Trong khi nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, thì sắn xuất khẩu tương đối thành công, đưa ngành sắn tiếp tục đứng trong Top 10 sản phẩm nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Tuy nhiên, phát triển sắn đang “nóng” với diện tích tăng ồ ạt, đến nay đã vượt quy hoạch 110.000 ha, sắn đang “ăn” vào diện tích rừng.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tháng 12/2015, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 378.000 tấn, với giá trị đạt 113 triệu USD, đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này năm 2015 đạt 4,08 triệu tấn, giá trị 1,31 tỷ USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Vượt quy hoạch
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới hơn 89% thị phần, tăng hơn 27% về khối lượng và tăng hơn 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị phần của các thị trường khác đều nhỏ hơn 2%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Đài Loan (tăng gần 64% về khối lượng và gần 60% về giá trị) và Nhật Bản (tăng hơn 27% về khối lượng và gần 21% về giá trị).
Theo ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, sắn là cây nông nghiệp truyền thống, nằm trong 4 cây lương thực quan trọng nhất ở Việt Nam. Trước đây, sắn chỉ là cây giúp xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, sắn đã trở thành cây trồng hàng hóa chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm, nằm trong tốp 10 sản phẩm nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Như vậy, trong xu hướng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính suy giảm cả về lượng và giá trị, xuất khẩu sắn nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu không tươi màu. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi cho sự phát triển lâu dài, về tính bền vững của ngành sắn trong tương lai. Sắn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng năng suất cao nhất vẫn là ở vùng Đông Nam bộ.
Ts. Tô Xuân Phúc - Chuyên gia của tổ chức Forest Trends, cho biết hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sắn đa dạng, tốc độ tăng trưởng sản lượng đạt từ 10 - 15%. Cả nước có 94 nhà máy chế biến công suất lớn cùng hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ với hơn 10 triệu tấn củ tươi đầu vào mỗi năm, sản phẩm phục vụ 30% thị trường nội địa và 70% xuất khẩu.
Nhu cầu tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn cũng như lợi ích từ chế biến thương mại và sản xuất khiến diện tích sắn tăng nhanh trong gần 1 thập kỷ gần đây. Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám Đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), cho biết đến nay, diện tích trồng sắn cả nước đứng thứ 3 sau lúa và ngô, đạt 560.000 ha (năm 2014), cao hơn 2 lần so với diện tích năm 1999 (225.500 ha) và vượt xa con số 450.000 ha mà Chính phủ đặt ra. Thống kê cho thấy sản lượng sắn của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Sắn được coi là cây của người nghèo
Làm gì để sắn không “cắn” rừng
Với động lực thị trường, phát triển sắn vẫn tiếp tục tăng, ngành công thương đề nghị tăng diện tích trồng sắn lên 650.000 - 700.000 ha. Cho đến nay, ngành sắn vẫn đang tiếp tục phát triển cả về diện tích lẫn quy mô chế biến. Trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, cây sắn lại là cây dễ tính, rất phù hợp với đất đồi, rừng, nên điều này đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nguồn tài nguyên rừng.
Bà Nguyễn Hải Vân - chuyên gia của PanNature, cho rằng nguy cơ xâm lấn, xâm canh và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang trồng sắn của người dân là rất cao. Nhất là ở những vùng khó khăn, những người nghèo lại càng trồng sắn nhiều. Nghiên cứu của các chuyên gia cũng cho thấy nhu cầu sinh kế của người dân là động lực chính gia tăng diện tích.
Đồng tình với quan điểm của bà Vân, Ts. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, cho biết tình trạng sắn “cắn” rừng, do sắn bắt nguồn từ nguyên nhân chính là do khác với các loại cây công nghiệp khác như cà phê, cao su, sắn, được coi là cây của người nghèo, bởi trồng sắn không kén đất, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật canh tác cao, mức đầu tư thấp, nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều này đã làm chùn bước chính quyền xã trong thực hiện các biện pháp can thiệp quyết liệt nhằm giảm thiểu tình trạng chuyển đổi rừng sang trồng sắn. Chính quyền một số địa phương đã “thầm lặng” chấp nhận việc đánh đổi một số diện tích rừng nhằm cải thiện sinh kế, giảm đói nghèo.
Phát triển cây sắn sao cho bền vững, vừa đảm bảo sinh kế của người dân vừa giữ được rừng là trăn trở của nhiều nhà quản lý và nông dân. Làm sao để con số xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành sắn trở nên có ý nghĩa thực sự mang lại giá trị gia tăng, đem lại lợi nhuận chính đáng cho người trồng sắn và không gây cuộc cạnh tranh bất bình đẳng với những loại cây trồng khác.
Nhiều ý kiến cho rằng giá trị của cây sắn trong tương lai sẽ tiếp tục được khẳng định, nhưng cũng cần phải tính đến quy hoạch nghiêm túc hơn, để hướng ngành sắn phát triển bền vững và hài hòa lợi ích với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, trước mắt, cần phải quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, không nên mở rộng diện tích trồng sắn quá mức, đặc biệt là việc mở rộng diện tích liên quan tới chuyển đổi đất rừng cần được kiểm soát chặt chẽ. Cần tạo vùng nguyên liệu tốt, chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất xăng sinh học - ethanol, giảm và tiến tới không xuất khẩu sắn lát (sắn thô) ra thị trường.
Thu Hường (Thời báo kinh doanh)
Không có nhận xét nào: