» » Thị trường cá tra EU - Phần III: Đánh giá của các nhà bán lẻ

VINAGRI NewsPhần III của Báo cáo “Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU” đưa ra những ý kiến, phản hồi từ lĩnh vực bán lẻ tại một số nước EU, đặc biệt là các nhà NK và kinh doanh thủy sản nuôi, về tính bền vững của con cá tra nuôi tại Việt Nam. Có 11 nhà bán lẻ hàng đầu tại thị trường Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh đã tham gia trả lời 14 câu hỏi do nhóm thực hiện báo cáo đưa ra. Đây là bước hỗ trợ để nâng cao nhận thức về sản phẩm cá tra tại thị trường Châu Âu.


Phản hồi của các nhà bán lẻ được tổng hợp như sau:

Quý công ty có kinh doanh cá tra không? Nếu có, đó là loại sản phẩm nào (đóng hộp, ướp lạnh và đông lạnh)?

Tất cả các nhà bán lẻ tham gia phỏng vấn đều kinh doanh cá tra, gồm các sản phẩm cá hộp, ướp lạnh và đông lạnh.

Cửa hàng của quý công ty có sản phẩm cá tra dán nhãn riêng không? Nếu có, sản phẩm có được ghi rõ thông tin về chứng nhận sinh thái, an toàn thực phẩm, mạ băng và có chứa hàm lượng tri-polyphosphate hay không?

Cá tra được bán cả dưới nhãn riêng của nhà bán lẻ và lẫn nhãn thương hiệu riêng, với ASC, GlobalGAP, GAA 4 sao và nhãn sinh thái là những chương trình chứng nhận bền vững được nếu cụ thể. Chương trình tiêu chuẩn của Tổ chức Sáng kiến An toàn thực phẩm Toàn cầu (GFSI) giữ vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến. Nhiều nhà bán lẻ có các chính sách về việc sử dụng chất tri-polyphosphates natri, axit citric hay các chất phụ gia khác. Mạ băng cũng là một vấn đề gây lo ngại.

Quý công ty yêu cầu những chứng nhận nào cho sản phẩm cá nuôi (ví dụ ASC, Freedom Food, GAA, GlobalGAP và/hay Naturland) và tại sao?

Yêu cầu đối với chương trình chứng nhận dao động từ: không yêu cầu một chương trình chứng nhận nào; yêu cầu có một chứng nhận như GAA (nhiều cấp độ khác nhau) hay ASC, GlobalGAP; yêu cầu kết hợp các chứng nhận ASC, GAA và GlobalGAP…

Giá cá tra có là yếu tố quan trọng với quý công ty không? Tại sao?

Giá cả có vai trò quan trọng đối với cá tra. Cá tra được đưa vào nhóm sản phẩm có thể “thắt chặt chi tiêu”.

Quý công ty có liên hệ trực tiếp với các DN cá tra tại Việt Nam hay thu mua thông qua chuỗi cung cấp?

Phần lớn các nhà bán lẻ được phỏng vấn làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp ở nước họ và có rất ít liên hệ với các DN cá tra Việt Nam.

Quý công ty có phụ thuộc nhiều vào giá cả, chất lượng và dịch vụ khi đưa ra quyết định thu mua cá tra hay không? Tại sao?

Tuy giá cá tra là vấn đề rất được quan tâm, nhưng chất lượng sản phẩm mới có vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo quý công ty làm thế nào để quảng bá về chính sách bền vững hiệu quả nhất (qua trang web, nhãn sinh thái trên sản phẩm, thông tin hướng dẫn tại các điểm bán thủy sản hoặc quảng cáo hàng tuần)?

Các nhà bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào các nhãn sinh thái để quảng bá tính bền vững của thủy sản khai thác tự nhiên. Nhãn ASC đang trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường. Các trang web chủ yếu tuyên truyền về các chính sách cụ thể. Ngoài ra còn có các công cụ khác như tạp chí tiêu dùng hay gửi bản tin hàng tuần. Thông thường rất khó để thông tin cho khách hàng tất cả các hoạt động của công ty nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn và bền vững.

Quý công ty có lập hồ sơ về khách hàng tiêu thụ thủy sản thông thường không? Điều gì khiến họ mua thủy sản, nhất là cá tra? Hành vi của người tiêu dùng thủy sản có thể dự đoán được hay đang thay đổi?

Khách hàng dựa vào nhà bán lẻ để hành động có trách nhiệm trong việc mua thủy sản. Giá cả là một trong những động cơ để họ mua cá tra. Cá tra dễ chế biến, có hương vị thơm và không có xương cũng là những yếu tố thu hút khách hàng.

Hãy nêu những thông tin về cá tra mà quý công ty biết, thông tin đó có gây lo ngại không? Nếu có, cần phải làm gì để cải thiện hình ảnh của con cá tra đối với quý công ty và khách hàng?

Có cả những thông tin tốt và không tốt về cá tra trên thị trường. Một mặt, cá tra được biết đến là loài cá có giá hợp lý thu hút nhóm khách hàng muốn mua sản phẩm có hương vị nhẹ nhàng và không xương. Mặt khác, các nhóm lợi ích trong ngành cá nuôi và khai thác tại EU coi cá tra là đối thủ cạnh tranh trên thị trường nên tuyên truyền thông tin tiêu cực về cá tra. Truyền thông hiện là công cụ để bôi xấu hình ảnh cá tra. Chương trình chứng nhận có thể giúp cải thiện tình hình nhưng không thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Các vấn đề gây lo ngại bao gồm: sức khỏe động vật, sử dụng thành phần thức ăn biến đổi gen, an toàn thực phẩm (sử dụng kháng sinh, hóa chất và hoocmon tăng trưởng), truy xuất nguồn gốc và các vấn đề xã hội. Chất lượng sản phẩm là vấn đề được quan tâm nhất.

Quý công ty có sẵn sàng trả thêm chi phí cho sản phẩm đạt chứng nhận không? Liệu khách hàng có muốn trả thêm tiền cho sản phẩm đạt chứng nhận không? Tại sao?

Các nhà bán lẻ sẵn sàng trả thêm chi phí cho một sản phẩm chất lượng hơn là cho sản phẩm được chứng nhận. Còn khách hàng không muốn trả thêm tiền cho sản phẩm chứng nhận do họ không thực sự hiểu về các chứng nhận.

Các nhà cung cấp cá tra cho quý công ty có giải thích rõ những điểm khác biệt giữa cá tra đạt chứng nhận và cá chưa được chứng nhận về mặt nguyên liệu chế biến sản phẩm và hoạt động sản xuất?

Có rất ít sự trao đổi thông tin về những khác biệt giữa cá tra đạt chứng nhận và cá chưa được chứng nhận về mặt nguyên liệu chế biến sản phẩm và hoạt động sản xuất.

Nếu có, những điểm khác biệt đó có quan trọng không và quý công ty đã làm thế nào để khiến chúng có giá trị?

Do thiếu sự trao đổi thông tin nên không thể trả lời được câu hỏi này.

Quý công ty làm thế nào để phản hồi với các nhà cung cấp cá tra của mình (phản hồi trực tiếp, qua điện thoại hoặc thư tín)?

Hầu hết các nhà bán lẻ đều phản hồi lại cho nhà cung cấp tại nước họ. Ngoài ra, rất nhiều nhà thu mua đã tới Việt Nam thăm trại nuôi và nhà máy chế biến. Tuy nhiên đó không phải là hình thức liên hệ chính.

Quý công ty có mong muốn biết thêm thông tin về hoạt động nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam không?

Các nhà bán lẻ đều muốn biết thêm thông tin về cá tra, tuy nhiên vấn đề này cần có thời gian. Các nhà bán lẻ mong muốn nhận được những thông tin tích cực về cá tra từ ngành cá tra tại Việt Nam.

Phần IV: Cá tra tại thị trường Đức

Phần IV của báo cáo đưa ra phân tích cụ thể về thị trường Đức. Tổ chức FAO dự đoán bình quân tiêu thụ thủy sản của Đức sẽ tăng từ 11kg/người vào năm 1989 lên 18kg/người vào năm 2030. Tuy nhiên Trung tâm Thông tin thủy sản Đức cho biết bình quân tiêu thụ đã giảm từ 15,2kg xuống còn 14,9kg năm 2012. Theo FAO, bình quân tiêu thụ thủy sản của Tây Ban Nha là 39kg, Anh 24kg và Hà Lan 15kg. Ngược lại, một thị trường NK cá tra hàng đầu khác là Mỹ có bình quân tiêu thụ thủy sản giảm từ 7kg xuống 6,8kg. Tuy nhiên, bình quân tiêu thụ chỉ là một khía cạnh đánh giá tiêu thụ thủy sản. Với dân số gần 80,2 triệu người năm 2011, dự đoán tiêu thụ thủy sản của Đức đạt 1,19 triệu tấn. Tuy dân số giảm nhưng Đức vẫn là nước tiêu thụ cá và thủy sản đứng thứ 5 tại Châu Âu.


Theo báo cáo năm 2012 của Trung tâm Thông tin thủy sản Đức, 10 loài cá được tiêu thụ nhiều nhất tại Đức lần lượt là: cá minh thái Alaska, cá trích, cá hồi, cá ngừ (bonito), cá tra, cá hồi ráng, cá tuyết lục, cá hồi đỏ, cá tuyết hake và cá tuyết cod. Các loài thủy sản nuôi như nhuyễn thể và giáp xác chiếm 11,7% tổng lượng tiêu thụ năm 2010.  Tốp 5 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất chiếm 71,7% tổng lượng tiêu thụ thủy sản năm 2010 và chiếm 70,3% tổng lượng tiêu thụ năm 2011. Cá hồi ráng chiếm 4% tổng lượng tiêu thụ, xếp thứ 6 sau cá tra. Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, tôm chiếm gần 27% tổng lượng tiêu thụ thủy sản và tốp 5 loài thủy sản năm 2011 lần lượt là tôm, cá ngừ hộp, cá hồi, cá minh thái và cá rô phi. Cá tra đứng thứ 6 với 4,2% tổng lượng tiêu thụ thủy sản của Mỹ.

Phần lớn thủy sản tại Đức được bán tại các siêu thị, quầy hàng thủy sản. Cá đông lạnh được mua nhiều nhất, tiếp đến là cá hộp và cá tẩm ướp. Cá tươi chiếm 9% tổng lượng tiêu thụ và chiếm ưu thế tại các siêu thị.

(Còn tiếp)

Ngọc Hà/ vasep

Xem thêm:

Thị trường cá tra EU - Phần I: Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: