Thị trường cà phê mở hàng đầu năm không suôn sẻ. Giá các sàn phái sinh giảm ngay tại hai ngày giao dịch đầu năm Dương lịch 2020.
Giá yếu trên các sàn cà phê phái sinh
Kỳ vọng đà tăng cuối năm cũ đã bất ngờ bị chặn lại trên 2 sàn cà phê phái sinh. Tại sàn arabica New York, giá tăng trong mấy ngày trước khi bước sang Tết Dương lịch đã chùng lại. Sàn cà phê London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, cũng mất điểm ngay 2 ngày mở hàng.
Đóng cửa phiên 3-1, nếu tính từ đỉnh trong tuần cuối năm 2019, giá arabica mất 6.15 xu/cân Anh (cts/lb) để chốt tại 126.35 cts/lb. Còn robusta giảm 45 đô la Mỹ để đứng tại 1.372 đô la/tấn.
Giá cà phê xuống trong sự bất ngờ của các nhà xuất khẩu vì họ vẫn nghe thông tin sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2019 - 2020 từ cân bằng đến thiếu so với nhu cầu tiêu thụ. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) mới đây ước đoán nguồn cung ứng cà phê năm nay hụt 0,5 triệu bao (1 bao tương đương 60kg).
Nỗi lo giá xuống
Dù có một ít thay đổi trên bức tranh hoạt động mua bán cà phê xuất khẩu tại thị trường trong nước nhưng những nỗ lực ấy vẫn chưa đủ để chuyển thế mạnh thị trường từ bên người mua sang người bán.
“Tính đến nay, chỉ còn hai chục ngày nữa là đến Tết Âm lịch, lượng cà phê bán ra vẫn chưa mạnh. Tại khu vực tỉnh Gia Lai, có quá lắm cũng chỉ 30-35% hàng vụ mới được bán so với thời điểm trước Tết hàng năm là 40-45%”, anh Ba Thanh, một doanh nhân ngụ tại TP. Pleiku cho hay.
Một điều lạ là nhà vườn năm nay không gửi hàng nhiều vào tay các chủ doanh nghiệp lớn, cho nên lượng bán hàng xuất khẩu treo chờ chốt giá chắc không lớn bằng năm ngoái, sức ép bán trên sàn sẽ không đáng kể, anh Ba Thanh nhận định.
Tuy nhiên, một chuyên gia cà phê ở TPHCM cho rằng, người mua đang chờ sức ép bán hàng thực mạnh trên thị trường nội địa trong vòng mươi ngày trước Tết Âm lịch.
Năm nay, Tết rơi vào ngày 25-1. Chính vì vụ thu hoạch quá gần với lịch nghỉ Tết, người mua không phải không có lý để trông chờ điều này xảy ra.
Chờ giá xuống để mua: Khó đấy!
Đối với người mua, dù đó là các nhà đầu tư trong nước hay doanh nghiệp nhập khẩu, thường chờ đợi thời cơ giá xuống để mua bán hay tích trữ.
Nhưng năm nay, diễn biến thị trường cà phê trong nước khác nhiều. Người mua trữ sẽ khó tìm giá thấp do một khi giá trên sàn phái sinh cà phê giảm, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch giữa giá tại cảng giao hàng với giá niêm yết sàn phái sinh tăng.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đã lên lại +30/+50 đô la/tấn so với giá niêm yết sàn London khi sàn này xuống dưới 1.400 đô la/tấn.
“Mọi người đều thấy rõ dù giá sàn London cả tuần trước giảm, có lúc chạm 1.355 đô la/tấn, giá cà phê nguyên liệu trong nước vẫn đứng tại mức 32,5 triệu đồng/tấn trở lên”, theo vị chuyên gia trên nói.
Chính vì vậy, thị trường cà phê nội địa năm nay rất khó đoán do giá xuất khẩu dựa trên cách tính chênh lệch (differential) cũng biến thiên nhanh và mạnh không thua gì giá mua bán ngay trên sàn. Vì một khi giá niêm yết giảm, giá cà phê nội địa hưởng mức cộng. Nhờ thế, giá cà phê trong nước khó giảm sâu.
Chiều ngược lại, nếu như muốn giá xuất khẩu giảm như về bằng giá niêm yết sàn robusta hay -30/-50 đô la chẳng hạn, giá London phải tăng để kích bán và giảm mức chênh lệch trong giá xuất khẩu.
“Giả sử hiện nay tại một số nơi, giá cà phê nguyên liệu chừng 32,5 triệu đồng/tấn, đợi xuống 32 triệu để mua xem ra không phải dễ,” vị chuyên gia trên bình luận.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/299062/mo-hang-dau-nam-2020-gia-ca-phe-duoi-suc.html
Không có nhận xét nào: