» » Nông dân ĐBSCL: Vui Tết chứ không ăn Tết

Với bối cảnh ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khá ảm đạm trong năm 2015, nhất là với lúa gạo và thủy sản, người nông dân vùng này chỉ “vui Tết chứ không ăn Tết”. Sang năm mới, với tinh thần lạc quan, họ vẫn tính hướng làm ăn khác, dẫu phần việc này đang thiếu vắng “bàn tay” giúp sức...

Người miền Tây lên TPHCM gặt lúa kiếm tiền tiêu tết. Ảnh : giadinh.net.vn

Chỉ là vui Tết

“Nông dân miền Tây (ĐBSCL) bây giờ chỉ có vui Tết thôi, chứ không ăn Tết. Người ăn Tết là những thương nhân thành đạt kìa”, đó là tâm sự của ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Theo ông Hải, năm 2015 người nông dân bán sản phẩm (lúa gạo, thủy sản) không có lợi nhuận; công nhân thì lương không cao, tiền thưởng thì ba cọc ba đồng, mà công nhân làm việc ở các khu công nghiệp cũng là con cái của những người nông dân, nên khi kinh tế khó khăn, thì Tết với họ cũng chỉ là khoảng thời gian để về thăm viếng gia đình, ông bà sau một năm đi làm ăn xa. “Theo quan sát của tôi, đại đa số nông dân miền Tây và con em của họ đi làm ăn (công nhân) xa về, thì sum họp ngày Tết, sống với gia đình vài bữa cơm, đi thăm viếng vậy thôi, chứ tiền đâu mà ăn, mà mời mộc bạn bè cho lớn”, ông Hải nói.

Còn ông Huỳnh Kim Hải, một hộ nông dân sản xuất lúa, ngụ tại khóm 3, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, thì có tâm trạng buồn khi nói về chuyện ăn Tết của người nông dân miền Tây.

Theo ông Hải, nông dân ăn Tết lớn hay nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện kinh tế của gia đình, nhưng với thực tế thu nhập từ sản xuất lúa trong năm 2015 chẳng những không tăng, mà còn giảm theo giá bán lúa, thì mọi gia đình, kể cả gia đình ông chắc chắn không thể ăn Tết sung túc được. “Ví dụ, Tết mà giá lúa cao, nông dân có tiền, thì ăn Tết tốt hơn, chưng bày xôm tụ, vui vẻ hơn. Nhưng, với điều kiện kinh tế như vậy, thì cái Tết cũng bình thường, nghĩa là Tết cổ truyền thì dù nghèo đến mấy cũng phải có hoa, có mâm bàn cúng ông bà ba ngày Tết, cho nên khi nhìn vô, mỗi gia đình ở miền Tây đều có trang hoàng nhà cửa, cũng đẹp. Tuy nhiên, mức sống của nông dân thì thấp, nợ ngân hàng ngày càng nhiều hơn, tất nhiên, nhìn bằng mắt thường không thấy khác xưa, nhưng nhìn ở góc độ vay ngân hàng, thì thấy nợ của nông dân năm sau sẽ tăng hơn so với năm trước”, ông Hải cho biết.

Tính chuyện làm ăn cho năm 2016

Để ứng phó với những khó khăn về mặt kinh tế, trong năm 2016 này, có không ít hộ nông dân miền Tây đã tính đến chuyện chuyển đổi mô hình sản xuất hoặc mở rộng sản xuất với những mô hình bước đầu làm ăn có hiệu quả trong năm 2015. Nhưng, vẫn có không ít hộ nông dân sẽ đi tiếp con đường cũ, bởi họ không có sự lựa chọn nào khác…

Với dự báo xuất khẩu cá tra tiếp tục khó khăn trong năm 2016 do chịu tác động bởi thuế chống bán phá giá của Mỹ; do tâm lý ảnh hưởng bởi đạo luật Farm Bill (Luật Nông trại) hay việc phá giá mạnh đồng tiền của nhiều thị trường nhập khẩu…, nên ông Hải (hợp tác xã sản xuất cá tra Thới An) đã cùng một số hộ nông dân từng sản xuất cá tra chuyển sang nuôi cá tre vàng đồng.

Theo ông Hải, dân châu Á rất chuộng con cá trê vàng đồng, cho nên nếu nuôi được số lượng lớn, thì doanh nghiệp có thể mua để chế biến xuất khẩu. “Tôi đang làm theo mô hình như vậy và điều này vừa tạo ra sản phẩm mới, vừa giúp cho những hộ nuôi cá tra đang bị “treo ao” vì lỗ có thể chuyển qua nuôi cá tra vàng đồng. Sản lượng nuôi có thể ít, nhưng mà có lợi nhuận, đảm bảo được cuộc sống, còn hơn nuôi cá tra số lượng lớn, nhưng lại lỗ lã liên miên”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Tâm, ngụ tại số 185B, ấp Phú Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - tác giả của sản phẩm dừa Phú Quý in chữ nghệ thuật, cho biết ngay từ đầu năm 2016, ông sẽ đầu tư mạnh vào việc sản xuất dừa tạo hình để phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. “Với 300 trái dừa tạo hình được bán sạch trong ngày thu hoạch dịp Tết Bính Thân, nên tôi quyết định đầu tư sản xuất 2.000 trái trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Tâm chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, ông Tâm đã cùng với Ban chủ nhiệm câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình vùng ĐBSCL và các thành viên khác đang lên kế hoạch đưa trái cây tạo hình của Việt Nam ra một số nước có phong tục chưng trái cây Tết giống với Việt Nam. “Chúng tôi đang tìm người biết tiếng Miên, tiếng Thái.., để bắt đầu làm hàng, nhưng ban đầu chỉ để tặng nhằm mục đích quảng bá và sau đó sẽ đặt hàng vào dịp Tết tới”, ông Tâm cho biết.

Tuy nhiên, với ông Huỳnh Kim Hải, ông cũng chỉ biết sản xuất lúa thôi, chứ không biết chuyển đổi sang cây gì khác vì chuyển đổi mà không có đầu ra càng… “chết”. “Hiện nay, có hiện tượng chuyển đổi từ trồng lúa sang nếp, nhưng việc này cũng chỉ là đánh cược với vận may thôi, bởi năm nay nếp có giá 5.400-5.600 đồng/kg (nếp tươi) so với lúa chỉ 4.700-4.800 đồng/kg, thì thu nhập của người trồng nếp cao. Nhưng năm ngoái, lúa được 5.000 đồng/kg, còn nếp chỉ có hơn 4.000 đồng/kg thôi, thành ra năm ngoái trồng nếp không tốt. Nói chung, bây giờ nông dân gieo trồng giống cây gì cũng giống như trông chờ vào vận may thôi, chứ không có căn cứ nào để dựa vào đó phát triển cả”, ông Hải chia sẻ.

Dù có quyết định “bám trụ” với cây lúa hay chuyển đổi sang những mô hình làm ăn mới, thì người nông dân vẫn “tự lực” là chính, vì theo những người trong cuộc, họ hoàn toàn không nhận được bất kỳ một sự giúp sức nào của những người  có trách nhiệm. “Khi tôi có ý định chuyển đổi sang mô hình nuôi cá trê vàng đồng, tôi có nhờ các ban, ngành liên quan giúp đỡ, nhưng họ nói phải chờ nên thôi, tôi tự làm luôn, chứ nếu đợi họ có khi đến cuối năm cũng chưa xong”, ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.

Trung Chánh (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: