» » Điều gì đã 'cứu' giá lúa thị trường nội địa?

Xuất khẩu gạo những tháng còn lại của năm 2016 được dự báo tiếp tục gặp khó, nhưng điều đáng ngạc nhiên là giá lúa gạo trên thị trường nội địa vẫn duy trì được ở mức khá tốt.

Giá lúa nội địa vẫn duy trì ở mức cao dù xuất khẩu gạo gặp khó khăn. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: TC

Báo cáo mới nhất được Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố vào hôm qua, 8-8, cho thấy trong tháng 7-2016 xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đạt 270.563 tấn, trị giá FOB đạt trên 120 triệu đô la Mỹ, giảm 318.760 tấn về lượng và giảm trên 116 triệu đô la Mỹ về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Còn lũy kế xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 2,928 triệu tấn với trị giá FOB đạt 1,266 tỉ đô la Mỹ, giảm 373.000 tấn về lượng và giá trị giảm 101 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy xuất khẩu gạo sụt giảm, nhưng giá lúa trong nước vẫn duy trì được ở mức cao, nhất là với dòng gạo thơm. Chẳng hạn, lúa OM 5451 (tươi) ngoài đồng hiện vẫn có giá 5.000-5.100 đồng/kg; OM 4900 vẫn ở mức 5.150-5.200 đồng/kg; còn IR 50404 là 4.500 đồng/kg

Trao đổi với TBKTSG Online về tình hình xuất khẩu gạo sụt giảm, ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực của Tập đoàn Lộc Trời, cho biết nếu như nhu cầu nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc sôi động trong quí 1-2016, thì từ tháng 5-2016 đến nay, hầu như thị trường này đã “ngưng ăn” nên xuất khẩu sụt giảm.

“Song song đó, hết quí 1-2016, tức sau khi giao hết các hợp đồng tập trung cho Philippines và Indonesia, thì đến tháng 78, vẫn chưa có tín hiệu mới nào từ những thị trường này, và đây cũng là lý do khiến xuất khẩu gạo của mình gần như bế tắc”, ông giải thích.

Việc thị trường tập trung cấp Chính phủ như Indonesia và Philippines đến nay vẫn chưa có động thái mua mới là hoàn toàn đi ngược với dự báo lạc quan được VFA đưa ra trước đó.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, cho rằng những nhận định và dự báo đưa ra trước đó về xuất khẩu gạo đã sai. “Từ đó dẫn đến ngộ nhận (thị trường xuất khẩu khả quan) và dẫn đến tâm lý đầu cơ tích trữ, rồi khi giá thấp cũng không dám bán”, ông nói.

Xuất khẩu những tháng đầu năm sụt giảm là điều quá rõ ràng, nhưng cơ hội gia tăng trong những tháng cuối năm cũng là một điều hết sức mong manh.

Theo ông Thọ của Tập đoàn Lộc Trời, cơ hội về đầu ra xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn nằm ở những thị trường như đã nêu ở trên, nhưng đối với Trung Quốc trong tháng 8 9-2016 lại là thời điểm thu hoạch, cho nên, đến bây giờ nhu cầu và đơn đặt hàng từ thị trường này cũng chỉ là những đơn hàng nhỏ lẻ với các dòng gạo như OM 5451, OM 4900, ST 21…, chứ chưa có đơn hàng lớn.

Trong khi đó, đối với thị trường tập trung, theo ông Thọ, lượng gạo tồn kho của Indonesia vẫn ở mức “an toàn”, cho nên nhu cầu của quốc gia này sẽ không xuất hiện trong năm 2016, khác hẳn với những dự báo trước đó.

“Tuy nhiên, có thể trong tháng 9 hoặc chậm nhất là tháng 10-2016 nhu cầu nhập khẩu sẽ trở lại ở thị trường Philippines (khoảng 250.000 tấn) vì lượng gạo dự trữ của Philippiens theo quy định phải đảm bảo trong 30 ngày, nhưng mức ước tính đến tháng 8-2016 chỉ đạt khoảng 25 ngày thôi”, ông Thọ cho biết.

Nếu dự báo của đại diện Tập đoàn Lộc Trời đưa ra là chính xác, thì rõ ràng so với những tính toán được VFA đưa ra trước đó vẫn khá khiêm tốn, nghĩa là cơ hội để Việt Nam bán được nhiều gạo hơn vào thị trường này là khó.

Theo lý giải của ông Thọ, sở dĩ giá lúa dòng gạo thơm vẫn giữ được ở mức cao do vẫn đi được hợp đồng nhỏ lẻ qua thị trường Trung Quốc, một số đi thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà. “Còn lúa IR 50404 vẫn giữ được mức giá 4.500 đồng/kg vì doanh nghiệp vẫn muốn thu mua để chờ đợi hợp đồng tập trung Chính phủ nên khi có nhu cầu thu mua thì giá lúa ngoài đồng vẫn cao”, ông cho biết.

Mặt khác, theo ông Thọ, Trung Quốc đã thỏa thuận với Campuchia là bắt đầu từ năm 2017, quốc gia này sẽ nhập khẩu chính ngạch từ Campuchia 200.000 tấn gạo. “Như vậy, các doanh nghiệp Campuchia cũng có sự chuẩn bị giữ hàng lại, cho nên lượng lúa từ Campuchia về Việt Nam trong năm nay và dự kiến sang năm 2017 sẽ giảm đi (ước mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn vào Việt Nam), cũng làm giá lúa nội địa vẫn giữ ở mức ổn định”, ông cho biết.

Một lý do khác cũng khiến giá lúa gạo nội địa vẫn cao, đó là tiêu thụ nội địa khá tốt, và dù Trung Quốc vẫn đóng của mậu biên, nhưng các doanh nghiệp ở phía Bắc vẫn tiếp tục chuyển hàng ra Hải Phòng và đưa lên cửa khẩu Lào Cai, Cao Bằng để trữ hàng ở đó.

“Chính vì vậy, nhu cầu nội địa cộng với nguồn hàng từ Campuchia sụt giảm và với dự báo Philipines sẽ nhập khẩu vào cuối năm, mỗi cái một ít cũng tác động đến các doanh nghiệp thu mua dự trữ, làm giá vẫn ở mức cao”, ông cho biết.

Trung Chánh (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: