» » ĐBSCL: Nơm nớp lo gieo sạ sớm vụ Đông Xuân

Ngày 5.10, tại Hậu Giang, Bộ NNPTNT tổ chức sơ kết sản xuất vụ thu đông và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2016-2017. Không hẹn mà gặp, hầu hết các tỉnh cho rằng vụ đông xuân năm nay vô cùng khó khăn do có khả năng thiếu nước. Trong khi đó, Cục trồng trọt khuyến cáo nông dân nên gieo sạ sớm để tránh tình trạng thiếu nước.

Chưa sản xuất đã lo thiếu nước

Theo Bộ NNPTNT, có trên 339.200ha lúa đông xuân 2016-2017 ở ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, chiếm 21,9% diện tích gieo sạ toàn vùng. Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Có khả năng mặn xuất hiện từ tháng 12.2016, kéo dài đến cuối tháng 5.2017. Các vùng ảnh hưởng nặng là Gò Công (Tiền Giang), Nam Mang Thít (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), bán đảo Cà Mau...”.

Theo nhiều đại biểu, đợt hạn mặn lịch sử thời gian qua đã làm cho sản xuất lúa của bà con bị thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi kết thúc mùa khô, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo không sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông). Trong đó, Trà Vinh không sản xuất 35.000ha, Bến Tre 15.000ha, Hậu Giang 8.000ha và Tiền Giang 1.000ha. Toàn vùng đã chuyển đổi 8.439ha đất lúa sang cây màu và cây ăn trái. Nhiều địa phương đã khuyến cáo người trồng lúa không sản xuất lúa vụ 3 bởi khả năng thiếu nước rất lớn.

Lượng mưa không nhiều cộng với mực nước đầu nguồn sông Mekong đổ về theo chu trình mùa nước nổi năm nay dự báo không cao sẽ khiến cho tình trạng thiếu nước cho sản xuất càng nghiêm trọng hơn. Theo Tổng cục Thủy lợi, với nền nước đầu nguồn cho tới thời điểm này đang ở mức thấp, nên khả năng có lũ lớn ở vùng ĐBSCL là thấp. Vì vậy, nếu không có gì biến động lớn, nhận định lũ năm 2016 rất nhỏ. Nếu có bất thường về thời tiết thì lũ ĐBSCL cũng ở mức dưới 4,5m tại Tân Châu.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ mùa khô 2016 – 2017 sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ nhiều năm. Vì vậy, cần căn cứ vào thực tế sản xuất vừa qua để tính toán diện tích, thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn.

Gồng mình sản xuất sớm

Bộ NNPTNT cũng đề nghị ĐBSCL bắt đầu gieo sạ vụ lúa mới này từ ngày 10.10 và đạt trên 420.000ha diện tích xuống giống trong tháng 10.

Mặc dù chủ động xuống giống sớm, nhưng nhiều địa phương vẫn lo lắng và mong cơ quan chuyên môn có những dự báo sớm về tình hình thời tiết, đặc biệt là xâm nhập mặn. “Chúng tôi đề nghị đài khí tượng thuỷ văn theo dõi sát độ mặn các nhánh ở sông Tiền để thông báo cho địa phương có sự chủ động kịp thời” - Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang lo lắng.

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre mong muốn: “Mùa khô vừa qua, do dự báo không kịp thời nên phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi của tỉnh vẫn chưa khép kín nên rất mong được cơ quan chuyên môn hỗ trợ công tác dự báo”.

Bên cạnh đó, xem xét tích trữ nước hợp lý vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian tới đề phòng khả năng xảy ra hạn, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2016-2017.

Các tỉnh cũng theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm tưới khi xảy ra hạn hán.

Đặc biệt, các tỉnh tập trung nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ trên hệ thống kênh rạch nội đồng.

Trong đó, việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ hợp lý, né tránh hạn mặn, giảm thiểu thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này khiến cho người nông dân gặp khó bởi họ đã quen với lịch thời vụ cũ và chưa biết cách tích nước cho sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất, vụ Đông Xuân 2016 – 2017, ngành nông nghiệp cần đưa ra lịch thời vụ nhằm chia sẻ nguồn nước giữa các tỉnh ĐBSCL bằng việc xuống giống xen kẽ giữa các vùng.

Được biết, vụ đông xuân 2016 - 2017, ĐBSCL gieo sạ hơn 1,5 triệu ha, giảm gần 5.000 ha; năng suất đạt 7 tấn/ha, tăng hơn 5 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 10 triệu tấn, tăng gần 800.000 tấn so vụ Đông Xuân 2015 – 2016.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doang cho biết, Bộ giao nhiệm vụ các đơn vị giám sát, dự báo mặn, thông tin thường xuyên, kịp thời đến các cấp, các ngành khu vực ĐBSCL chủ động hướng dẫn người dân sản xuất có hiệu quả.

Hoàng Huy (Báo Lao Động)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: