Hồi đầu năm 2014, dân trồng thanh long xuất khẩu ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận… liên tục thắng đậm bởi giá cao chót vót. Có lúc thanh long ruột đỏ lên cơn sốt từ 50.000 - 60.000 đồng/kg trở lên, còn thanh long ruột trắng cũng có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg… vẫn không đủ hàng để thương lái thu gom xuất sang thị trường Trung Quốc. Do chi phí sản xuất thanh long theo phương pháp xông đèn chỉ 5.000 - 8.000 đồng/kg, vì vậy thời gian qua thanh long được xem là cây trồng “hót” nhất, với lợi nhuận thu về không dưới 400 - 500 triệu đồng/ha.
Ảnh minh họa
Nhiều người bảo nhau “thanh long đang lên đời”, từ đó xuất hiện nhiều tỷ phú thanh long và kéo theo phong trào trồng loại cây này phát triển rầm rộ. Vậy mà, khoảng hơn tuần nay thanh long quay đầu giảm giá thê thảm xuống mức 2.000 - 4.000 đồng/kg, đẩy hàng loạt hộ vào cảnh thua lỗ. Giới thương lái buôn thanh long nhìn nhận, giá giảm sâu do bên Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch nên thị trường này giảm thu mua thanh long từ Việt Nam, cộng với nhiều loại trái cây khác cạnh tranh quyết liệt từ trong nước lẫn xuất khẩu khiến thanh long bị lép vế. Trong khi đó, để xuất thanh long kiểu đại trà sang thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… thì gặp khó do chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.
Khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long, Đồng Tháp… cũng gặp tình cảnh tương tự. Chỉ mới tháng 3-2014 trở về trước, giá khoai lang tím Nhật từ 800.000 - 830.000 đồng/tạ cũng không đủ khoai để xuất sang thị trường Trung Quốc, nay bất ngờ tuột dốc còn 300.000 - 320.000 đồng/tạ bởi thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua.
Ông Huỳnh Văn Quân, Phó chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) chua chát: “Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo nông dân cẩn trọng khi trồng khoai lang tím Nhật diện tích lớn. Bởi loại khoai này chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này giá cả lên xuống không ổn định, tính rủi ro cao…”. Cũng trong quý 1-2014, tôm thẻ chân trắng sốt giá từ 200.000 - 220.000 đồng/kg, vẫn không đủ tôm nguyên liệu để thương lái thu mua xuất thô sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng hiện nay, tôm thẻ giảm xuống mức 80.000 - 95.000 đồng/kg (tùy loại) khiến người nuôi mất ăn mất ngủ.
Vấn đề ở chỗ Trung Quốc là thị trường lớn, đồng thời dễ dãi trong nhập khẩu không đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng… Trong khi đó, một số doanh nghiệp nước ta “thích làm ăn” kiểu lợi trước mắt nên lâu nay chăm bẳm vào thị trường dễ tính này; từ đó ngại đầu tư nâng chất lượng để xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Đến nay, sản xuất và xuất khẩu nông sản vẫn là thế mạnh của nhiều địa phương, đồng thời liên quan tới đời sống của rất đông người dân nông thôn. Để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước nhất, cần có cái nhìn tổng thể, sự khảo sát, tìm hiểu, phân tích nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của nhiều thị trường trên thế giới như: mặt hàng nào, chất lượng ra sao, mẫu mã, giá cả, thời điểm ăn hàng, giao nhận… Việc này ngành công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà tham tán thương mại, các Trung tâm xúc tiến thương mại, hợp tác xã… cần vào cuộc mạnh mẽ tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản. Phía ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân... nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ, rời rạc sang tập trung quy mô lớn có sự đầu tư bài bản; trong đó đột phá về khâu giống để tạo ra sản phẩm nông sản năng suất cao, chất lượng tốt..., đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh trái cây cho biết, nhiều thị trường khác trên thế giới cũng có nhu cầu nhập khẩu thanh long. Vấn đề ở chỗ là nông dân nâng cao chất lượng sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… thì loại trái cây này rộng đường vào EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… với giá xuất cao gấp nhiều lần so với thị trường Trung Quốc.
Một minh chứng cụ thể là vài năm trước quýt Trung Quốc tràn ngập ở nước ta, ngay cả xứ quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) cũng bị thao túng bởi quýt Trung Quốc. Phát hiện quýt Trung Quốc chỉ được màu da đỏ nhưng chất lượng rất kém, ăn không ngon và dễ hư…, các ngành chức năng ở Đồng Tháp, cùng nhà vườn huyện Lai Vung tập trung đầu tư nâng chất lượng, cải thiện mẫu mã trái quýt nội địa vừa ngon vừa đẹp, song song đó xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá… Chỉ trong thời gian ngắn, quýt hồng Lai Vung đã “đuổi” quýt Trung Quốc biến mất dạng.
Hiện tại, nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Đây cũng là dịp để điều chỉnh sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới. Theo đó, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ được đặt lên hàng đầu và mục tiêu cuối cùng là nông dân có thu nhập khá. Vì vậy, linh hoạt trong sản xuất để tạo ra nhiều loại sản phẩm từ trung bình đến cao cấp nhằm đáp ứng đa dạng cho nhiều thị trường khác nhau trên thế giới là vấn đề cấp thiết. Đây cũng là giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Huỳnh Lợi/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: