mới trồng đã chết hàng loạt.
Với cây ăn trái, ông Nguyễn Văn Đực (ấp Hòa Bình, xã Bảo Quang, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã khốn đốn khi trồng hơn một hécta sầu riêng giống cơm vàng hạt lép đến năm thứ 7 mà hơn 90% trái bị sượng hoặc không ăn được nên phải chặt bỏ.
Tương tự, không ít bà con ở Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh cũng gặp tình trạng giống sầu riêng kém chất lượng. Bà con cho biết, khi mua giống đại lý nào cũng đảm bảo là giống tốt, năng suất cao, chất lượng và mùi vị thơm ngon. Các đại lý còn hứa, nếu sau này không đúng sẽ bồi thường. Nhưng sầu riêng trồng 5 hoặc 6 năm có trái, lúc đó mới biết giống dỏm, tìm đến đại lý bán giống nhiều khi không còn hoặc họ từ chối thẳng. Ông Lê Văn Tự (ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) trồng 4 sào bưởi, sau 5 năm cây cho trái mới phát hiện giống bưởi kém chất lượng, đành chặt bỏ và trồng lại giống bưởi khác.
Như vậy, khi gặp tình trạng giống kém chất lượng, phần thua thiệt luôn thuộc về nông dân. Với cây trồng hàng năm còn được các công ty hỗ trợ số tiền cũng chỉ gần đủ chi phí đầu vào. Nhưng với giống cây trồng lâu năm, kể như thua trắng tay, chỉ biết chặt bỏ và tự tìm giống khác để trồng. Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý không thể làm ngơ.
Đặng Thành/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: