VINAGRI News - Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Thu đông 2013, tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày qua đã làm cho việc thu hoạch lúa của bà con gặp nhiều khó khăn.
Lúa cắt bị ứ đọng
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 15.000/50.000ha lúa Thu đông, năng suất bình quân 4,9 tấn/ha. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và tình hình thu hoạch của người dân. Đang thu hoạch 5 công lúa của gia đình, anh Nguyễn Thanh Triều, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Đáng lẽ ra, ruộng của tôi đã thu hoạch xong 3 ngày trước, nhưng do trời mưa, máy cắt không cắt được nên lúa cứ dồn từ hộ này kéo dài đến hộ khác, có người không đợi được đã kiếm nhân công thu hoạch bằng tay”. Với vẻ mặt đầy lo lắng, ông Võ Văn Cường, ở cùng ấp 5, bộc bạch: “Tuy đã đặt ngày thu hoạch lúa với máy cắt trước đó 10 ngày, nhưng bây giờ đã trễ 2 ngày rồi mà máy vẫn chưa vào cắt được do còn giải quyết lúa “cù” (lúa tồn đọng) của những hộ trước. Với tình hình mưa bão như hiện nay, nếu càng để lâu lúa sẽ bị đổ ngã, khi đó máy cắt không thu hoạch được phải chuyển sang cắt tay thì chi phí sẽ đội lên gấp mấy lần, trong khi giá lúa ngày một giảm”.
Do ảnh hưởng mưa bão, người dân xã Vị Thanh không thể thu hoạch lúa bằng máy mà chuyển sang cắt bằng tay.
Hiện tại, công thu hoạch lúa bằng máy có giá từ 280.000-300.000 đồng/công; riêng thu hoạch bằng tay từ 350.000-400.000 đồng/công, nếu cộng thêm tiền mướn trâu gom lúa và máy suốt thì mỗi công đất người dân phải bỏ ra gần 700.000 đồng. Việc thuê nhân công thu hoạch lúa bằng tay với giá cao đã là một điều thiệt thòi, đằng này, người dân còn chịu sức ép khác là không bán được lúa. Anh Phạm Hoàng Liệt, ở ấp 1B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, vừa thu hoạch xong 6 công lúa (giống IR 50404), năng suất 800 kg/công, cho hay: “Lúc này, thương lái chỉ tìm mua lúa cắt bằng máy và sạch đẹp. Riêng tôi và hơn 90% bà con nơi đây do thu hoạch lúa bằng tay nên đem về nhà phơi để chờ giá, phải tiếp tục tốn thêm một khoản chi phí vận chuyển, phơi sấy. Nhưng với tình hình giá lúa như hiện nay, nông dân khó kiếm được đồng lời, vì bao chi phí cứ đè nặng lên đôi tay”.
Trước tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, không chỉ có nông dân lo lắng mà ngay cả những ông chủ máy gặt đập liên hợp cũng đang đau đầu vì phải tính toán làm sao thu hoạch nhanh lúa cho bà con. Ông Lý Văn Ẩn, chủ máy cắt đang thu hoạch lúa cho người dân tại xã Vị Thanh, cho hay: “Trong điều kiện thời tiết bình thường, mỗi ngày chiếc máy của tôi thu hoạch không dưới 40 công đất, nhưng với tình hình mưa như những ngày qua, số lượng diện tích lúa cắt được giảm xuống rất nhiều, có hôm không cắt được công nào. Trong khi, nông dân ai cũng muốn cắt sớm một ngày đỡ một ngày, chính vì thế, diện tích lúa cứ liên tục bị dồn lại và áp lực giải quyết ngày càng lớn”.
Áp lực nhân công, giá lúa
Do ảnh hưởng của mưa bão đã làm cho nhiều diện tích lúa bị đổ ngã, người dân không thể thu hoạch bằng máy mà phải chuyển sang cắt tay. Tuy nhiên, để có được người cắt lúa trong thời điểm hiện tại không phải là chuyện đơn giản. Ông Nguyễn Tấn Đạt, ở khu vực 2, phường 4, TP.Vị Thanh, cho biết: “Lúc này, kiếm nhân công cắt lúa rất khó khăn, hiện đang vào mùa thu hoạch rộ, ai cũng muốn cắt sớm để bán, vì càng để lâu càng lỗ. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu nhân công thu hoạch. Những hộ có diện tích dưới 5 công thì kiếm nhân công còn được, riêng hộ nào từ 1ha trở lên thì vấn đề nhân công luôn là một áp lực rất lớn hiện nay”.
Ngoài chuyện thu hoạch thì vấn đề về giá lúa tiếp tục là nỗi lo hàng đầu của nông dân. Một mặt, do phải cắt lúa trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, chất lượng hạt lúa có phần giảm, từ đó kéo theo giá bán trong những ngày qua liên tục tuột giảm. Mặt khác, tuy Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có tờ trình lên Chính phủ về việc cho triển khai thu mua tạm trữ thêm 300.000 tấn quy gạo trong vụ lúa Hè thu và Thu đông để giữ giá lúa ở thị trường nội địa. Thời gian triển khai thực hiện từ 15-9 đến 15-10-2013. Tuy thời gian đề nghị đã đến, nhưng tỉnh vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo từ Trung ương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thu mua lúa cầm chừng, dẫn đến giá lúa trong dân không mấy cải thiện mà còn có xu hướng tiếp tục giảm. Hiện lúa tươi IR 50404 được thương lái mua tại ruộng có giá từ 3.800-3.900 đồng/kg, giảm 200 đồng so với 10 ngày trước, riêng một số giống lúa hạt dài như: OM 6976, OM 2517, OM 5451, OM4218,… có giá cao hơn từ 200-300 đồng/kg, còn lúa cắt tay chỉ bán được từ 3.100-3.200 đồng/kg. Trước tình hình trên, người trồng lúa mong muốn các ngành chức năng nên có giải pháp đôn đốc việc thu mua lúa tại các doanh nghiệp, nhằm cải thiện được giá lúa, người dân có được lợi nhuận…
Bài, ảnh: Hữu Phước/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: