Dù thực tế vùng trồng được cấp mã số quản lý không có sản phẩm cho thu hoạch nhưng có doanh nghiệp vẫn cố tình lấy sản phẩm khác dán mã số vùng trồng đó vào để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phân loại xoài để xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua việc quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường khó tính và thị trường Trung Quốc là chưa chặt chẽ, kể cả đơn vị cấp mã số và địa phương.
Được biết, mã số vùng trồng là một chứng nhận định danh cho một vùng trồng trọt cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất và là yêu cầu để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Điển hình của tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, mã số vùng trồng “VN- DTOR- 0017” và “VN- DTOR- 0018” không có sản lượng xoài được thu hoạch. Thế nhưng, có doanh nghiệp vẫn dán mã số vùng trồng nêu trên để xuất khẩu và bị Hải quan Trung Quốc phát hiện đối tượng “kiểm dịch thực vật”, tức lô hàng xuất sang Trung Quốc bị quốc gia này giữ lại do không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh và phòng dịch.
Từ sự việc nêu trên, để nhằm chủ động quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tránh gây thiệt hại đến uy tín, nhãn hiệu vùng trồng trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này đã có những chỉ đạo liên quan đến các huyện, thị xã và ngành chuyên môn.
Theo đó, phải thực hiện theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây/mã số vùng trồng (tấn/tháng) và bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu (nếu thương lái thu gom cho đơn vị xuất khẩu); sản lượng trái cây/nhà đóng gói (tấn/tháng) được thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính. Thực hiện báo cáo số liệu này vào báo cáo định kỳ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các nơi được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói thực hiện tốt các tiêu chí quản lý theo yêu cầu, phối hợp với đoàn thẩm định, kiểm tra cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói trên địa bàn.
Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp sẽ tiếp tục hướng dẫn đăng ký cấp mã số vùng trồng và nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác.
Báo cáo của Sở này cho thấy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan và Liên minh châu Âu (EU).
Trung Chánh (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/306441/mao-danh-trai-cay-co-ma-so-de-ban-sang-trung-quoc.html.
Không có nhận xét nào: