» » Thị trường cá tra EU - Phần IV: Cá tra tại thị trường Đức

VINAGRI NewsPhần IV của báo cáo “Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU” đưa ra những phân tích cụ thể về thị trường Đức. Tổ chức FAO dự đoán bình quân tiêu thụ thủy sản của Đức sẽ tăng từ 11kg/người vào năm 1989 lên 18kg/người vào năm 2030, nhưng Trung tâm Thông tin thủy sản Đức cho biết bình quân tiêu thụ đã giảm từ 15,2kg xuống còn 14,9kg năm 2012. Đức là nước tiêu thụ thủy sản đứng thứ 5 tại Châu Âu.

Sản phẩm cá tra dán nhãn ASC của công ty Edeka tại Đức

Dự đoán dân số của Đức sẽ giảm xuống còn 79,4 triệu người vào năm 2030, nhưng tổng lượng tiêu thụ thủy sản của thị trường này tăng do tiêu thụ bình quân đầu người tăng. Về dài hạn, NK thủy sản của Đức sẽ tiếp tục tăng.

Năm 2011, tiêu thụ cá tra tại thị trường Đức giảm so với năm trước đó, tuy nhiên, các loài cá có giá trị như cá minh thái Alaska và cá trích không tận dụng được xu hướng giảm của cá tra. Giai đoạn này, tiêu thụ cá minh thái Alaska ổn định và chiếm tỷ trọng 23,3%. Tiêu thụ cá trích giảm 1,5%,  tiêu thụ cá ngừ hộp tăng 1,2%.

Phần lớn cá tiêu thụ tại thị trường Đức là hàng đông lạnh, giống như sản phẩm cá tra. Hầu hết thủy sản đông lạnh được bán tại các chuỗi bán lẻ với giá chiết khấu.

Các tổ chức phi chính phủ như WWF hoạt động rất tích cực tại thị trường Đức nên người tiêu dùng nước này được cung cấp đầy đủ thông tin về nhãn sinh thái MSC và các vấn đề trong nuôi trồng thủy sản. Các nhà bán lẻ và chuỗi cung cấp tại Đức công bố chính sách thu mua thủy sản trên trang web riêng với thông tin về nhiều chương trình chứng nhận.

Kinh tế Đức hiện đang khó khăn, nhiều nhà bán lẻ và công ty thủy sản công bố giảm doanh thu. Theo báo cáo thường niên của công ty FRoSTA, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản đông lạnh năm 2012 trầm lắng trong khi sản xuất trong ngành chế biến dư thừa khiến thủy sản rớt giá.

Ngoài nhãn ASC và MSC, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp đang sử dụng các nhãn thủy sản khác để quảng bá về chất lượng và tính bền vững của sản phẩm. Công ty Edeka đã đăng logo hình gấu trúc của WWF bên cạnh nhãn MSC. Công ty Rewe cũng phát triển nhãn hiệu thủy sản Pro Planet riêng. Các nhà cung cấp như bofrost*, Femeg, FRoSTA, Lenk và TransGourmet đưa ra các slogan về chất lượng và tính bền vững của công ty vào trong con dấu và nhãn hàng trên sản phẩm. Tính đến ngày 21/6/2013, có 35 công ty tại Đức đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Các tổ chức phi chính phủ đã hoạt động rất hiệu quả trong việc truyền thông về khía cạnh môi trường của phát triển bền vững thông qua việc tuân thủ các chính sách thu mua cá và thủy sản tại Đức.

Chứng nhận cho thủy sản nuôi

Tại Đức có 5 chương trình chứng nhận chính cho nuôi trồng thủy sản:

- Euro bio (tiền thân là Tiêu chuẩn sinh thái quốc gia Đức) – cho sản phẩm sinh thái

- Naturland – cho sản phẩm sinh thái

- Friend of the Sea – về các vấn đề môi trường

- Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản – về cả vấn đề môi trường và xã hội

- GlobalGAP – về sức khỏe động vật, môi trường, an toàn thực phẩm, xã hội và truy xuất nguồn gốc.

“Bio” hay chứng nhận sinh thái được xem là tiêu chuẩn đáng tin cậy nhất cho các sản phẩm thủy sản nuôi. Tiêu chuẩn này giải quyết các mối lo ngại về sử dụng nguyên liệu biến đổi gen (GMO) trong chế biến thức ăn nuôi thủy sản. Bên cạnh đó còn có các vấn đề về sức khỏe của động vật.

Người tiêu dùng Đức được cung cấp nhiều thông tin về các chương trình dán nhãn. Ví dụ, nhãn sinh thái của Hội đồng Quản lý Biển (MSC) được công nhận và biết đến nhiều nhất tại châu Âu. 25% số người tiêu dùng thủy sản Đức có thể nhận biết và miêu tả về logo của MSC như một dấu hiệu của thủy sản bền vững/thân thiện với môi trường. Con số này năm 2010 là 17%.

Các nhà bán lẻ và cung cấp dịch vụ thực phẩm hàng đầu

Năm 2012, 5 nhà bán lẻ hàng đầu của Đức (Metro Group, Schwartz Group, Aldi, Rewe Group và Edeka) đều nằm trong tốp 25 nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Hai nhà bán lẻ Metro Group và Schwartz Group thuộc tốp 5 nhà bán lẻ lớn nhất thế giới.

Metro Group: Với doanh thu 66.739 triệu EUR, tập đoàn Metro đứng thứ 4 thế giới vào năm 2011. Metro có 2 hình thức kinh doanh thực phẩm: “Cash & Carry” dành cho khách hàng thương mại và “real-“ hệ thống phân phối đại siêu thị. Năm 2011, doanh thu của Cash & Carry đạt 31.636 triệu EUR (+1,7%) còn real- đạt 11.017 triệu EUR (-0,1%). Hệ số biên lợi nhuận trước thuế và vay lãi (EBIT) của Cash & Carry giảm 17,5% còn real- giảm 23,6%. Metro đang rất nỗ lực để đạt tăng trưởng bền vững về doanh thu và lợi nhuận. Để thực hiện mục tiêu này, tập đoàn đã đưa ra chiến lược xây dựng giá trị cho người tiêu dùng (chiến lược lấy người tiêu dùng làm trung tâm). Năm 2012, Metro đưa ra chính sách an toàn thực phẩm với tuyên bố “việc tuân thủ các chứng nhận về an toàn thực phẩm được GFSI công nhận là yếu tố bắt buộc khi hợp đồng ký kết với các nhà cung cấp của Metro.” Báo cáo về Tính bền vững năm 2011 khẳng định việc tuân thủ các tiêu chuẩn về xã hội là một phần trong những hoạt động bền vững của tập đoàn. Metro đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về người lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hướng dẫn OECD cho Các công ty đa quốc gia. Các nhà cung cấp của Metro được yêu cầu tôn trọng nhân quyền và đảm bảo điều kiện lao động công bằng. Metro cũng đưa Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc (UN Global Compact) vào kế hoạch thực hiện các ý tưởng bền vững của mình.

Schwartz Group: Tập đoàn này có 2 công ty con là Lidl (các điểm bán lẻ với giá chiết khấu) và Kaufland (các đại siêu thị). Tính đến năm 2013, Lidl có mặt tại 29 nước châu Âu. Schwartz Group chủ yếu quảng bá các loài thủy sản nuôi như cá hồi Đại Tây Dương, cá hồi ráng, tôm trên trang web, cá tra và cá rô phi được quảng bá trong phiên bản trước đó. Lidl hợp tác với Nhóm Đánh giá Nguồn lợi thủy sản (MRAG) để đánh giá tính bền vững của sản phẩm; đồng thời truyền thông về nhãn MSC và nhãn “An toàn Cá heo” của Earth Island Institute trên trang web và công nhận ASC là chương trình chứng nhận cho thủy sản nuôi.

Kaufland có mặt 6 nước châu Âu là Ba Lan, Séc, Slovakia, Romania, Bulgaria và Croatia. Công ty này coi  các chương trình chứng nhận Bio; GlobalG.A.P.; AquaGAP và ASC (Naturland và Friend of the Sea) là các yêu cầu tối thiểu cần phải đáp ứng. Trang web của Kaufland cũng quảng bá cá rô phi đạt chứng nhận ASC.

Aldi: là nhà bán lẻ đứng thứ 3 tại Đức và thứ 8 trên thế giới, tập đoàn này có 2 công ty con Aldi Markt và Aldi Süd. Aldi Markt có mặt tại Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Aldi Süd có mặt tại Úc, Áo, Đức, Anh, Hungary, Ireland, Slovenia, Thụy Sĩ và Mỹ.

Aldi Markt có trang web riêng quảng bá tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản với các chương trình chứng nhận chính là GlobalGAP, ASC và Bio. Theo Aldi Markt, nuôi trồng thủy sản bền vững phải đáp ứng các tiêu chí: tôn trọng hệ sinh thái; sức khỏe động vật – mật độ nuôi; thức ăn – không dùng nguyên liệu khai thác IUU; sản phẩm được chứng nhận của GlobalGAP, ASC, Bio; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng hay hoocmôn; quản lý nước và chất thải; không dùng hóa chất, kháng sinh để phòng dịch bệnh; công khai thông tin về sử dụng kháng sinh, hóa chất; các biện pháp phòng bệnh; không sử dụng trứng và con giống khai thác tự nhiên; không sử dụng nguyên liệu từ động vật biến đổi gien hoặc thức ăn có thành phần nguyên liệu biến đổi gen; bảo vệ đa dạng sinh học; các tiêu chuẩn về xã hội – ILO/BSCI; hướng dẫn về chế biến thân thiện với môi trường; và truy xuất nguồn gốc và chuỗi hành trình sản phẩm. Aldi Süd cũng đưa các chương trình chứng nhận và các yêu cầu về sản phẩm nuôi tương tự lên trang web dành cho thủy sản bền vững của mình.

Rewe Group: gồm hai hệ thống phân phối là Penny Market (các điểm bán lẻ với giá chiết khấu) và toom Markt (các bách hóa) tại Đức. Bước ngoặt lớn nhất của Rewe là công bố Cẩm nang về Hoạt động kinh doanh bền vững vào năm 2011, với các giá trị cốt lõi dựa trên các quy định của Liên hợp quốc như Tuyên ngôn Nhân quyền, các hiệp định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc. Chiến lược phát triển bền vững của Rewe là bảo vệ các loài thủy sản bị đe dọa và thúc đẩy khai thác bền vững. Cung cấp bền vững thủy sản giúp đóng góp vào việc duy trì các nguồn trữ lượng thủy sản có giá trị. Nghề cá bền vững là mối quan tâm của Rewe cũng như khách hàng, nhà cung cấp của công ty và các nhóm lợi ích liên quan. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt giữa sản phẩm bền vững và không bền vững, nhất là khi ngày càng có nhiều cơ quan và tổ chức phi chính phủ đưa ra những khuyến nghị khác nhau khiến người tiêu dùng lúng túng. Do đó Rewe đã xây dựng một danh sách hướng dẫn riêng, xem xét các nguồn cá từ những vùng khác thác và khai thác bằng những phương pháp được đánh giá bởi các tổ chức: Greenpeace (Đức), Seafood Watch (Mỹ, Đối tác Nghề cá bền vững (SFP) của Indonesia và Mỹ, WWF Đức. Rewe rút các loài thủy sản đang bị đe dọa ra khỏi danh sách thu mua và thêm vào các loài ít bị đe dọa hơn. Ngoài ra, phát triển kinh doanh các sản phẩm dán nhãn MSC. Rewe cập nhật danh sách này hàng năm và luôn quan tâm tới tình trạng trữ lượng để có phản ứng nhanh chóng. Rewe đã xây dựng nhãn hiệu “Pro Planet” thể hiện sự thu mua có trách nhiệm với mô hình phát triển bền vững “con người, hành tinh và lợi nhuận”; đồng thời tập trung vào giảm thiểu các vấn đề nóng liên quan đến thực phẩm (như nguyên liệu biến đổi gen trong thức ăn thủy sản).

Edeka: là nhà bán lẻ lớn thứ 5 của Đức, đứng thứ 11 trên thế giới. Tập đoàn này có mạng lưới đại siêu thị, siêu thị truyền thống, bách hóa tại thành phố và buôn bán cash& carry. Edeka cũng sở hữu chuỗi bách hóa Netto Marken-Discount. Với sự hỗ trợ của WWF Đức, Edeka đã thực hiện chương trình bền vững đối với thủy sản khai thác. WWF cũng đang tư vấn cho Edeka về thủy sản nuôi. Tập đoàn này kinh doanh cá tra philê dán nhãn ASC. Edeka giới thiệu tiêu chuẩn ASC trên trang web với các tiêu chí: xác định các tác động của nuôi trồng lên môi trường đất và nước, quản lý nước và chất thải, đa dạng sinh học, thức ăn có trách nhiệm, sử dụng hóa chất/thuốc thú ý và các vấn đề xã hội (người lao động và cộng đồng). Ngoài ra, trang web của Edeka còn giới thiệu về Bioland và Naturland.

Các nhà bán lẻ khác

apetito: Có thị trường tại Canada, Pháp, Hà Lan và Anh, công ty này khinh doanh thủy sản dưới thương hiệu apetito, Costa và Minus L. Bên cạnh GlobalGAP, Apetito coi chương trình chứng nhận ASC là nền tảng bền vững của DN đối với nuôi trồng thủy sản. Công ty đã đạt chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Appel Feinkost: sản xuất thủy sản đóng hộp trong đó có sản phẩm cá tra. Trang web của công ty này giới thiệu về tiêu chuẩn BRC/IFS và GlobalGAP cho nuôi trồng thủy sản. Appel Feinkost đã đạt chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Binca Seafoods: công ty này có 2 trại nuôi hợp tác với đối tác tại Việt Nam để sản xuất cá tra theo tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP và Naturland. Trang web về cá tra của Binca giới thiệu về triển vọng về chứng nhận của công ty thông qua chuyên mục Hỏi - Đáp “Những điều bạn cần biết về nuôi cá tra”.

bofrost*:  cam kết hỗ trợ cho chứng nhận ASC trong cuốn giới thiệu sản phẩm của công ty. Bofrost* kinh doanh cá rô phi và cá tra đạt ASC. Các chương trình chứng nhận ASC, BRC/IFS, GlobalGAP và HACCP được giới thiệu trên trang web của công ty như một tiêu chuẩn (nhãn) đảm bảo chất lượng của cá tra.

Costa: là một chi nhánh của “apetito”, chuyên kinh doanh thủy sản nuôi như cá tra, tôm, cá hồi và cá rô phi. Costa đang cung cấp cá tra đạt ASC tại Đức. Chính sách thu mua của công ty hỗ trợ cho chương trình chứng nhận GlobalGAP và ASC. Sản phẩm cá rô phi của Costa có dán nhãn ASC nhưng sản phẩm cá tra hiện chưa được phát triển theo hướng này.

Crutimex: chuyên NK cá và thủy sản từ châu Á và là nhà bán lẻ đầu tiên kinh doanh cá tra tại Đức từ giữa những năm 1990. Crutimex đã đạt chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Deutsche See: cung cấp thủy sản tươi và đông lạnh cho các nhà bán lẻ của Đức. Deutsche kinh doanh cả sản phẩm cá tra thường và cá tra đạt chứng nhận sinh thái Bio. Công ty đã được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

DKSH: cung cấp cá tra đạt chứng nhận Friend of the Sea, GlobalGAP và ASC. DKSH còn hỗ trợ cho chương trình ASC và được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Erich Geiger GmbH: kinh doanh cá tra và đã được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Femeg: cung cấp nhiều loại sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận bền vững như EU bio, Naturland, MSC, ASC và GlobalGAP. Cá tra bán tại Femeg được chứng nhận GlobalGAP và ASC.

Fotouri Handelshaus GmbH: kinh doanh cá tra và đã được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

FRoSTA: có nhãn sản phẩm riêng về thành phần nguyên liệu tự nhiên và không có gian lận. FRoSTA đưa chứng nhận GlobalGAP vào trong chính sách thu mua và có thông điệp “Ưu tiên các nhà cung cấp có chứng nhận bền vững về môi trường”. FRoSTA đã tham gia Đối Thoại Nuôi cá tra và được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Kagerer GmbH: kinh doanh cá tra, tham gia các chương trình chứng nhận GAA và GlobalGAP và dán nhãn an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Kagerer đã được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

Lenk: Cũng giống Costa,  Lenk là nhà bán lẻ cá rô phi đạt ASC đầu tiên tại Đức. Lenk cũng kinh doanh các sản phẩm thủy sản khác như cá tra và tôm. Trang web “Top Sea” của công ty có mục “mã truy xuất” nhằm tăng cường tính minh bạch. Lenk cũng cam kết sử dụng 100% nguồn cung bền vững với các tiêu chí truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội và tôn trọng sức khỏe của động vật.

Nestlé Schöller GmbH: kinh doanh cá tra và cá rô phi dưới thương hiệu “Schöller Direct” và đã được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

SEWE Frost GmbH: kinh doanh cá tra và cá rô phi và đã đạt chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm ASC.

TransGourmet  Seafood  GmbH: là nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm, cung cấp cá tra và cá rô phi đạt GlobalGAP. Công ty còn hỗ trợ các chương trình chứng nhận khác như Friend of the Sea, ASMI, ASC, Naturland, Bio-Siegel...

Ngọc Hà/ vasep

Xem thêm:

Thị trường cá tra EU - Phần I: Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: