» » 'Giải cứu' đường tồn kho: Xây dựng kế hoạch tiêu thụ linh hoạt

Trước tình trạng lượng đường tồn kho cao kỷ lục, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã kiến nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp “giải cứu” đường tồn kho, tiêu thụ đường bền vững.

Lượng đường đang tồn kho ở mức cao kỷ lục

Đường tồn kho cao kỷ lục

VSSA cho biết, tính đến ngày 19/5/2017, các nhà máy đường cả nước đã sản xuất được 1.361.379 tấn đường. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ chậm đã khiến lượng đường tồn kho lên đến 748.224 tấn - mức tồn kho cao nhất so với cùng kỳ mấy năm gần đây (năm 2016 tồn kho 486.205 tấn, năm 2015496.790 tấn).

Nguyên nhân khiến đường tồn kho cao, theo VSSA, trước tiên là do ảnh hưởng bởi thời tiết khiến hầu hết các nhà máy vào vụ chậm nên lượng đường sản xuất niên vụ 2016 - 2017 dồn cuối vụ. Đường tồn kho từ đầu vụ cao, giá đường trong nước kém cạnh tranh kích thích đường lậu gia tăng chèn ép khiến đường sản xuất trong nước tiêu thụ chậm.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, bán hàng của các doanh nghiệp ngành đường còn nhiều bất cập, không ít nhà máy chỉ duy trì phương thức bán hàng bị động thông qua trung gian thương mại. Một số nhà máy thiếu chính sách chăm sóc, phát triển khách hàng, nhất là các khách hàng sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, để xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ đường bền vững. Điều này khiến giữa sản xuất - thương mại - khách hàng thiếu sự gắn kết, khi thị trường đường có biến động về sản lượng và giá, khâu tiêu thụ sẽ gặp nhiều nan giải.

Giải pháp và kiến nghị

Để giảm đường tồn kho, hướng tới tiêu thụ bền vững, VSSA cho rằng, các doanh nghiệp ngành đường cần phải dự báo chính xác sản lượng sản xuất trong vụ, từ đó phối hợp và báo cáo các bộ, ngành để cân đối cung - cầu, đưa ra các biện pháp điều hành thị trường phù hợp.

Theo đó, từng nhà máy phải củng cố lại hệ thống mạng lưới tiêu thụ, chú trọng tới khách hàng chiến lược; có chính sách chăm sóc khách hàng; thực hiện đúng cam kết về số lượng, thời gian giao hàng, giá... Các nhà máy đường cần phải xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm linh hoạt, chính sách bán hàng, thu lợi nhuận hợp lý để không có sự chênh lệch lớn giữa giá đường trong nước với đường nhập lậu; xây dựng và công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đường...

VSSA cũng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đường quyết liệt, hiệu quả; nhất là ở các địa bàn trọng điểm biên giới các tỉnh phía Nam, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ hoạt động tạm nhập tái xuất đường, tránh đường tạm nhập quay lại tiêu thụ tại thị trường nội địa. Áp dụng thuế suất nhập khẩu đường trong hạn ngạch 5% không chỉ trong khu vực ASEAN mà cả từ các nguồn gốc xuất xứ khác như Brazil, Úc, Ấn Độ… nhằm tăng tính cạnh tranh về nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền nguồn cung từ Thái Lan dẫn đến Việt Nam phải nhập khẩu đường giá cao; dự báo cung - cầu đường sát với thực tế và có cơ chế, chính sách điều tiết, bình ổn thị trường đường trong nước kịp thời, chính xác.

Đến ngày 19/5/2017, tổng lượng đường tồn kho lên đến 748.224 tấn, bằng 54,9% lượng sản xuất. Các nhà máy sản xuất được 1.361.379 tấn đường, tiêu thụ 1.093.070 tấn, tồn kho đầu vụ (gồm từ sản xuất và nhập khẩu) là 479.915 tấn.

Lan Ngọc (Báo Công Thương)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: