Chỉ sau một tuần, thị trường phái sinh cà phê robusta London tăng 72 đô la Mỹ/tấn. Giá cà phê trong nước đang đà dâng. Ngày 3-11, cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể lên quanh mức 33 triệu đồng/tấn, tăng 1,5 triệu đồng so với tuần trước.
Giá cà phê có cơ hội phục hồi khi đón tin tốt từ thị trường thế giới. Ảnh: VOV
Giá cà phê khắp nơi tăng tốt
Thị trường cà phê tuần qua chứng kiến một đợt tăng rất ngoạn mục. Đóng cửa sàn kỳ hạn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu, đóng cửa chốt mức cao nhất tính từ 1 tháng nay là 1.322 đô la/tấn so với tuần trước đó chỉ 1.250 đô la. Giá kỳ hạn sàn arabica cũng có dịp tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng rưỡi đạt 104 xu/cân Anh (cts/lb), tăng 4,55 cts/lb hay chừng 100 đô la/tấn.
Dù giá kỳ hạn tăng giúp giá cà phê trong nước dâng lên quanh 33 triệu đồng/tấn, sức bán xuất khẩu vẫn rời rạc.
Thu hoạch cà phê niên vụ mới chưa đến kỳ hái rộ nên hàng ra thị trường không nhiều. Đó cũng là lý do giá kỳ hạn tăng không gặp sức ép bán từ phía các nhà xuất khẩu Việt Nam. Mặt khác, hàng treo bán trên sàn đã giảm mạnh sau đợt bị “bắt chặn lỗ” (stoploss) khi giá chạm 1.181 đô la/tấn cơ sở tháng 11-2019 nên áp lực chốt bán các hợp đồng cũ không đủ ngăn sức tăng của sàn kỳ hạn.
“Giá chào cà phê xuất khẩu hiện nay quá cao, cộng 100 đô la/tấn hoặc hơn so với giá niêm yết sàn London, nên chúng tôi chưa thể ký hợp đồng. Hiện nay do nhiều công ty xuất khẩu chưa sẵn hàng, sợ rủi ro, nên trụ sở chính sẵn sàng chờ đợi.” chị Lan, trưởng đại diện một công ty nhập khẩu Đức tại TP. HCM cho biết.
Trong khi đó, một chủ vựa thu mua cà phê tên Bảo tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng báo rằng anh muốn bán trước vài trăm tấn giao hàng từ tháng 12-2019 trở đi, nhưng chưa ai thích mua.
Tín hiệu tốt trên thị trường cà phê
Kết thúc tháng 10, tháng đầu tiên của niên vụ kinh doanh cà phê 2019-2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,67 triệu bao (60 kg/bao), Tổng cục Thống kê cho biết. Như vậy, số lũy tiến xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019 chỉ 22,75 triệu bao, giảm 13,8%.
Tin Việt Nam giảm lượng cà phê bán ra liên tục trong nhiều tháng liền đang làm thị trường bối rối về sản lượng cà phê của nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Nhiều nhà phân tích không còn muốn nghĩ theo lối cũ rằng nhà vườn giữ lại hàng do giá thấp. “Giảm xuất khẩu ‘bền vững’ thế này thì cách giải thích giữ lại hàng do giá thấp là không ổn. Đó là hệ quả của giảm diện tích và thiếu chăm sóc vườn… Còn trữ hàng đến mấy, khi cần tiền, nhà vườn vẫn phải bán,” một nhà phân tích thị trường giải thích.
Tuy nhiên, hiện tượng giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn London và New York tăng cũng nhờ tác động rất lớn từ nguồn vốn đang dồi dào trên thị trường tài chính thế giới.
Từ cuối tháng 9-2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mạnh tay bơm vốn, cung ứng các khoản vay ngắn hạn cho thị trường Mỹ. Không chỉ rộng rãi cho vay, Fed còn hạ lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ lần thứ ba trong năm 2019. Vay vốn dễ dàng, lãi suất thấp, đó là lý do giúp giá hàng hóa thương phẩm có cơ hội tăng.
Cuối tuần qua, một dự báo có thể sẽ có ảnh hưởng tích cực lên giá nông sản thương phẩm trong những ngày tới. Mohammed Apabhai, chuyên gia tài chính của ngân hàng Citi (Mỹ) cho rằng chỉ số đồng đô la Mỹ (USDX) có thể giảm sâu đến 85 điểm
Nếu như dự báo này là đúng, thị trường nông sản nói chung và giá cà phê kỳ hạn nói riêng sẽ có cơ hội phục hồi.
Tóm lại, giá cà phê kỳ hạn đang có những chuyển biến tích cực. Bất luận sản lượng cà phê thế giới như thế nào, các yếu tố như nguồn vốn dồi dào và dễ dàng, lãi suất đồng đô la thấp… đang giúp cho giá cà phê chia tay dần với mức thấp mới đây.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: