» » Xuất khẩu gạo 2020, khó vượt qua 'cái bóng' của người Thái

Do vẫn đang gặp khó khăn chưa từng có, Thái Lan nay đã bị chúng ta qua mặt trong xuất khẩu gạo, nhưng việc lo bị mất vị trí thứ hai thế giới vào tay Việt Nam như người đứng đầu Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan có lẽ là thái quá.

Mua bán gạo tại chợ gạo Bà Đắc, Tiền Giang. Ảnh: N.K



Trước hết, nếu nhìn từ góc độ sản xuất, người Thái có vẻ có lý khi nhận định rằng năm nay Việt Nam có thể vượt họ về khối lượng gạo xuất khẩu.

Bởi lẽ, như dự báo tháng 5 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thái Lan chính là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, còn Việt Nam hầu như là không.

Cụ thể, theo cơ quan này, trong khi sản lượng gạo của Thái Lan năm nay sẽ giảm tới 2,34 triệu tấn, tương đương 11,5%, thì của chúng ta không giảm. Đây chính là tiền đề để Việt Nam vượt qua đối thủ cạnh tranh này bởi khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan năm 2019 cũng chỉ hơn của chúng ta 1 triệu tấn.

Không những vậy, ít nhất cho đến thời điểm này, người Thái vẫn đang còn phải đối mặt với khó khăn đặc biệt lớn của riêng mình. Đó là, đồng tiền của nước này đã mạnh lên ngay từ đầu năm 2019, trở thành chiếc phanh ngày càng kìm hãm xuất khẩu.

Các số liệu thống kê của nước này cho thấy, từ 32,31 baht đổi 1 đô la Mỹ năm 2018, giá của đồng tiền này tăng 2,18%, lên 31,61 baht/đô la trong nửa đầu năm 2019, còn trong nửa cuối năm tiếp tục tăng thêm 3,52% so với nửa đầu năm, lên 30,49 baht/đô la.


Rõ ràng là với đồng tiền mạnh lên như vậy các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu. Trong nửa cuối năm ngoái, khối lượng gạo xuất khẩu của nước này đã giảm hơn 1,1 triệu tấn so với sáu tháng đầu năm.

Bước vào năm 2020, tuy xu thế giảm giá của đồng baht đã xuất hiện khá rõ ràng và đến trung tuần tháng 3 có lẽ không còn gây trở ngại cho xuất khẩu, nhưng mất mùa do hạn hán đã cộng hưởng với nó và rồi thay thế nó, trở thành yếu tố kìm hãm mạnh hơn nữa.

Các số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu của nước này trong tháng 1 vừa qua chỉ đạt 547.000 tấn, giảm tới hơn 42,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong hai tháng tiếp theo vẫn tiếp tục giảm rất mạnh, cho nên tổng khối lượng xuất khẩu trong quí 1-2020 vừa qua chỉ đạt gần 1,47 triệu tấn, trong khi của Việt Nam đã đạt gần 1,52 triệu tấn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến đầu tháng 5 này, bộ phận gạo trắng, vốn chiếm hơn hai phần ba rổ gạo xuất khẩu của Thái Lan, vẫn giảm tới 38% bất kể xuất khẩu gạo của Việt Nam và Ấn Độ đã có thời điểm bị gián đoạn. Điều đó có nghĩa là, cho tới thời điểm này và có nhiều khả năng là trong một vài tháng tiếp theo, Việt Nam vẫn tiếp tục giành vị trí xuất khẩu gạo thứ hai thế giới của Thái Lan.


Cho dù vậy, có nhiều khả năng tình trạng này sẽ sớm kết thúc và năm nay Thái Lan vẫn giữ vững vị trí xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Sở dĩ như vậy là bởi ba lẽ:

Thứ nhất, trên quy mô toàn cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn kiên trì với dự báo tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp giảm.

Cụ thể, theo dự báo mới nhất hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, tổng khối lượng gạo nhập khẩu của thế giới năm nay sẽ chỉ đạt gần 40,7 triệu tấn, giảm 3,1 triệu tấn so với năm 2019 và 6,2 triệu tấn so với năm 2018.

Điều này cũng có nghĩa là, nhận định cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế giới tăng cường tích trữ lương thực và xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cả về lượng lẫn giá trị là không có cơ sở.

Các số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy, trong ba tháng đầu năm nay chúng ta tăng xuất khẩu sang bốn thị trường Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia được 252.000 tấn, tức là cao hơn gấp đôi so với tổng mức tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung, còn xuất khẩu của Thái Lan trong cùng kỳ sang bốn thị trường này lại giảm gần 360.000 tấn.

Nguyên nhân của tình trạng trái ngược nhau này không có gì khác ngoài việc giá gạo của Thái Lan liên tục bị đẩy lên cao, còn giá gạo của Việt Nam tuy cũng nương theo giá của Thái Lan để đẩy lên, nhưng vẫn “mềm” hơn rất nhiều, cho nên giành thêm được thị phần của chính đối thủ cạnh tranh này.

Trong điều kiện như vậy, với giá còn “mềm” hơn nữa của Ấn Độ, nước này chắc chắn sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các khách hàng của cả Việt Nam hiện nay. Việc Malaysia vừa ký kết hợp đồng mua 100.000 tấn gạo của Ấn Độ sau một thời gian dài gián đoạn là một minh chứng.


Thứ hai, trong điều kiện như vậy, cũng như trong điều kiện các chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu lần lượt hoạt động thông suốt trở lại, cách duy nhất để người Thái giảm bớt kho gạo dự trữ rất lớn của mình, để đạt khối lượng xuất khẩu 7,5 triệu tấn vào cuối năm nay như kế hoạch, là giảm giá xuất khẩu của mình xuống.

Đây chính là kịch bản mà chính quyền Thái Lan hiện nay đã áp dụng trong giai đoạn giải quyết kho gạo dự trữ khổng lồ trong những năm gần đây.

Nói cách khác, trong điều kiện tác động của đại dịch Covid-19 dần dịu bớt, thị trường gạo thế giới sẽ trở lại quy luật vận hành quen thuộc của nó. Đó là, khi nguồn cung trên thị trường thế giới dồi dào, dự trữ của thế giới ở mức rất cao, nhu cầu nhập khẩu giảm, giá gạo thế giới đương nhiên không thể đứng ở mức cao như những tháng gần đây.

Có thể nói, việc Thái Lan đã bắt đầu giảm giá chào xuất khẩu gạo trong ba tuần đầu tháng 5 vừa qua chỉ mới là những dấu hiệu đầu tiên và quá trình kéo giá xuống sẽ còn tiếp tục, cho nên sức ép Việt Nam kéo giá xuống cũng sẽ mạnh lên.

Thứ ba, thay vì có thể nương theo giá gạo của Thái Lan để đẩy giá của mình lên, trong những tháng tới Việt Nam cũng phải kéo giá của mình xuống một cách tương ứng, nhưng tiến độ xuất khẩu thì hầu như không thay đổi, bởi tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm nay có nhiều khả năng sẽ cũng chỉ giới hạn trong khuôn khổ 6,5 - 6,7 triệu tấn như tính toán của các nhà quản lý.

Những điều nói trên có nghĩa là, quyền nắm giữ vị trí xuất khẩu gạo thứ hai thế giới thuộc về Thái Lan và có nhiều khả năng Thái Lan sẽ buộc phải chấp nhận kịch bản giảm giá để giữ vị trí này, bởi khoanh tay đứng nhìn các đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong khi khối lượng tồn kho của mình quá lớn thì khó có một quốc gia xuất khẩu gạo lớn nào có thể chấp nhận được.

Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes)

Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/304255/xuat-khau-gao-2020-kho-vuot-qua-cai-bong-cua-nguoi-thai-.html.

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: