VINAGRI News - Nới lỏng chính sách quản lý đất lúa, từ cứng nhắc sang linh hoạt, hiệu quả hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dường như đang “bật đèn xanh” cho nông dân các địa phương (trong đó có Bình Thuận) mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên đất lúa kém hiệu quả.
Sau một thời gian dài đóng cửa nhập khẩu thanh long Việt Nam (do bệnh ruồi đục quả), Đài Loan vừa đồng ý nhập trở lại sản phẩm này. Mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu trên 13.000 tấn thanh long sang Đài Loan.
Được lai tạo thành công giữa thanh long ruột đỏ với thanh long ruột trắng, giống thanh long ruột tím hồng vừa được Viện Cây ăn trái miền Nam bán bản quyền cho Công ty thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) với giá 2 tỷ đồng. Sắp tới Viện này tiếp tục nghiên cứu lai tạo giống thanh long ruột vàng.
Đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Lân
Thanh long xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cả lượng và giá, kim ngạch xuất khẩu thanh long nửa đầu năm nay tăng 22,5% so cùng kỳ năm ngoái. Do được sản xuất theo tiêu chuẩn VSATTP (VietGap), thanh long Việt Nam đang thâm nhập tốt với các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật, New Zealand. Hiện thanh long xuất khẩu qua Mỹ giá trung bình 5 USD/kg, qua EU 2,6 USD/kg, qua Nhật 3,5 – 5 USD/kg…
Những thông tin lạc quan trên báo hiệu rằng diện tích trồng thanh long sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đồng nghĩa với sức ép về thị trường tiêu thụ thanh long sẽ tăng theo. Nhất là khi Trung Quốc đang âm thầm phát triển thanh long để hạn chế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu thanh long.
Trước cơ hội, thách thức ấy, nông dân cần kiên trì định hướng đúng đắn là đầu tư nâng cao chất lượng, sản xuất thanh long theo hướng VietGap.
Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu lai tạo các giống thanh long mới, các loại thuốc phòng trừ bệnh hiệu quả trên cây thanh long, đặc biệt là công nghệ chế biến quả thanh long để cho ra các sản phẩm mới.
Doanh nghiệp và nhà nước tập trung quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, cố gắng ngày càng giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hóa là do nguồn gốc địa lý tạo ra. Nhà nước và doanh nghiệp cần bắt tay thực hiện chương trình dán tem chỉ dẫn địa lý trên quả thanh long (nhất là với thanh long VietGap).
Thanh long đang dẫn đầu, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Tận dụng tốt cơ hội, liên kết chặt chẽ “4 nhà”, trái thanh long sẽ mang về ngoại tệ nhiều hơn cho đất nước, thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Đặng Dũng/ Báo Bình Thuận
Không có nhận xét nào: