Mặc dù Chính phủ phải chỉ đạo doanh nghiệp mua lúa gạo dữ trữ và giá lúa đang xuống thấp nhưng triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới được dự báo nhiều khả năng sẽ có chuyển biến khá hơn.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Dù tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam đang hết sức khó khăn, nhưng số liệu báo cáo tại hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức hôm nay, 26-2, ở Đồng Tháp cho thấy, thời gian tới nhiều khả năng sẽ lạc quan hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tin rằng trong năm 2019, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 6 triệu tấn, tương đương so với kết quả đã đạt được của năm 2018 (6,1 triệu tấn). Theo ông, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay cũng sẽ chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á.
“Tính từ ngày 1-1 đến 15-2-2019, Việt Nam xuất được 491.308 tấn, bằng 66% so với cùng kỳ”, ông cho biết, nhưng tin tưởng lượng hợp đồng sẽ tăng trong quí 2 khi giá gạo của Việt Nam đã có sự cạnh tranh hơn (giá giảm) và nhu cầu nhập khẩu mới của các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia.
Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Nam, dự báo trong năm 2019, lượng gạo được quốc gia tỉ dân này nhập khẩu sẽ tăng thêm 200.000 tấn so với 2018, từ 5 lên 5,2 triệu tấn, trong đó, nguồn cung chủ yếu từ các nước như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar…
Theo ông, trong tổng số 5,2 triệu tấn gạo được dự báo nhập khẩu năm 2019 của Trung Quốc sẽ có 50% được phân bổ cho các doanh nghiệp nhà nước và 50% cho khu vực tư nhân. “Hiện nay, có một số thông tin cho biết Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam, tuy nhiên, số lượng sẽ thấp hơn so với số lượng Việt Nam đã xuất sang đây trong năm 2018 (hơn 1,3 triệu tấn)”, ông dự báo
Còn đối với Indonesia, theo ông Nam, dù dự báo khối lượng gạo nhập khẩu năm 2019 của quốc gia này giảm mạnh so với 2018, chỉ đạt 800.000 tấn so với 2,15 triệu tấn của năm 2018. Thế nhưng, rõ ràng nhu cầu không phải là hoàn toàn không có và việc nhập khẩu được dự báo bắt đầu từ tháng 7-2019.
Trong khi đó, với thị trường Philippines, sau đấu thầu của Chính phủ và tư nhân để nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo trong 6 tháng cuối năm 2018, thì Chính phủ quốc gia này có thể không nhập khẩu thêm ít nhất đến quí 2. “Tuy nhiên, từ ngày 15-2-2019, Philippines cho phép tư nhân nhập khẩu gạo không hạn chế về số lượng, thì đến nay cũng có 180 doanh nghiệp tư nhân Phillipines đăng ký nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo từ Việt Nam, Thái Lan”, ông cho biết và điều này cho thấy nhu cầu ở thị trường Philipines vẫn là điểm sáng. “Dự kiến, năm 2019 Phlippines sẽ nhập 2,3 triệu tấn gạo”, ông Nam cho biết.
Còn với Malaysia, theo ông Nam, do nhóm gạo trắng của Việt Nam năm 2019 đang ở mức giá rất cạnh tranh so với Thái Lan, trong khi đó, dự kiến Malaysia sẽ nhập 950.000 tấn gạo năm 2019, cho nên, cơ hội để Việt Nam quay lại thị trường này là rất lớn.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cũng cho biết, hiện các thị trường nhập khẩu đã bắt đầu quay trở lại, mà cụ thể mới đây Vinafood 1 đã nhận được các đơn hàng của đối tác nước ngoài.
Theo bà Tâm, giá lúa gạo sụt giảm thời gian qua ở ĐBSCL là do cung cầu "lệch pha" nhau. "Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử hơn 10 năm qua, hầu như năm nào cũng có họp bàn xuất khẩu gạo, trừ năm 2018, cho nên, năm 2019 tiếp tục xảy ra cũng là điều bình thường”, bà nêu quan điểm và khuyên các địa phương không nên quá lo lắng.
Trung Chánh (thesaigontimes)
Lúa tăng giá ở đâu ko thấy, giờ kêu bán ko ai mua. Năm nay thất mùa lại mất giá, giờ bán ko ai mua, giá vtnn lại tăng. Phần đông dân VN làm nông nghiệp mà năm nào cũng thấy giải cứu nông sản, mất niềm tin quá.
Trả lờiXóa