» » » » Nắng gắt miền trung, giá dừa tăng cao

Nếu như cách đây 5 - 7 năm, giá dừa tại Bình Định chỉ có giá 2.000 - 3.000 đồng/trái thì trong vài ba năm gần đây đã tăng lên được 5.000 - 6.000 đồng/trái

Bóc vỏ dừa để chở đi miền Bắc tiêu thụ

Hiện nhu cầu tiêu thụ dừa nước tại thị trường miền Bắc, cả các tỉnh lân cận và trong tỉnh tăng cao do thời tiết ngày càng trở nên nắng nóng... 

Mấy năm nay, nhờ hoạt động chế biến các sản phẩm từ dừa được nâng cao nên dừa trái ở Bình Định được giá. Riêng năm nay, mùa khô đến khá sớm đã khiến người tiêu dùng tiêu thụ mạnh dừa tươi để uống nước khiến giá trái tăng cao. 

Ăn mạnh 

Nếu như cách đây 5 - 7 năm, giá dừa tại Bình Định chỉ có giá 2.000 - 3.000 đồng/trái thì trong vài ba năm gần đây đã tăng lên được 5.000 - 6.000 đồng/trái. Hiện nhu cầu tiêu thụ dừa nước tại thị trường miền Bắc, cả các tỉnh lân cận và trong tỉnh tăng cao do thời tiết ngày càng trở nên nắng nóng gay gắt khiến giá dừa tươi (dừa ta) trên địa bàn Bình Định tăng đến 10.000 đồng/trái, đó là giá mơ ước của các nhà vườn. 

Những ngày này, trên khắp các nẻo đường ở huyện Hoài Nhơn, đến đâu chúng tôi cũng thấy cảnh rộn ràng cảnh mua bán dừa. Nhiều chiếc xe ba gác “ăn hàng” từ nhà vườn hối hả chở dừa đến tập trung tại các đại lý để được róc vỏ, lên xe đi ra Bắc hoặc chở đi tiêu thụ tại các quán giải khát. Vì dừa đang được ăn mạnh và được giá nên nhà vườn nào cũng chú tâm thu hoạch những quả dừa đã “vừa nước” để bán. 

Chị Đặng Thị Hương, chủ quán nước dọc QL1A trên địa bàn xã Hoài Đức chia sẻ: “Khoảng 3 - 4 ngày nay, nắng nóng tăng cao do đó giá dừa cũng tăng theo. Hiện tại, thương lái bán dừa xiêm (trái nhỏ) tại quán tôi với giá 14.000 đồng/trái, dừa ta là 12.000 đồng/trái. Giá tăng cao hơn cách đây vài tháng 6.000 - 7.000 đồng/trái mà nhiều lúc không có dừa để mua, vì hiện nay dừa đang được Hà Nội và các tỉnh thành lân cận ăn mạnh”. 

Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoài Đức cho biết: “Ở Hoài Đức có 3.600 hộ dân thì trừ 600 hộ sống ven QL1A nhà có ít diện tích vườn nên ít trồng dừa, còn lại nhà nào cũng trồng dừa kín vườn. Trước đây, người tiêu dùng chỉ thích uống nước dừa xiêm, dừa ta thường để thật già để lấy cơm làm kẹo dừa hay dầu dừa. Nhưng bây giờ cả dừa ta cũng được dùng để uống nước, thậm chí người tiêu dùng còn thích hơn vì trái to, dày cơm, cho nước nhiều.

“Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu BATRIVINA (TP Hồ Chí Minh) cam kết với Hội Dừa Hòa Nhơn là sẽ thu mua toàn bộ phân bón vi sinh chế biến từ mụn dừa để sản xuất viên nén ươm cây để xuất khẩu, và hợp tác tiêu thụ các sản phẩm mỹ nghệ từ dừa của địa phương”, ông Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội Dừa Hoài Nhơn, cho biết. 

Giá dừa đang tăng cao, nếu thương lái thuê người đến vườn hái, làm cỏ dừa cho nhà vườn luôn thì giá mua sẽ là 6.000 - 7.000 đồng/trái, còn nhà vườn tự hái bán sẽ có giá 10.000 đồng/trái. Cách đây 5 năm, giá dừa ta chỉ có 2.000 - 3.000 đồng/trái nhiều nhà vườn nãn không muốn hái, bây giờ nhìn thấy buồng dừa nào vừa tớt để uống nước là hái ngay”. 

Tương lai sáng sủa 

Khi dừa uống nước tăng giá, nông dân hái bán dừa tươi để nhanh có tiền thì dừa khô dùng để chế biến các sản phẩm từ dừa trở nên hiếm nên cũng tăng giá theo. Theo ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, nếu như trước đây giá dừa khô chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/trái thì hiện nay đã tăng đến 7.000 - 8.000 đồng/trái

Bình Định là tỉnh có diện tích dừa lớn xếp thứ 3 trong cả nước, đứng sau 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh với gần 9.500 ha dừa tập trung tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Ân. Những năm qua, giá dừa khô liên tục giảm, dừa ta lại không được dùng uống nước khiến người trồng dừa chán nản, không đầu tư chăm sóc khiến nhiều diện tích dừa bị bỏ mặc cho bọ cánh cứng phá hoại. 

Giá tăng, nông dân siêng năng thu hoạch dừa uống nước để bán 

Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cơm dừa khô trên địa bàn còn nhỏ lẻ nên hơn 70% dừa quả của địa phương hầu như phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ phía Bắc và Trung Quốc. Bây giờ, khi dừa ta được người tiêu dùng khắp nước sử dụng mạnh để uống nước và năng lực chế biến dừa khô trên địa bàn được nâng cao thì nông dân Bình Định có quyền mơ về ngày tươi sáng của cây dừa vì thị trường tiêu thụ được rộng mở. 

Hiện dầu dừa tinh khiết (VCO) là một sản phẩm mới, có giá trị cao vì những giá trị dinh dưỡng của nó như một loại thực phẩm chức năng cho con người. Nhu cầu về VCO trên thế giới ngày càng gia tăng. 

Tuy nhiên, sản xuất VCO ở Bình Định chủ yếu còn ở quy mô nông hộ, song cho thu nhập cao gấp 5 - 8 lần so với sản xuất cơm dừa khô truyền thống hoặc bán trái khô. Do vậy, Dự án sinh kế nông thôn đã hỗ trợ cho huyện Hoài Nhơn sản xuất VCO để xuất khẩu. Nếu làm tốt công tác xúc tiến thị trường, thì việc sản xuất sản phẩm mới này sẽ cải thiện đáng kể thu nhập cho người trồng dừa. 

Mới đây, tại Hoài Nhơn đã xuất hiện “Hội Dừa”. Hội Dừa Hoài Nhơn có 7 chi hội chức năng ngành nghề riêng biệt: Chi hội chế biến dầu dừa tinh khiết; chi hội trồng dừa; chi hội sản xuất cước xơ dừa; chi hội thu mua dừa; chi hội sản xuất phân bón vi sinh từ mụn dừa; chi hội sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chi hội sản xuất thực phẩm các loại từ dừa. 

Ông Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội Dừa Hoài Nhơn, cho biết: “Hội Dừa Hoài Nhơn là cơ sở pháp lý để chúng tôi định hướng, kêu gọi các nguồn lực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mới có chất lượng, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, đồng thời ổn định giá nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất và người trồng dừa. Hội sẽ chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ một cách bài bản hơn”.

An Nhơn (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: