» » » » Quảng Trị: Nông dân lo sốt vó vì sắn 'quá tuổi' vẫn nằm trên nương

Những ngày này, bà con đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đứng ngồi không yên vì cây sắn đã đến tuổi thu hoạch, nhưng chưa nhập được cho nhà máy. Hàng trăm người bỏ rẫy, đi quãng đường vài chục km đến các điểm cấp phiếu bán sắn từ sáng sớm cho đến tối mịt để đăng ký, nhưng tình hình không mấy khả quan.

Người dân đứng đợi xin phiếu bán sắn ở trạm thu mua nông sản A Túc. Ảnh: Hưng Thơ.

Sắn 2 năm tuổi, vẫn còn nguyên trên nương

Ông Hồ Văn Kỉa ở thôn A Dơi Đớ (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa) kể, con trai đầu Hồ A Dỗ có mấy nương sắn "thừa tuổi", nhưng vẫn chưa bán được vì không có phiếu thu mua của nhà máy. Nương sắn của Dỗ chỉ cách làng vài trăm mét, nằm bên ruộng lúa đã khô hết nước vì hạn. Mặt sắn từ lúc Dỗ đào lỗ chôn xuống đất, đến nay đã dài ngoằng, muốn nằm rạp xuống vì đã hơn 2 năm tuổi. Cạnh rẫy sắn này, Dỗ và bố Kỉa có trồng thêm một diện tích sắn khác, cũng đã đến tuổi thu hoạch.

Trước tết dương lịch, Dỗ có bán được một xe sắn 12 triệu đồng, nhà có 6 đứa con nên xe sắn vừa bán chẳng mấy chốc mà cạn. Bây giờ trên rẫy áng chừng còn khoảng 4 xe sắn nữa, bố Kỉa nghe Dỗ nói đi xin phiếu nhưng từ nay đến tết âm lịch thì không bán được, nên trong nhà ai cũng buồn và lo. Lo vì rẫy sắn già, lâu quá không thu hoạch thì sản lượng bột thấp, nhà máy mua giá rẻ. Nếu thu hoạch muộn, sẽ không trồng kịp vụ sắn mới, đến lúc gặp hạn thì xem như tay trắng. Thêm nữa, gia đình Dỗ ngoài rẫy sắn, chẳng có thứ gì bán lấy tiền để sống qua ngày. Vì vậy, cứ mỗi ngày vài chục cân, Dỗ nhổ sắn bán cho tư thương với giá 8 trăm đồng/kg, trong lúc đó nhà máy thu mua giá cao nhất là 1.800 đồng/kg.

Xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) xa nhất ở tuyến Lìa, mới 5h30 sáng bà con ở đây đã đi xe máy ra trạm thu mua nông sản A Túc (xã A Túc, huyện Hướng Hóa) để đợi xin phiếu bán sắn. 7h tại trạm này, người chen lấn để tiến đến cửa có cán bộ xuất phiếu đông nghịt, xe gắn máy xếp thành một dãy dài từ ngoài đường vào đến cổng trạm. Ông Hồ Văn Noan, cán bộ địa chính xã Ba Tầng người thấp nhỏ, nên không chen chân được với nhóm thanh niên. 

Ông Hồ Văn Kỉa bên rẫy sắn 2 năm tuổi vẫn chưa bán được cho nhà máy. Ảnh: Hưng Thơ.

Ông Noan đứng thở dốc, nói rằng có rẫy sắn trồng từ tháng 11.2014 và một rẫy sắn khác đã hơn 10 tháng tuổi, nhưng vẫn chưa bán được. Hỏi ông Noan đến đây xin phiếu bao nhiêu lần, không phải mình ông Noan trả lời mà những người đứng sát bên cùng trả lời là đi rồi tay không trở về miết.

Không bán được sắn, bà con không có Tết

Ông Lê Văn Thể - Giám đốc nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (xã Thuận, huyện Hướng Hóa) cho biết, năm nào đến thời điểm này, bà con cũng lo lắng vì chưa được nhà máy nhập sắn. Ông Thể giải thích, niên vụ sắn 2014-2015, nhà máy thu mua khoảng 160 ngàn tấn sắn củ tươi ở huyện Hướng Hóa và Đak Rông. 

Vụ thu mua kéo dài từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau, riêng ở huyện Hướng Hóa vào vụ từ tháng 10. Niên vụ này, nhà máy thu mua ở huyện Hướng Hóa hơn 50 ngàn tấn trong vòng 3 tháng, dự kiến tháng 5 sẽ thu mua hết sắn cho người dân. "Chúng tôi có kế hoạch thu mua khoa học. Công suất của nhà máy 700 tấn/ngày thì chúng tôi chỉ phát phiếu thu mua đủ chừng đó. Có như vậy sắn được nhổ không bị dồn ứ, không bị giảm chất lượng. Nhưng vào thời điểm này, ai cũng muốn bán được sắn, mà có 6.000 hộ dân như thế, thì nhà máy không thể đáp ứng hết được".

Ông Thể nói thêm rằng, nhà máy đã có cơ sở dữ liệu về sản lượng sắn của từng hộ dân, nên sẽ có phân bổ phiếu hợp lý. Đối với những hộ chính sách, có khó khăn đột xuất thì chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận, nhà máy sẽ ưu tiên cho nhập trước. Nhà máy có phương án sẽ nhập một nửa sản lượng sắn của mỗi hộ dân trước Tết Nguyên đán.

Ông Hồ Văn Vinh - Phó Chủ tịch huyện Hướng Hóa cho biết, 7 xã ở tuyến Lìa là vùng sắn nguyên liệu của nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Trước khi bà con triển khai trồng, nhà máy cũng đã cam kết sẽ thu mua hết sản lượng, nhưng hiện tại cả 7 xã đều kêu ca về tình trạng chưa bán được sắn. "Huyện cũng đã nhiều lần có ý kiến với nhà máy, yêu cầu giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm để bà con có thu nhập, kịp trồng vụ mới, nhưng nhà máy vẫn chưa giải quyết được. Trồng được cây sắn trong điều kiện thường xuyên hạn hán đã khó, nay việc bán sản phẩm càng khó khăn. Nếu đồng bào không bán được sắn, sẽ không có Tết"- ông Vinh nói. 

Hưng Thơ - Trần Hóa (Báo Lao Động)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: