Atisô là một trong những cây trồng mang thương hiệu đặc sản của Ðà Lạt - Lâm Ðồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn giống của loại cây này có hiện tượng thoái hóa, dẫn đến khả năng kháng bệnh cũng như chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng nên gây khó khăn trong thực hiện kế hoạch phát triển loại cây này.
Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương ươm giống atisô để cung ứng cho nông dân
Nguồn giống bị thoái hóa
Khu vực Thái Phiên thuộc Phường 12, thành phố Đà Lạt được xem là vùng chuyên canh atisô ở Đà Lạt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương này, so với khoảng 10 năm trước, diện tích atisô liên tục giảm, đến nay hơn 70%. Theo ông Võ Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND Phường 12, nguyên nhân chính dẫn đến người nông dân Đà Lạt đang thu hẹp dần diện tích trồng atisô là do thiếu nguồn giống mới khỏe mạnh. Bởi nguồn giống atisô hiện nay đã cho thấy rõ dấu hiệu của sự thoái hóa nên khả năng kháng bệnh của cây rất thấp, năng suất không cao, do đó thu nhập thấp hơn so với các loại rau, hoa khác. Một số người dân đã tự tìm cách mua hạt giống từ nước ngoài và ươm. Tuy nhiên, số lượng này không lớn nên không thể tăng diện tích atisô. Hiện tại, diện tích atisô của Thái Phiên chỉ còn khoảng 45 ha.
Bà Nguyễn Thị Ba (xóm Sân Banh, Tổ 45, Phường 12) cho biết, gia đình bà trồng atisô đã mấy chục năm nay. Từ nguồn giống ban đầu, gia đình bà tự làm giống trồng vụ tiếp theo bằng cách cắt sát gốc cây cũ, làm cỏ, bón phân, cây sẽ nứt mầm rồi chăm sóc thành cây cho vụ mới; hoặc chọn những gốc cây khỏe mạnh nhất, bứng lên khỏi mặt đất rồi cắt dọc 4 phần thành 4 hom giống, gieo xuống đất trở lại để mọc lên mầm cây giống cho vụ mới. Qua nhiều năm việc tạo giống truyền thống như trên đã khiến cho cây atisô vụ mới thường mang mầm bệnh sót lại từ gốc cây mùa trước nên thoái hóa dần, vụ sau năng suất kém hơn vụ trước.
Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình trạng thoái hóa giống atisô đã được xác định từ nhiều năm trước, nguyên nhân được xác định là giống atisô cũ do người Pháp đưa vào Đà Lạt đã trên 100 năm, ngoài ra, người dân chỉ nhân giống nhờ cấy mô nên đến nay giống này đã thoái hóa, mặt khác các nhà trồng dược liệu không chủ động được nguồn giống như loại gieo bằng hạt.
Đó cũng là lý do khi Công ty Cổ phần Dược Lardopha đã ký kết hợp tác với hai địa phương Đa Sar và Đa Nhim (huyện Lạc Dương) để hình thành vùng nguyên liệu cho Công ty với diện tích 20 ha, tuy nhiên chưa thực hiện được do khan hiếm nguồn giống. Ông Tạ Đức Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim chia sẻ, trong khi cây cà phê bị dịch bệnh giá trị kinh tế không còn cao nữa thì hướng đi phát triển dược liệu đang mở ra triển vọng thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Hiện tại, có hàng chục hộ dân có nhu cầu chuyển đổi một phần diện tích của gia đình sang trồng một số cây dược liệu, trong đó có cây atisô, thế nhưng hiện nay vấn đề giống đang là trở ngại lớn cho bà con chuyển đổi.
Theo nhận định của các cơ quan quản lý về ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích nhà kính, nhà lưới cho trồng rau hoa công nghệ đang dần bão hòa, vì vậy để vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân, vừa bảo vệ môi trường thì trồng dược liệu - trong đó có cây atisô là hướng đi thích hợp. Bởi thế, trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều đề tài nghiên cứu về giống atisô, đồng thời phối hợp với Công ty Cổ phần Dược Lardopha nhập một số giống có hàm lượng dược tính cao để nhân rộng ra cho Nhân dân, vừa tạo nguồn nguyên liệu chất lượng để phục vụ sản xuất dược liệu. Lâm Đồng phấn đấu năm 2025 trồng được trên 500 ha có liên kết với doanh nghiệp để sản xuất.
Phát triển nguồn giống mới
Cây atisô là cây dược liệu đặc sản được trồng với diện tích 176 ha, chủ yếu ở Đà Lạt và một ít diện tích thuộc huyện Lạc Dương. Cây sử dụng được thân, lá, hoa, rễ chế biến trà có giá trị xuất khẩu với một số sản phẩm chiến lược, được thị trường chấp nhận như cao khô Atisô, viên nén Atisô, trà túi lọc Atisô… Một số doanh nghiệp trong đó có Công ty Cổ phần Dược Ladophar Lâm Đồng đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng nhà máy đông dược đạt chuẩn GMP - WHO để sản xuất cao khô atisô nguyên liệu và mở rộng phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Ngoài ra, còn có các đơn vị như Công ty TNHH trà Ngọc Duy, Viện Công nghệ hóa học, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt cũng đã và đang nghiên cứu phát triển một số giống atisô phục vụ cho chế biến…
Hiện nay, để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh và nâng cao hàm lượng dược chất của atisô, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng Ladophar đang triển khai thử nghiệm chuyển đổi từ giống cấy mô đã thoái hóa sang loại gieo hạt để đảm bảo chủ động nguồn cung cấp dược liệu cho chế biến các loại sản phẩm.
Theo đó, năm 2018, Công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm giống atisô trồng từ hạt để thay thế cho giống cây truyền thống hiện nay. Hiện nay, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng Ladophar đã trồng thử nghiệm trên 3 ha, dự kiến trong năm 2019 sẽ nhân rộng thêm 10 ha ở huyện Lạc Dương.
Bà Trần Thị Kim Thao, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, đơn vị vừa hợp tác với Công ty Cổ phần Dược Lardopha để nhận hạt giống do Công ty cung cấp về ươm cây giống atisô cung ứng cho Nhân dân. Qua kết quả ươm cho thấy, hạt giống có tỷ lệ nảy mầm rất cao, cây khi ra bầu có tỷ lệ sống đạt 100% nên được người dân đánh giá rất cao. Hiện tại, vườn ươm của Trung tâm đã cung ứng được khoảng 20.000 cây giống tương ứng với diện tích trống 2 ha. Hiện nay, người dân khi nhận giống cây atisô được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cây giống, còn lại người dân tự đối ứng. Theo bà Thao thì nhu cầu được cung ứng giống sạch bệnh, năng suất tốt và hàm lượng dược tính cao đang trở nên cấp thiết đối với hộ nông dân huyện Lạc Dương. Sau khi diện tích giống mới này sinh trưởng và phát triển người dân có thể tự cấy mô để lấy lại nguồn giống chất lượng.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, khi số hộ đồng bào người dân tộc thiểu số không có điều kiện để phát triển nhà lưới, nhà kính thì giải pháp phát triển cây dược liệu đem lại thu nhập cao ổn định là hướng đi tốt. Để phát triển diện tích dược liệu mới này, huyện khuyến khích các công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ này khi tham gia trồng dược liệu. Qua đó, huyện Lạc Dương phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu cây dược liệu của tỉnh Lâm Đồng.
Hoàng Yên - Ngọc Hà (Báo Lâm Đồng)
Không có nhận xét nào: