» » Sửa Nghị định 109: đi tìm 'nút thắt'

Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo là công cụ có giá trị pháp lý cao nhất đầu tiên điều chỉnh hoạt động kinh doanh một mặt hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nó đã sớm bộc lộ những bất ổn, cho nên Chính phủ lại một lần đặt quyết tâm sửa đổi.

Không có thương hiệu là điểm yếu lớn nhất của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Lỗ hổng vùng nguyên liệu

Trong khi tuyệt đại bộ phận hộ nông dân sản xuất lúa của nước ta chỉ có quy mô sản xuất nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chủ yếu sản xuất theo tập quán và kinh nghiệm thì điều kiện để thương nhân được cấp “giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo” lại chỉ nhắm vào khối lượng, chứ không phải chất lượng gạo xuất khẩu.

Số liệu Tổng điều tra nông dân, nông nghiệp và nông thôn gần đây nhất của nước ta cho thấy, ngay cả tại vựa lúa lớn nhất nước là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), số hộ có diện tích đất lúa dưới 2 héc ta cũng lên tới gần 1,2 triệu hộ, chiếm 86,6%, còn nếu tính chung cả hai vựa lúa lớn nhất nước (ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng) thì các con số này lên tới gần 4,1 triệu hộ95,7%.

Trong điều kiện sản xuất như vậy mà không có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo để hướng vào đáp ứng những nhu cầu cụ thể thì nguồn cung gạo xuất khẩu của nước ta không khác gì những “núi gạo tạp pí lù”.

Trong khi đó, ngoài việc được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, một doanh nghiệp muốn được công nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo phải đồng thời có hai điều kiện: 1) Có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc phù hợp quy chuẩn và 2) Có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ phù hợp quy chuẩn.

Nghị định mới cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để vừa khuyến khích, vừa áp đặt mệnh lệnh buộc các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nông dân để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, thể hiện qua thương hiệu gạo.

Điều này có nghĩa là, Nghị định 109 không yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo có nhiệm vụ xây dựng vùng nguyên liệu.

Cũng có thể biện minh rằng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn là vấn đề chung đối với các loại nông sản, chứ không phải chỉ riêng đối với lúa gạo, cho nên “kẽ hở” này đã được “lấp đầy” sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thương nhân xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn và xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình, Bộ Công Thương còn chấp thuận cả việc thương nhân chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với hộ nông dân trồng lúa hoặc đại diện của hộ nông dân và coi đây là tiêu chí ưu tiên để được cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo”.

Thật khó có thể hình dung rằng, sự liên kết rất lỏng lẻo như vậy lại bảo đảm cho thương nhân có được nguồn nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu xây dựng thương hiệu gạo, cho nên có lẽ cũng sẽ không quá võ đoán khi nói rằng, 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2020 là mục tiêu quá xa vời.

Lợi nhuận siêu ngạch và gạo xuất khẩu vô danh

Nếu như gạo không có thương hiệu là điểm yếu nổi bật nhất trong sản xuất thì “người anh em sinh đôi” của nó trong lưu thông là sự phụ thuộc vào một số rất ít thị trường.

Các số liệu thống kê của nước ta và ITC cho thấy, kể từ thời điểm sốt nóng giá gạo thế giới 1998 đến nay, lượng gạo của nước ta xuất khẩu vào ba thị trường Đông Nam Á gồm Philippines, Indonesia và Malaysia đạt gần 38 triệu tấn, chiếm 39,5% tổng lượng gạo xuất khẩu và chiếm hơn 60% tổng lượng gạo nhập khẩu của ba thị trường này.

Đặc điểm nổi bật nhất của ba thị trường này là, ngoại trừ Malaysia, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia và Philippines rất không ổn định. Chẳng hạn, nếu như trong năm 2007, ba thị trường này nhập của chúng ta tới trên 3 triệu tấn, chiếm gần hai phần ba tổng lượng xuất khẩu thì trong năm 2013, cả ba chỉ nhập 1,1 triệu tấn... Năm nay, sau khi hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn cho Philippines và Indonesia trong hai tháng đầu năm, đẩy tiến độ xuất khẩu tăng kỷ lục, thì hiện tại, ta phải “ngồi ngóng” những động thái mới từ chính trường của hai quốc gia bạn hàng truyền thống này.

Tại sao xuất khẩu gạo của nước ta lại tập trung quá nhiều vào ba thị trường này và rơi vào trạng thái bị động như vậy? Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến gạo xuất khẩu của chúng ta cho đến nay vẫn “vô danh” hay không?

Câu trả lời chung là có. Lợi nhuận siêu ngạch là động lực khiến gạo được tập trung xuất khẩu vào đây như vậy và chính nó là vật cản khiến gạo xuất khẩu của chúng ta “vô danh” lâu đến như vậy.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy, trong khi chiếm 39,5% về lượng như nói trên, kim ngạch xuất khẩu gạo vào ba thị trường này trong 18 năm qua đã chiếm 40,8%. Còn tính theo giá bình quân thì xuất khẩu vào ba thị trường này đạt 384 đô la Mỹ/tấn, trong khi các thị trường còn lại chỉ đạt 364 đô la Mỹ/tấn. Cho dù, gạo xuất khẩu vào ba thị trường này tuyệt đại bộ phận chỉ là gạo 15% tấm và gạo 25% tấm, tức là tuyệt đại bộ phận gạo đặc sản, gạo thơm, gạo nếp... có giá cao hơn đã được xuất khẩu vào các thị trường còn lại.

Khoản chênh lệch giá ít nhất là 20 đô la Mỹ/tấn nói trên là lợi nhuận siêu ngạch và khi Nhà nước không điều tiết thì đương nhiên các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng vào ba thị trường này được hưởng.

Ngoài ra, gạo xuất khẩu vào những thị trường này là gạo “tạp pí lù”, các doanh nghiệp rất dễ kiếm, không phải xây dựng vùng nguyên liệu, càng không phải nhọc công xây dựng thương hiệu.

Như vậy, vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt mà nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo cần điều chỉnh là tạo ra khuôn khổ pháp lý để vừa khuyến khích, vừa áp đặt mệnh lệnh buộc các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nông dân để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, thể hiện qua thương hiệu gạo mà mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng cho mình và được thị trường chấp nhận. Chính đó mới là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta phải đạt được trong cả chặng đường dài trước mắt, chứ không phải là những dự án, phương án hay những hợp đồng liên kết được chính quyền cấp này hay cấp khác “đóng dấu đỏ”, nhưng chưa chắc đã được thị trường chấp nhận.

Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: