» » Thị trường cá tra EU - Phần VII: Cá tra tại thị trường Tây Ban Nha

VINAGRI NewsPhần VII của báo cáo “Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU” đưa ra những phân tích cụ thể về thị trường Tây Ban Nha, các nhà bán lẻ chính và xu hướng phát triển bền vững trong chính sách thu mua thủy sản của họ.

Sản phẩm cá tra mang nhãn riêng của El Corte Inglés

Báo cáo được chuyên gia tư vấn Carson Roper và WWF Áo hoàn thành vào tháng 9/2013, trong khuôn khổ "Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá Tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA). Dự án kéo dài từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2017 nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là nước sản xuất và XK cá tra bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.

Báo cáo khái quát tình hình và đưa ra các khuyến nghị đối với cá tra Việt Nam XK sang EU. Đây hiện là những phân tích mới nhất về sản phẩm cá tra tại thị trường này. 

Tiêu thụ thủy sản 

Tây Ban Nha là nhà NK thủy sản lớn thứ 3 thế giới với tổng giá trị 5,9 tỷ USD năm 2009. Nước này đứng thứ 9 trên thế giới về XK thủy sản với kim ngạch 3,47 tỷ USD năm 2009. Với mức bình quân tiêu thụ thủy sản 37kg/người/năm, Tây Ban Nha được ngành công nghiệp khai thác toàn cầu công nhận là một thị trường quan trọng. Tây Ban Nha là nước XK thủy sản lớn nhất tại EU với khối lượng 992.489 tấn thủy sản, các sản phẩm nuôi trồng và chế biến, chiếm 17% tổng lượng thủy sản tại EU.

Theo số liệu của FAO năm 2010, Tây Ban Nha có mức bình quân tiêu thụ thủy sản cao thứ 2 tại EU với 39kg, sau Bồ Đào Nha với 59kg. Tuy nhiên, FAO dự đoán tiêu thụ thủy sản của Tây Ban Nha sẽ vẫn không thay đổi vào năm 2030 trong khi Bồ Đào Nha giảm còn 57kg vì nguyên nhân kinh tế. Phần còn lại của khối EU cũng được dự báo tăng bình quân tiêu thụ thủy sản vào năm 2030.

Các món thủy sản Tây Ban Nha từ lâu đã gắn liền với sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với cá muối (còn gọi là bacalo trong tiếng Tây Ban Nha). Năm 2012, trong nhóm cá thịt trắng NK, Tây Ban Nha chủ yếu NK cá tuyết hake dạng H&G và philê, tiếp đến là cá tra. NK cá tra vào Tây Ban Nha giảm từ 44.835 tấn năm 2011 xuống còn 33.617 tấn năm 2012. Theo Hiệp hội Thủy sản Tây Ban Nha (Conxemar), năm 2012, NK các loài cá thịt trắng khác như cá minh thái Alaska và cá rô phi giảm, nhưng NK surmi tăng đáng kể.

Giống như tình trạng của hầu hết các sản phẩm cá thịt trắng khác, NK cá tra vào Tây Ban Nha năm 2012 giảm so với năm trước đó. Trong phân khúc bán lẻ, hầu hết cá và thủy sản được kinh doanh tại các siêu thị.

Khó khăn kinh tế tại Tây Ban Nha ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người tiêu dùng và ngành bán lẻ. Ngành bán lẻ phải đối mặt với suy giảm kéo dài, làm thay đổi thói quen mua sắm như: giảm chi tiêu cho mua sản phẩm, quay sang các sản phẩm giá thấp và bán giảm giá đặc biệt. Tình trạng này thách thức các công ty xem lại khả năng thích ứng với thực tế thị trường và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.

Xu hướng phát triển bền vững

Các chuỗi siêu thị tại Tây Ban Nha được Tổ chức Greenpeace đánh giá và xếp loại về thu mua bền vững. Tuy vẫn có tới 4 nhà bán lẻ bị đánh giá “màu đỏ” (thể hiện chưa đạt tiêu chuẩn), nhưng thị trường này vẫn có sự tiến bộ trong việc hướng tới thu mua có trách nhiệm và minh bạch hơn trong ngành bán lẻ trong giai đoạn từ 2008 – 2011. Các tiêu chí đánh giá nhà bán lẻ của Greenpeace bao gồm: chính sách thu mua thủy sản bền vững; ngừng bán những sản phẩm “tồi tệ nhất” hoặc không bền vững từ những nghề nuôi và khai thác thủy sản; quảng bá cho những sản phẩm “tốt nhất” hoặc bền vững nhất từ những nghề nuôi và khai thác thủy sản; thiết lập truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung cấp và cam kết không bán sản phẩm thủy sản khai thác IUU; không bán thủy sản nằm trong danh sách đỏ của Greenpeace; đối thoại minh bạch với người tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ chính

Lĩnh vực bán lẻ tại Tây Ban Nha được chia thành 4 phân khúc: đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng có giá chiết khấu và các cửa hàng chuyên bán thủy sản. Năm 2011 có 7 nhà bán lẻ chính tại Tây Ban Nha.

Theo báo cáo của Tập đoàn Auchan năm 2012 về thị trường bán lẻ tại Nam Âu, các nước Nam Âu phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế bằng 0 thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2012. Thất nghiệp tiếp tục tăng, chính phủ tăng cường các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đã tác động lên sức mua của các hộ gia đình.

Mercadona: Là công ty gia đình sở hữu 1.433 siêu thị tại Tây Ban Nha tính đến ngày 24/7/2013. Báo cáo thường niên năm 2012 của Mercadona đưa ra “nguyên tắc vàng” của công ty và các ưu tiên liên quan đến sản phẩm khác.

“Đối với tất cả các sản phẩm của Mercadona, an toàn thực phẩm là một giá trị không thể thương lượng. Và giá trị này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vào năm 2012, thể hiện sự tiến bộ của công ty trong việc hướng tới nguyên tắc nền tảng này. Mỗi sản phẩm được bán tại Mercadona đều phải tuân thủ Nguyên tắc vàng của công ty, bao gồm: tất cả các sản phẩm đều đảm bảo an toàn chất lượng, chất lượng sản phẩm, sự thu hút khách hàng, cung cấp dịch vụ, có giá cạnh tranh và mang lại lợi nhuận.” Chính sách thu mua thủy sản được nêu trong Chính sách Môi trường của Mercadona năm 2011/2012.

Carrefour Group:  Tính đến cuối năm 2012, chi nhánh Carrefour tại Tây Ban Nha có tổng cộng 173 đại siêu thị, 115 siêu thị và 105 cửa hàng tiện dụng. Năm 2012, Carrefour áp dụng biện pháp tăng tối đa sức mua của người tiêu dùng tại 1.366 đại siêu thị của tập đoàn. Carrefour đưa ra chiến dịch giá cạnh tranh trên thị trường và duy trì mức giá không thể đánh bại được. Các chương trình bao gồm “Đảm bảo giá rẻ nhất” tại Pháp và bán giá thấp với hơn 4.000 sản phẩm thực phẩm tại Tây Ban Nha. Cam kết về chất lượng của Carrefour thể hiện sự đảm bảo rằng các hoạt động nuôi trồng thủy sản tôn trọng môi trường. Năm 2010, Carrefour công bố báo cáo có tên “Những cột mốc trong phát triển bền vững”. Các vấn đề trong nuôi trồng thủy sản được giải quyết như mật độ thả nuôi, thức ăn và sử dụng thuốc thú y trị bệnh.

Eroski Group:  Eroski là thành viên của Tổ chức Hợp tác quốc tế Alidis cùng với Edeka của Đức và Intermarché của Pháp. Tính đến tháng 2/2012, Eroski có 105 đại siêu thị và 989 siêu thị. Tuy nhiên, tập đoàn này công bố năm thứ 2 liên tiếp kinh doanh thua lỗ vào tháng 5/2012. Tháng 10/2010, Eroski hợp tác với WWF Tây Ban Nha tăng cường sự phát triển bền vững của thủy sản nuôi và khai thác. Eroski cũng ưu tiên các nhà cung cấp tham gia Đối thoại Nuôi trồng thủy sản. Tháng 2/2012, Eroski công khai phản hồi của khách hàng đối với sản phẩm thủy sản. Eroski cũng tiến hành thăm dò về thói quen tiêu dùng thủy sản tại Tây Ban Nha. Trong đó, tất cả những người được hỏi đều cho biết họ thích thủy sản khai thác bằng các biện pháp thân thiện với môi trường hơn, tuy nhiên chỉ có 43% chỉ rõ biện pháp hoặc ý tưởng khai thác cụ thể. Gần 50% ủng hộ thu mua bền vững thủy sản. Eroski nhận định cần thiết phải hỗ trợ và công bố các sáng kiến về khai thác bền vững, bởi người tiêu dùng rất coi trọng điều này. Năm 2012, Eroski đã phát triển chuỗi thủy sản nuôi tự nhiên bao gồm cá tuyết cod Đại Tây Dương, cá hồi Đại Tây Dương, cá chẽm, cá hồi ráng và cá bơn.

Dia: Là chuỗi bán lẻ chiết khấu giá tách ra từ tập đoàn Carrefour của Pháp năm 2012, chủ yếu hoạt động tại Tây Ban Nha, Pháp và Tây Ban Nha. Dia đã thoát khỏi nguy cơ sụt giảm doanh số bán lẻ tại thị trường nội địa nhờ khách hàng quay sang các sản phẩm giá rẻ. Ngoài Tây Ban Nha, Dia cũng đặt các cửa hàng bán lẻ tại Argentina, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Tây Ban Nha, mô hình bán lẻ với giá chiết khấu này đóng vai trò rất quan trọng với 2.925 cửa hàng và doanh thu 4,9 tỷ USD. Trong Báo cáo Phát triển bền vững năm 2012, Dia nêu 5 lĩnh vực được coi là nền tảng của việc quan tâm tới môi trường: quản lý nguồn nước phù hợp; quản lý năng lượng hiệu quả; giảm sử dụng bao gói nylon; công nghệ bao gói sản phẩm sáng tạo; giảm thiểu tác động môi trường của các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tất cả các sản phẩm mang nhãn của Dia đều phải tuân thủ các yêu cầu cụ thể. Về chọn lựa nhà cung cấp cho các sản phẩm mang nhãn riêng của Dia, các nhà cung cấp cần vượt qua cuộc thẩm định nghiêm ngặt để đạt chứng nhận đảm bảo sự an toàn thực phẩm tại từng nhà máy chế biến sản phẩm cho Dia. Họ phải tuân thủ điều kiện nền tảng là phải tham tham gia và vượt qua cuộc kiểm định bởi người tiêu dùng, nhằm đánh giá ý kiến của người tiêu dùng về sản phẩm, chủ yếu là đánh giá cảm quan. Tất cả các sản phẩm của Dia đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn về phân tích cảm quan. Dia dán nhãn riêng cho các sản phẩm thủy sản đông lạnh, bao gồm cả cá tra.

Auchan Group: Alcampo: Là chi nhánh của Tập đoàn Auchan, hoạt động chủ yếu tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Luxembourg. Alcampo có 55 đại siêu thị và 123 cửa hàng tại thị trường Tây Ban Nha. Sau khi bị Greenpeace chỉ trích làm hại đại dương vào tháng 3/2009, Alcampo đã bảo vệ chính sách thu mua của công ty và tuyên bố coi nuôi trồng thủy sản bền vững như một yếu tố bổ sung nhằm đảm bảo nguồn cung thủy sản. Alcampo đã phát triển nhãn đặc biệt “Sản xuất được kiểm soát của Auchan” (APC) trên sản phẩm, thể hiện sản phẩm có khả năng đảm bảo chất lượng, độ tươi và an toàn thực phẩm, giữ được hương vị thực, chú ý đến sức khỏe động vật và giảm tác động môi trường. Alcampo giới thiệu về chính sách thu mua thông qua cuốn sách trực tuyến có tên gọi “Bảo vệ biển là bảo vệ tương lai của chúng ta”.

El Corte Ingles Group: Gồm mạng lưới đại siêu thị Hipercor và mạng lưới siêu thị Supercor, nhưng doanh số của hai mạng lưới này giảm lần lượt 33,5% và 9,8%. El Corte Inglés áp dụng chính sách thu mua thủy sản bền vững và có trách nhiệm năm 2011. Tập đoàn hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp để đạt được thỏa thuận về chất lượng, an ninh và an toàn của các đại dương và các loài thủy sản. Với dự án đầy kỳ vọng bao gồm rất nhiều bước thực hiện và đánh giá này, El Corte Inglés đặt mục tiêu đóng góp vào việc bảo tồn các loài sinh vật biển đồng thời đáp ứng được nhu cầu tương lai của khách hàng, hỗ trợ cho việc duy trì các ngành công nghiệp khai thác thủy sản. Về trách nhiệm xã hội của DN, El Corte Inglés tham gia GlobalGap và đánh giá đây là chương trình chứng nhận nuôi trồng lớn nhất trên thế giới. El Corte Inglés cung cấp 100% cá hồi tươi và 50% cá hồi ráng tươi đạt chứng nhận GlobalGAP.

Lidl:  Trang web của Lidl có mục “Cẩm nang thủy sản” với một trang thông tin liên kết về “nghề cá bền vững”. Với phần lớn các trang liên kết trên trang web liên quan đến nghề cá bền vững và MSC, Lidl đưa ra tuyên bố về nuôi trồng thủy sản và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, trang web của Lidle còn có trang liên kết về thủy sản và nghề cá, khu vực khai thác, từ điển bách khoa về thủy sản, phần hỏi đáp. Cá tra cũng được đưa vào từ điển thủy sản của Lidl.

Thị trường bán lẻ Tây Ban Nha đang có bước tiến trong việc xây dựng những hướng dẫn về chứng nhận minh bạch toàn diện đối với chính sách thu mua thủy sản với minh chứng là sự xếp loại các siêu thị của Greenpeace và báo cáo của các công ty. Tuy nhiên, sự tiến bộ này cũng gặp trở ngại do điều kiện kinh tế u ám, khiến các nhà bán lẻ phải áp dụng các chiến lược bán hàng bằng cách giảm giá để giữ thị phần.

Ngọc Hà/ vasep

Xem thêm:

Thị trường cá tra EU - Phần I: Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: