» » » Nghệ An thu hoạch lúa hè thu, nơi được mùa, nơi nguy cơ mất trắng

Thời gian này, nông dân Nghệ An đang tranh thủ thu hoạch lúa hè thu để né tránh mưa lụt và kịp thời triển khai vụ lúa thu đông.

Nông dân Thanh Chương gặt lúa hè thu chạy lũ

Để né tránh mưa lụt, triển khai vụ đông kịp thời, hiệu quả, người dân huyện Thanh Chương đang tranh thủ gặt lúa hè thu.

Người dân thôn Lĩnh Sơn, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) dùng bè mảng thu hoạch hè thu chạy lũ. Ảnh: Đình Hà

Mặc dù trời đang mưa nhưng chị Hoàng Thị Thùy ở Thôn Lĩnh Sơn, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) vẫn tranh thủ ra đồng để gặt lúa hè thu, bởi thửa ruộng nhà chị chân ruộng sâu, chiều hôm trước nước mới xăm xắp, sáng mai ra đã lên ngang cổ bông lúa. Kinh nghiệm nhà nông cho thấy, “xanh nhà hơn già đồng", chị phải tranh thủ gặt, nếu không kịp có khi mất trắng.

Thời điểm này, chị Ngô Thị Huệ ở xóm 7, xã Xuân Tường cũng đang thuê nhân công khẩn trương gặt số diện tích lúa bị mưa to làm đổ rạp; nếu không nhanh chóng thu hoạch cả lúa và rơm ngập úng trong nước sẽ hư hỏng.

Niềm vui được mùa lúa hè thu. Ảnh: Đình Hà

Cách xã Xuân Tường không xa, vợ chồng anh Nguyễn Sĩ Lục ở xóm 7, xã Thanh Lương đã gặt hơn 3 sào lúa hè thu, đang tranh thủ phơi rơm rạ để làm thức ăn cho bò.  Anh Lục cho biết, vì mưa nhiều nên phơi lúa, rơm rất vất vả; lúa tuốt xong có thể “re”, xới xáo trong nhà chờ nắng, còn rơm phải tranh thủ phơi ngay để có thức ăn cho trâu bò.

Theo đề án sản xuất, vụ hè thu năm nay huyện Thanh Chương gieo cấy khoảng 5.500 ha lúa. Nhờ thời tiết ủng hộ và thâm canh tốt, đến nay trà sớm dự ước khoảng 3.000 ha ở các xã Thanh Lĩnh, Đồng Văn, Thanh Dương, Thanh Lương, Xuân Tương, Thanh Liên... đã cho thu hoạch. Đây là số diện tích thường xuyên chắc ăn nhờ gặt sớm.  

Sau khi gặt xong, lúa được tuốt ngay để tránh bị mọc mầm. Ảnh: Đình Hà

Theo tính toán sơ bộ, sau 3 ngày xuống đồng toàn huyện đã gặt được khoảng 800 ha. Ông Nguyễn Hoài Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh chia sẻ: "Muốn có lúa hè thu trà sớm phải thực hiện gieo mạ từ khi lúa xuân mới trổ bông, gặt xong là cấy ngay, khác với trà muộn là gieo thẳng phải chờ gặt xong mới gieo. Trong bối cảnh lúa hè thu luôn bị thiên tai đe dọa vào cuối vụ thì đây là một cách làm sáng tạo, phù hợp".

Tranh thủ phơi rơm để làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: Đình Hà

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết thêm: "Sau nhiều năm đưa vào thành vụ sản xuất chính, vụ hè thu năm nay Thanh Chương vẫn gieo cấy ổn định trên các diện tích ổn định nguồn nước. Nhờ gieo cấy đúng thời vụ và chăm sóc tốt nên vụ này tiếp tục được mùa. Huyện đang chỉ đạo người dân nơi nào lúa đã chín thì tranh thủ gặt theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" vừa để né tránh lũ lụt, vừa tranh thủ sản xuất vụ đông. Năm sau huyện sẽ kiên quyết hơn trong chỉ đạo để có nhiều diện tích lúa trà sớm đảm bảo né tránh được lũ lụt”.

Yên Thành nguy cơ mất trắng lúa hè thu

Thời điểm này, trên 3.000 ha lúa hè thu chạy lụt của các xã vùng sâu huyện Yên Thành đang vào giai đoạn thu hoạch. Do thiên tai, sâu bệnh hại diễn biến phức tạp nên năng suất đạt rất thấp.

Hiện nay, nhiều nông dân ở xã Khánh Thành (Yên Thành) đang thuê máy gặt đập liên hợp, huy động nhân lực, phương tiện xuống đồng thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu vùng sâu trũng. Tuy nhiên, trước thực tế đồng ruộng cháy lá, bạc phếch bà con nông dân không khỏi lo lắng.

Chị Phan Thị Thuận ở xóm Đông Phú, xã Khánh Thành cho hay: "Năm ni mất mùa quá, giờ gặt không đủ trả tiền máy chứ chưa nói chi đến giống, phân bón. Lúa nhìn qua thì có bông nhưng hạt lép nhiều, năng suất không nổi 1 tạ/sào.

Tại xã Khánh Thành (Yên Thành), lúa hè thu năm nay năng suất giảm trung bình từ 60 -70%, có nhiều vùng giảm 80 - 90% so với các năm. Ảnh: Anh Tuấn

"Vụ hè thu năm nay là một vụ mất mùa nhất trong nhiều năm trở lại nay, lúa lổ bạc trốc, gặt nhẹ tênh toàn lá khô. Chăn nuôi thì rớt giá, trồng lúa thì sâu bệnh, người nông dân làm ruộng không biết mần chi để sinh sống nữa đây" - bà Nguyễn Thị Năm ở xóm Quỳnh Khôi than thở.

Theo kế hoạch sản xuất, vụ hè thu 2017 xã Khánh Thành gieo cấy hơn 300 ha lúa, với các giống lúa lai và lúa thuần như LC 20, Sông lam 9, Khang dân đột biến. Là xã vùng sâu trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng, khi có mưa bão xảy ra nên xã đã ban hành sớm kế hoạch, tổ chức xuống đồng gieo cấy đảm bảo lịch cơ cấu.

Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, vào giai đoạn lúa đứng cái làm đòng đã bị sâu bệnh gây hại như rầy, lùn xoắn lá. Đặc biệt, đúng vào dịp lúa trổ, gặp bão số 2 gây ngập úng, toe đòng, không phơi mao được, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa hè thu.

Bà Nguyễn Thị Năm ở xóm Quỳnh Khôi, xã Khánh Thành tranh thủ gặt bằng phương pháp thủ công. Bà cho biết, lúa bị sâu bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại nên bông lúa nhẹ tênh, ít hạt, lép nhiều, lá khô khốc. Ảnh: Phan Hiền

Theo ông Cao Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, vụ hè thu sâu bệnh diễn biến phức tạp, xã đã chỉ đạo phun phòng 4 đợt nhưng không hết, nhất là bệnh đốm sọc vi khuẩn; tiếp đến gặp mưa bão làm gãy ngang, sóc nước vào đòng nên năng suất giảm giảm 60 - 70%; lúa thuần chỉ được khoảng 2 tạ/sào, lúa lai từ 1,6 -1,75 tạ/sào.

Xác định sản xuất vụ hè thu trong điều kiện không mấy thuận lợi, do đó các địa phương thuộc vùng sâu trũng chủ yếu cơ cấu bằng các loại giống lúa ngắn ngày như Khang dân đột biến, Thiên Ưu 8, Bắc Thơm, Sông Lam 9 và một số giống lúa lai phù hợp với đồng đất như Thái Xuyên 111, VT404, Thụy Hương...

Ông Nguyễn Phúc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Viên Thành, Yên Thành cho biết thêm: Vụ hè thu này xã mất mùa, nhất là những xóm vùng sâu trũng, 1 sào chỉ thu hoạch khoảng 1,2 tạ, có ruộng bà con thu hoạch không đủ tiền giống, vật tư, tiền công thuê gặt. Để bù lại năng suất, xã có cơ chế để bà con đẩy mạnh sản xuất vụ đông như hỗ trợ giống ngô và các loại cây màu ngắn ngày nhằm bù lại một phần thiêt hại của vụ hè thu.

Do diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều diện tích bị sâu cuốn lá lứa 4, lứa 5 gây hại trên diện rộng, cùng với đó là gây hại của nhiều loại đối tượng sâu bệnh, đặc biệt là bùng phát bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, bệnh lùn sọc đen, bệnh khô vằn ở thời điểm lúa trổ bông đã làm giảm năng suất rất lớn trên 3.000 ha lúa vùng chạy lụt của các xã vùng sâu huyện Yên Thành./.

Anh Tuấn - Phan Hiền - Đình Hà(Báo Nghệ An)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: