» » » Phạt ba vựa rau ‘dính’ thuốc trừ sâu vượt mức cho phép

Trong tháng 2-2016, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM lấy 49 mẫu rau, củ, quả kinh doanh tại ba chợ đầu mối nông  sản Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền để kiểm định tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả ba mẫu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. 

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM, cho biết vào ngày 28-3.

Cụ thể, Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM đã phát hiện 50 kg cần tây có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng tại vựa của bà Lê Thị Cẩm Nhung (chợ đầu mối nông sản Thủ Đức) chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật Chlorpyrifos 0,14 mg/kg (giới hạn tối đa cho phép 0,05 mg/kg). Chi cục ra quyết định phạt bà Nhung và buộc chi trả chi phí kiểm định là 2.140.000 đồng.

Tại vựa rau của ông Nguyễn Chí Thắng cũng trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM phát hiện 30 kg cần tàu có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng chứa tồn dư hoạt chất Chlorpyrifos với hàm lượng 0,091 mg/g (giới hạn tối đa cho phép 0,05 mg/kg). Ông Thắng bị phạt vi phạm hành chính và chi phí kiểm định là 2.715.000 đồng.

Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM đang lấy mẫu rau, củ kinh doanh trong chợ đầu mối nông sản để phân tích tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: CTV

Kết quả kiểm định còn ghi nhận 30 kg bông cải trắng có nguồn gốc từ Hà Nội đang kinh doanh tại vựa của bà Trần Thị Kim Lệ trong chợ đầu mối nông sản Hóc Môn chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật Chlorpyrifos 0,34 mg/kg (giới hạn tối đa cho phép 0,05 mg/kg). Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM ra quyết định phạt bà Lệ và buộc trả chi phí kiểm định tổng cộng 2.010.000 đồng.

Theo bà Thoa, điều đáng quan tâm là thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong rau rất nguy hại cho người sử dụng. Thế nhưng sau khi có kết quả kiểm định thì toàn bộ lô rau vi phạm đã được tiêu thụ.

“Cuối tháng 3-2016, Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM tiếp tục lấy mẫu rau tại ba vựa nói trên để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tái phạm chi cục sẽ rút giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời đề nghị cơ quan thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh của ba vựa rau này” - bà Thoa cho biết thêm.

Ở Việt Nam, thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ nói chung và hoạt chất Chlopyrifos nói riêng được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, thuốc có tác dụng tốt trong phòng trừ sâu bệnh góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên nếu quá lạm dụng và bất cẩn trong việc sử dụng nhóm thuốc Chlopyrifos sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và tiếp xúc với thuốc

Ảnh hưởng của hoạt chất Chlorpyrifos đối với con người: Trong nhóm thuốc lân hữu cơ thì hoạt chất Parathion có độc tính cao nhất (nhóm độc I), Chlopyrifos thuộc nhóm độc trung bình (nhóm độc II) và nhẹ hơn là nhóm Malathion (nhóm độc III).

Chlorpyrifos là chất độc hại đối với con người. Da tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể đổ mồ hôi cục bộ và các cơn co thắt cơ bắp không tự chủ. Khi mắt tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể gây đau, chảy nước mắt và mờ mắt.

Ngộ độc Chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật, và cuối cùng tê liệt tứ chi cơ thể và các cơ hô hấp. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể có những đại tiện không tự nguyện hoặc rối loạn tâm thần, nhịp đập bất thường tim, bất tỉnh, co giật và hôn mê. Có thể chết do suy hô hấp hoặc tim ngừng đập. Nguồn: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng

Trần Ngọc (PLO)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: