VINAGRI News - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Đây là giai đoạn nông dân tập trung đầu tư cho cây trồng, vật nuôi để kịp thu hoạch, đáp ứng nhu cầu nông sản vào dịp Tết đến.
Vườn rau ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (Hòa Vang).
Hàng trăm hộ sản xuất rau xanh ở quận Ngũ Hành Sơn đang hy vọng vụ cuối năm bội thu. Ai nấy đều tập trung trồng cải canh, cần tây, húng tàu, xà lách búp, hành ngò…, là những thứ thị trường Tết rất cần. Chị Nguyễn Thị Lam, ở tổ 10, phường Khuê Mỹ, sản xuất 2 sào tại khu đất trống dọc đường An Dương Vương, thuộc địa phận phường Mỹ An cho biết: Trồng rau đang là hoạt động hái ra tiền. Mỗi tháng, trên 2 sào đất này có thể thu 15-16 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 10 triệu. Với cần tây, cải xanh hầu hết đã xuống giống, sát Tết vừa kịp đưa ra chợ. Với xà lách bông, hành ngò đầu tháng 12 âm lịch mới gieo.
Anh Nguyễn Sang, cũng ở tổ 10 phường Khuê Mỹ, quả quyết: Vụ rau Tết này, chí ít thu hơn 10 triệu đồng/sào. Mấy tháng vừa qua, giá vừa phải, đã thu 8-9 triệu đồng/sào/lứa rồi. Tết đến, giá rau cao hơn, thể nào chẳng hơn 10 triệu đồng/sào. Cần tây trồng nhiều nhất. Loại rau này, thời điểm hiện tại đã hơn 20.000 đồng/kg.
Thời điểm này, đến đâu trên các cánh đồng rau của huyện Hòa Vang đều nhận thấy không khí sản xuất rất sôi động. Vùng nào cũng có nhiều nông dân tích cực cuốc xới, tra hạt. Lội ra đồng Cồn Khương thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, rau là nguồn thu nhập chính của bà con vùng này. Sau lũ, lớp phù sa phủ đầy trên mặt ruộng. Ai nấy tích cực cuốc xới, tra hạt giống. Có người chuyển hàng chục cây khổ qua, bí xanh gieo ươm từ nhà ra trồng dưới giàn đã làm trước đó rất chắc chắn. Hỏi về các loại rau đáp ứng nhu cầu thị trường Tết, lão nông Ngô Tất Khắc cho biết: Bây giờ xuống giống để Tết thu hoạch. Vụ này chắc chắn trúng đậm; chí ít thu hơn 20 triệu đồng/sào vừa khổ qua vừa cải xanh.
Tại những vùng trồng hoa như Nhơn Thọ 1 (xã Hòa Phước), Gò Giảng (xã Hòa Phong), Vân Dương 1 (xã Hòa Liên), hàng chục nghìn chậu cúc, ly ly, đồng tiền… xanh tốt, có hàng có lối trông thật thích mắt. Chúng tôi thật sự bất ngờ khi đến thăm khu vườn trồng hoa phong lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng, ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu. Tại đó, chỉ trên phạm vi 200m2, với vốn đầu tư hơn 400 triệu đồng, anh Hùng làm lưới và trồng 2.000 cây phong lan mohara, xuất xứ từ Thái Lan. Nhìn những luống phong lan trồng trên nền vỏ đậu phụng, nhiều cây đã trổ bông, ai trong chúng tôi đều chia vui với người nông dân này khi mạnh dạn đưa loài hoa cao cấp về trồng. Anh Hùng cho biết: Tết này, chí ít thu 40-50 triệu đồng. Chỉ cần mỗi cây cho 2 bông, dư sức thu hơn 40 triệu đồng. Ngày thường 10.000 đồng/bông, Tết chắc chắn cao hơn.
Tại các xã trung du, miền núi Hòa Vang, hoạt động chăn nuôi và nuôi cá nước ngọt được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ai nấy đều ưu tiên các loại bán chạy trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tại khu vườn của vợ chồng anh Trần Văn Phúc, ở thôn An Châu, xã Hòa Phú, hơn 100 con gà ta, 35 con dê đang độ lớn; hơn 400 bụi chuối, hầu hết đã trổ buồng, 108 cây thanh long ruột đỏ đã bám choái. Anh Phúc tự tin cho biết: Chắc chắn Tết này có gà ta, dê thịt và chuối bán. Đang tính, ít nhất cũng có 3-4 chục triệu ăn Tết.
Ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong, những hộ nuôi cá nước ngọt đang tích cực chăm sóc cho hàng vạn con cá lóc, cá trắm. Ông Trần Văn Đáng, chủ hồ nuôi hơn 1ha, cho biết: Mấy ngày đầu năm, cá nước ngọt, nhất là cá lóc, trắm bán rất chạy. Không bỏ lỡ cơ hội, ai nấy đều ưu tiên cho mấy loại đó. Tết này, ít nhất đưa ra thị trường hơn chục tấn. Tại xã Hòa Ninh, trang trại nuôi heo rừng của anh Trần Văn Quốc ở thôn Hòa Trung, hơn 1 tháng nữa gần trăm con heo rừng có thể xuất chuồng. “Hiện tại nhiều khách hàng đã gọi điện đặt trước. Đang tính, đi mua thêm về vỗ béo mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng dịp Tết sắp tới”, anh Quốc cho biết…
Bài và ảnh: Hoài Nam/ Báo Đà Nẵng
Không có nhận xét nào: