Giá cao su trên thị trường quốc tế tăng giúp tình hình xuất khẩu cao su của nước ta tăng trưởng khá trong thời gian qua.
Thị trường cao su thế giới có xu hướng tăng đang mang lại kỳ vọng cho người trồng cao su trong nước sau giai đoạn dài trượt giá mạnh.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 11/2019 đạt hơn 199 nghìn tấn, trị giá gần 262 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 17,1% về trị giá so với tháng 11/2018. Lũy kế 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 8% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Về giá xuất khẩu, tháng 11/2019, giá cao su xuất khẩu của nước ta bình quân đạt 1.316 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 10/2019 và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy kể từ khi chạm đáy với mức giá xuất khẩu bình quân vào tháng 12/2018 ở mức khoảng 1.200 USD/tấn, giá cao su từ đầu năm 2019 đến nay đã từng bước tăng khá, đạt ngưỡng bình quân 1.443 USD/tấn vào tháng 5/2019.
Tuy nhiên, liên tiếp từ tháng 5/2019 đến tháng 10/2019, giá cao su xuất khẩu đã tụt dần, rớt xuống mức xấp xỉ 1.300 USD/tấn vào tháng 10/2019. Tuy nhiên từ tháng 10/2019 đến tháng nay, giá mủ xuất khẩu tiếp tục có tín hiệu đáng mừng khi đang tăng trở lại.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 11/2019, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, đạt 149,75 nghìn tấn, trị giá 195,59 triệu USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với tháng 11/2018, chiếm 75,2% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Lũy kế 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 1,04 triệu tấn, trị giá 1,34 tỷ USD, tăng 10% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 cũng tăng khá về lượng so với cùng kỳ năm 2018 như: Ấn Độ tăng 29,7%; Hàn Quốc tăng 26,1%; Brazil tăng 21,6%; Banglades tăng 48,4%...
Đặc biệt với thị trường Ấn Độ, trong 10 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cao su của Ấn Độ từ Việt Nam đạt 115,15 nghìn tấn, trị giá 172,7 triệu USD, tăng 44,1% về lượng và tăng 42,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tiếp tục theo đà tích cực khi tăng từ 8,1% trong 10 tháng năm 2018, lên 13,1% trong 10 tháng năm 2019. Trong khi đó, nước này có xu hướng giảm nhập khẩu cao su từ một số thị trường truyền thống như Indonesia, Thái Lan...
Trên thị trường quốc tế, trong 2 tuần đầu tháng 12/2019, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt đều có xu hướng tăng so với cuối tháng 11/2019 và hiện vẫn đang tiếp tục có xu hướng tăng.
Cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 2/2020 giao dịch ở mức khoảng 175,4 yên/kg (tương đương 1,62 USD/kg), tăng 2,6% so với cuối tháng 11/2019 (so với đầu tháng 11/2019, giá giao dịch bình quân chỉ 160 yên/kg). Tại Thượng Hải, giá cao su tự nhiên giao kỳ hạn tháng 2/2020 giao dịch ở mức 12.920 NDT/tấn (tương đương 1,84 USD/kg), tăng 3,1% so với cuối tháng 11/2019 (so với mức chỉ khoảng 118.00 NDT/tấn hồi đầu tháng 11/2019).
Diễn biến giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy tại Đắk Lắk trong tháng 12/2019 (ĐVT: đồng/độ TSC).
Theo phân tích, giá cao su liên tục tăng tăng trở lại thời gian gần đây là do thị trường lo ngại nguồn cung giảm, sau khi các nước sản xuất hàng đầu xem xét hạn chế xuất khẩu cao su để hỗ trợ giá. Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang xem xét hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá cao su. Thái Lan đã thông qua kế hoạch giảm 21% diện tích trồng cao su trên toàn quốc, đồng thời nâng giá xuất khẩu cao su tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm tới. Thái Lan hiện chiếm tới 40% nguồn cung cao su toàn cầu, nhưng giá cao su ở mức thấp trong nhiều năm gần đây đang gây khó khăn cho nông dân trồng cao su tại nước này.
Giá cao su trên thị trước quốc tế tăng trở lại đã giúp giá thu mua cao su cho nông dân trong nước tăng theo. Tại Đông Nam Bộ ngày 17/12/2019, Hội đồng giá thu mua mủ cao su tiểu điền của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh (Bình Phước) thông báo giá thu mua cao su nguyên liệu tại vườn đạt mức 280 đồng/độ TSC đối với mủ nước (tăng mạnh so với mức bình quân khoảng 250 đồng/độ TSC hồi cuối tháng 10/2019).
Lê Bền (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Không có nhận xét nào: