» » » Phục tráng cam Xã Đoài: Gian nan phục tráng

Điều lạ lùng là, cùng giống cam Xã Đoài nhưng khi đưa đến bất kỳ vùng đất nào, quả cam chỉ giữ được màu sắc, độ ngọt còn vị đậm đà, hương thơm đặc trưng lại biến mất.

Bên trong Trung tâm Phục hồi, phát triển giống cam Xã Đoài

Nhiều người yêu cam Xã Đoài đã thử nghiệm, dù thất bại nhưng họ vẫn không nản chí với mong muốn mở rộng diện tích giống cam quý này ra nhiều địa phương khác nhau. 

Để lý giải vì sao cam Xã Đoài chỉ thực sự thơm ngon khi được trồng trên vùng đất này, địa phương đã đem mẫu đất gửi đi phân tích tại Viện Nông hóa Thổ nhưỡng. 

Tuy nhiên, người trồng cam chỉ nhận được một câu trả lời chung chung, cam Xã Đoài thơm ngon là nhờ chất đất và nguồn nước ở đây có các nguyên tố vi lượng có lợi cho quá trình tích lũy chất ở quả cam. Điều kiện này ở các vùng đất khác không có. Vì thế, khi cam Xã Đoài được trồng tại các địa phương khác, chất lượng không thể sánh được với cam được trồng ở 3 xã nói trên. 

Những năm 1976, 1977, với việc quy hoạch dân cư, các hộ dân sống rải rác trên địa bàn các xã Nghi Diên, Nghi Hoa, Hưng Trung đều được di dời về ở tập trung khu vực đồi núi quanh vùng, mỗi hộ chỉ còn lại diện tích từ 500-700 m2 đất ở. Diện tích đất còn lại ưu tiên cho việc trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Những vườn cam cổ thụ đã bị chặt phá, nhiều người tiếc nuối đã chiết giống về trồng tại vườn nhà. Nhưng vườn nhỏ hẹp, ở vùng cao, thiếu nước tưới nên cam Xã Đoài đã chết dần chết mòn. 

Năm 1998, ông Phan Công Hưởng, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên đã mạnh dạn đề xuất và được Bộ Nông nghiệp cho chủ trương triển khai dự án bảo tồn nguồn gen cam Xã Đoài. 

Cả 3 xã lúc đó còn khoảng 30 ha cam nhưng dự án cũng chỉ chọn được 10 cây nguyên chủng, chất lượng ngon nhất để đưa đến Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Bắc Trung bộ tiến hành chiết ghép. Vốn gen này được đưa về trồng trên diện tích 2 ha. Thế nhưng, gặp phải mưa to, gió lớn, vườn ươm bị ngập chìm trong nước khiến dự án hoàn toàn thất bại. Đến khoảng năm 2005, cam Xã Đoài gần như mất hết nguồn giống gốc. 

Cách đây hơn 10 năm, tỉnh Nghệ An cũng đã bỏ ra hàng tỉ đồng để Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa giống cam này về phục tráng tại xã Nghi Ân, TP Vinh. Tuy nhiên, do trồng trên đất cát pha, cam Xã Đoài không phù hợp thổ nhưỡng nên dự án cũng thất bại. Cam Xã Đoài hiện đã được đem trồng ở các huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp... Cam đậu quả nhiều nhưng nhiều hạt, chín sớm và không thơm ngon như được trồng ở 3 xã nói trên của huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên. 

Cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu đất ở, đất trồng lúa tăng lên, số hộ trồng cam Xã Đoài tại Nghi Diên, Nghi Hoa và Hưng Trung đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay, diện tích cam trên thực tế chỉ còn lại rất ít. Không ít người lo lắng, giống cam này sẽ tuyệt chủng trong nay mai. 

Việc phục tráng cam Xã Đoài còn được nhiều cá nhân, tổ chức sốt sắng xắn tay vào làm. Năm 2006, ông Nguyễn Quốc Tuấn, một doanh nhân thành đạt, sinh ra tại xóm 8, xã Nghi Diên hiện đang sinh sống tại Hà Nội đã mạnh dạn làm dự án xin 12 ha đất để xây dựng Trung tâm Phục hồi, phát triển giống cam Xã Đoài. Ông Tuấn đã đầu tư hàng chục tỉ đồng, mời những nhà nghiên cứu gạo cội từ Viện bảo vệ thực vật, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây ăn quả về để phục vụ mục đích bảo tồn giống cam quý này cho địa phương. 

Thế nhưng đến thời điểm này, Trung tâm Phục hồi, phát triển giống cam Xã Đoài mới trồng được 5 ha cam Xã Đoài (2,5 nghìn gốc, trong đó có 1,3 nghìn gốc đã cho thu hoạch), mỗi năm mới thu về trên dưới 10 tấn quả. Toàn bộ số cam đều được khách hàng đặt mua hết từ khi cam vừa mới ra hoa. Khách hàng đến tận vườn thu hái và không qua một khâu trung gian nào. 

Tuy nhiên, với việc tôn cao nền đất canh tác, nền đất bị xáo trộn nhiều trên diện tích 12 ha, nên những người đang trồng cam Xã Đoài cũng phải thừa nhận, chất lượng cam tại Trung tâm vẫn chưa đạt ngưỡng chuẩn nguyên bản vốn có của giống cam quý giá này. 

Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, ông Phan Công Hưởng quyết tâm quay lại với ý tưởng phục hồi giống cam Xã Đoài. “Nhiều người có kinh nghiệm trồng cam trong xã đã can ngăn tôi là không làm được đâu, chỉ tốn công, tốn của thôi. Nhưng tôi nghĩ, mình có mối nhân duyên với giống cam này, đã nhiều năm lăn lộn với nó, tiếc lắm, phải phục tráng bằng được mới thôi. Tôi nói với họ nhưng cũng là để tự trấn an mình: Cha ông làm được, sao mình lại không làm được? Và thế là tôi xắn tay vào làm” - ông Hưởng tâm sự. 

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Với mục đích ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, hiện nay địa phương đã chấp thuận triển khai dự án nhà máy gia công dày da xuất khẩu. Về kế hoạch phục tráng cam Xã Đoài, hiện nay chúng tôi đang tìm phương án, có thể sẽ tìm quỹ đất để ai có nhu cầu, khả năng thì cho thuê để họ trồng cam Xã Đoài”. 

Từ các mối quan hệ, ông Hưởng sưu tầm được 200 cây về trồng trên diện tích 2.500 m2 đất của gia đình mình. Thật bất ngờ, đến Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015), từ 5 sào cam Xã Đoài ấy, ông thu quả bói được gần 2.000 quả, khách hàng đến tận vườn tranh nhau mua, gia đình ông thu về trên 120 triệu đồng

Năm nay, ông Hưởng rất mừng khi vườn cam của ông sai trĩu cành. Theo dự tính của ông, vườn cam sẽ cho ít nhất 70 quả/cây, cuối năm gia đình ông sẽ thu về 14.000 quả cam. Với giá bán bình quân 60 nghìn đồng/quả, ông sẽ thu về trên 800 triệu đồng/5 sào. Vụ tiếp theo, khi đã hết thời kỳ kiến thiết cơ bản, số quả trên/cây sẽ tiếp tục tăng lên, việc ông Hưởng thu tiền tỉ từ 5 sào cam không còn xa nữa. 

Để nhân rộng mô hình trồng cam Xã Đoài cho địa phương, năm 2014, ông Hưởng ươm được 3 nghìn cây giống nhưng chỉ được độ 20 ngày mở bán, khách hàng đã tranh nhau mua hết. Nhiều người ở tận miền Nam, miền Bắc cũng lặn lội về tận nơi đặt mua giống cam quý này. Năm nay, ông Hưởng đã ươm được 1 vạn cây giống, dù chưa đến thời kỳ bán nhưng cũng đã được người từ khắp nơi về đặt hàng. Sắp tới, ông Hưởng sẽ đầu tư hệ thống vườn ươm bằng mái che để sản xuất cây giống. 

Theo ông Hưởng, hiện nay không chỉ các tổ chức trong nước mà nước ngoài đều rất muốn về đây đầu tư để trồng giống cam quý này. “Các chuyên gia Úc, Mỹ đã về địa phương, tìm gặp tôi với mong muốn được tôi tư vấn kỹ thuật và họ đều có nhu cầu thuê khoảng 50 ha đất để trồng giống cam này. Họ tự tin sẽ thu về 2 tỉ đồng/ha mỗi năm từ cam Xã Đoài. Nhưng giờ lấy đâu ra 50 ha đất để cho họ thuê trồng cam bây giờ?”. 

Ông Hưởng cũng cho biết, dự án trồng 100 ha cam Xã Đoài đã được duyệt quy hoạch nhưng hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc nên không thể triển khai. Hiện cả 3 xã chỉ còn khoảng 20 ha cam Xã Đoài, nguy cơ cam Xã Đoài thất truyền vẫn luôn hiện hữu. Điều đó sẽ là một tổn thất rất lớn cho những người yêu cam Xã Đoài nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Bài viết liên quan:

Phục tráng cam xã Đoài: Muốn ăn phải mua tận vườn

Võ Văn Dũng (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: