» » » Mô hình nông sản an toàn: Liên kết khép kín sản xuất đến tiêu thụ

VINAGRI NewsHỗ trợ nhau sản xuất nông sản an toàn, liên kết thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa kỹ thuật mới nâng cao giá trị, chất lượng của nông sản đang là hướng đi của các mô hình khuyến nông, khuyến ngư năm 2013 của TP Hải Phòng. Các mô hình này được đánh giá là làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

Hướng tới sản xuất an toàn, nâng cao giá trị     

Năm 2013, ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ mới, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân bằng cách xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư. Đến nay các mô hình được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao hơn 10% so với sản xuất đại trà, chất lượng sản phẩm, giá thành cao hơn, nhiều mô hình gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, năm 2013, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn, tạo sản phẩm đặc sắc, có giá trị kinh tế cao. Đó là mô hình thâm canh ngô nếp tím và dưa lê Kim Hoàng Hậu áp dụng quy trình VietGAP. Ông Vương Văn Đẩu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Việt Tiến (Vĩnh Bảo) cho biết: Qua 2 vụ liên tiếp trồng ngô nếp tím tại Việt Tiến, nông dân thu lãi hơn 18 triệu đồng/sào, được thị trường ưa chuộng. Nông dân bán ngô nếp tím với giá cao gấp 3 lần so với giá ngô thông thường, do vậy, năm 2012, xã mới trồng thử nghiệm trên 0,5 ha, năm 2013, xã phối hợp Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng mở rộng diện tích hơn 2 ha”. Ngoài mô hình ở Việt Tiến, trung tâm còn mở rộng diện tích trồng ngô nếp tím an toàn lên 10 ha ở các xã An Sơn, Tân Liên. Qua 3 vụ thử nghiệm, tại các mô hình, ngô nếp tím có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể quay vòng trồng nhiều vụ/năm, năng suất đạt 9,4-11,6 tấn/ha/lần trồng, giá trị đạt 105 triệu đồng/ha, tăng 42% so với ngô thường, lợi nhuận đạt 70 - 82,6 triệu đồng/ha/lần trồng.

Năm 2013, lần đầu dưa lê Kim Hoàng Hậu được đưa vào trồng theo quy trình VietGAP tại xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo với diện tích 3,5ha.  Trong mô hình có sử dụng các kỹ thuật mới như sử dụng phân bón vi sinh, áp dụng kỹ thuật làm giàn với mật độ trồng tăng gấp 2 lần so với trồng bò đất. Do vậy, năng suất dưa đạt 35-38 tấn/ha, tăng 10-12%, cây sinh trưởng phát triển tốt, giảm sâu bệnh; sản phẩm được chứng nhận VietGAP, giá trị 700-900 triệu đồng/ha, thu lãi 400 -500 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần trồng dưa hấu. Mô hình dưa lê thơm Kim Hoàng Hậu được cán bộ khuyến nông, khuyến ngư Hải Dương đến học tập kinh nghiệm.

Trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp triển khai hàng loạt các mô hình chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ mới, giúp các trang trại chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Đó là mô hình nuôi gà lông màu theo hướng hữu cơ, ứng dụng quy trình sử dụng đệm lót sinh thái, quy trình chăn nuôi VietGAP;  quy mô 3.600 con/6 hộ tham gia, tại các xã Gia Đức (Thủy Nguyên) và Vĩnh An (Vĩnh Bảo). Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGAP tại 2 xã Tú Sơn, Đoàn Xá (Kiến Thụy), với quy mô 140 con/10 hộ tham gia. Giống nuôi trong mô hình là lợn ngoại PiDu. Mỗi hộ dân nuôi thu lãi 400.000 đồng /con. Năm 2014, Trung tâm nhân rộng mô hình này tại 58 nhóm GAHP, với 1200 hộ chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP, thuộc dự án Lifsap.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư hướng dẫn nông dân xã Quang Phục (huyện Tiên Lẫng) sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ ngoài đồng thành phân bón hữu cơ.

Xây dựng chuỗi liên kết

Mục tiêu của nông nghiệp thành phố là xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất GAHP, tạo các nhóm GAHP liên kết với các DN, bảo đảm khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Do đó, năm 2013, ngành nông nghiệp đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất có tính liên kết. Điển hình là mô hình Tổ HTX sản xuất nấm sò liên kết thị trường tại các xã Kiến Thiết (Tiên Lãng), Giang Biên (Vĩnh Bảo) có quy mô 80 tấn nguyên liệu, sản lượng 54.400 kg, giá trị kinh tế gần 2 tỷ đồng. Thực hiện mô hình, bà con nông dân được hỗ trợ bao bì, nhãn mác, giới thiệu đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, thu nhập tăng 15-20% so với sản xuất đại trà. Bên cạnh đó là mô hình thiết kế 2 nhãn mác bao bì sản phẩm nấm của 2 tổ HTX sản xuất nấm sò tại Tiên Lãng, Vĩnh Bảo; làm tờ rơi giới thiệu sản phẩm nấm sò, tuyên truyền về 2 tổ hợp tác nấm sò tại Đại Thắng (Tiên Lãng) và Hùng Tiến (Vĩnh Bảo)”.

Riêng Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư thành phố nhân rộng 6 mô hình liên kết thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp tại các xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo), Vinh Quang (Tiên Lãng), An Thắng (An Lão), An Hồng (An Dương), Đoàn Xá (Kiến Thuỵ), Đông Sơn (Thuỷ Nguyên). Các mô hình này đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cơ giới hoá do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Ban chỉ đạo xuống cơ sở họp, vận động nông dân quy vùng sản xuất tập trung, phá bờ nhỏ thành thửa lớn, cải tạo cơ sở hạ tầng, thủy lợi, mỗi vùng chỉ cấy 1-2 giống lúa cùng trà, áp dụng quy trình canh tác cơ giới hóa đồng bộ…

HTX nông nghiệp đảm nhận cung ứng giống, vật tư và ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho nông dân. Tổ dịch vụ cơ giới hóa được thành lập, xây dựng phương án sản xuất, giá dịch vụ cơ giới hóa giảm 20-30% so với giá sản xuất đại trà, giảm 50% so với lao động thủ công. Các tổ dịch vụ của các xã  huy động vốn đối ứng để tiếp nhận máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp phục vụ cho sản xuất. Các mô hình liên kết giúp nông dân giảm 15-20% lượng giống; gieo cấy lúa cùng trà, cùng giống tạo vùng tập trung thuận lợi cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; giảm chi phí 20- 30%, năng suất cao hơn 10 - 15% so với đại trà, giá trị hàng hóa tăng trên 15%.

Xây dựng các mô hình khuyến nông gắn với  bao tiêu  sản phẩm

Thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông, người trồng rau chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, an toàn. Đến thời điểm này nhiều kỹ thuật, mô hình được bà con áp dụng đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo nhất là đầu ra cho sản phẩm. Là vùng sản xuất rau lớn của thành phố nhưng địa phương chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, giá rau lên xuống thất thường và người trồng rau vẫn bị ép giá. Vì vậy, tôi mong rằng, bên cạnh các lớp tập huấn kỹ thuật, mô hình mới, các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ bà con  khâu tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận được những thị trường lớn, ổn định hơn. Đồng Thị Hằng (Xã An Hòa, huyện An Dương)

Nên mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng màu

Từ trước đến nay, chúng tôi chủ yếu cấy lúa và trồng rau màu. Chúng tôi chưa được tiếp cận nhiều các mô hình khuyến nông, các lớp tập huấn kỹ thuật. Chúng tôi chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, tôi rất mong được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, nhất là kỹ thuật trồng màu. Đồng thời, trong điều kiện hiện nay, chúng tôi cũng mong, các lớp tập huấn cho nông dân của ngành chức năng không chỉ phổ biến khoa học kỹ thuật phục vụ trong hợp đồng sản xuất, mà cần mở rộng nội dung liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, cách thức giao dịch (nếu có) như thế nào cho hiệu quả. Trần Thị Sỉu (Xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên)

Trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao

Từ năm 2006, khi địa phương khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi tôi xây dựng trang trại nuôi gà thịt (quy mô từ 5000 đến 6000 con). Đến nay mô hình này vẫn phát huy hiệu quả, cho thấy hướng đi đúng của địa phương. Cùng với việc tạo điều kiện tối đa cho người dân về thủ tục, địa phương phối hợp với ngành chức năng tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi gà an toàn, cách phòng tránh dịch bệnh. Nhờ đó, 7 năm qua, trang trại gà của tôi không bị dịch bệnh. Hiện, ở địa phương có không ít chủ trang trại mong muốn mở rộng quy mô trang trại, tiến tới xây dựng mô hình trang trại theo hướng VAC. Tôi mong ngành chức năng, địa phương xây dựng mô hình điểm để chúng tôi học tập kinh nghiệm, tìm được cách làm phù hợp, hiệu quả nhất để triển khai. Trần Văn Mẫn (Xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên)

Hoàng Yên/ Báo Hải Phòng

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: